Liên bang Đức

Đường dây rửa tiền xuyên lục địa lấy Đức làm địa bàn hoạt động chính

Cập nhật lúc 16-11-2018 21:31:15 (GMT+1)
Cảnh sát đã thu giữ được lượng lớn tiền mặt trong xe của một đối tượng

 

Một băng nhóm chủ yếu là người Lebanon được cho là đã rửa tiền buôn bán ma túy trên nước Đức cho các băng đảng ở Nam Mỹ trong nhiều năm. Đường dây này hoạt động như thế nào và các đối tượng bị xử lý ra sao, tất cả đang được làm rõ trong phiên tòa đang diễn ra tại Thủ đô Paris (Pháp) sắp tới.


Một băng nhóm chủ yếu là người Lebanon được cho là đã rửa tiền buôn bán ma túy trên nước Đức cho các băng đảng ở Nam Mỹ trong nhiều năm. Đường dây này hoạt động như thế nào và các đối tượng bị xử lý ra sao, tất cả đang được làm rõ trong phiên tòa đang diễn ra tại Thủ đô Paris (Pháp) sắp tới.

Tại biên giới Đức - Bỉ vào cuối tháng 7- 2015, cảnh sát kiểm tra chiếc Mercedes C-Class có biển số Bremen gần thành phố Aachen, phía Tây nước Đức vừa từ Bỉ sang. Ngồi sau tay lái là một chàng trai trẻ, giống như người bên cạnh, sinh ra ở Lebanon và sống ở một thị trấn gần thành phố Bremen, miền Bắc nước Đức. Cả hai nói họ qua Bỉ để mua sắm. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra chiếc xe, cảnh sát Đức phát hiện 489.000 Euro (gần 550.000 USD) tiền mặt, được chia nhỏ theo mệnh giá và được xếp giữa các lớp đồ lót trong túi xách.

Điều tra sau này của cơ quan hải quan ở Essen cho thấy, các túi chứa dấu vết của cocaine. Tuy nhiên, tổ công tác hôm đó không biết rằng họ chỉ tình cờ phát hiện ra 2 thành viên của một nhóm chuyên vận chuyển đồng hồ đắt tiền, đồ trang sức và xe hơi trị giá hàng chục triệu Euro khắp châu Âu, Tây Phi và Trung Đông. Các phóng viên điều tra của các Đài truyền hình NDR, WDR và báo Süddeutsche Zeitung (SZ) đã được tiếp cận hàng trăm trang hồ sơ vụ án về mạng lưới buôn bán cocaine và rửa tiền toàn cầu này.

Mạng lưới giăng khắp Tây Âu

Tháng 2-2015, nhân viên của Cơ quan phòng, chống ma túy Mỹ (DEA) đã ghi lại các cuộc hội thoại qua điện thoại giữa các thành viên của một nhóm buôn lậu ma túy Colombia, trong đó có nói đến việc chuyển lợi nhuận ma túy sang Nam Mỹ. Các nhà điều tra nhanh chóng xác định một mạng lưới không chính thức trải dài trên khắp Tây Âu, với các chi nhánh ở Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ.

Tổng cộng 14 người bị buộc tội thông đồng rửa hàng chục triệu Euro từ các giao dịch ma túy. Gần như tất cả số họ là công dân Lebanon hoặc có nguồn gốc gia đình ở Lebanon. Các nhà điều tra tin rằng mạng lưới hoạt động ở châu Âu nhưng bị kiểm soát từ Lebanon. Ở đỉnh điểm hoạt động của nhóm, các đối tượng khai báo đã rửa 1 triệu Euro mỗi tuần ở Đức. 

Chiến dịch mở rộng ở quy mô lớn vào tháng 1-2016, trong đó cảnh sát lục soát nhà ở 6 quốc gia, bắt giữ các nghi phạm và thu giữ hơn 800.000 Euro bằng tiền mặt, trong 4 nghi phạm đã bị bắt tại Đức, nơi cảnh sát lục soát các căn hộ ở Düsseldorf, Münster và xung quanh Bremen.

Qua điều tra, nhóm này có chức năng phân cấp. Một số thành viên, như 2 thanh niên bị bắt giữ ở biên giới gần Aachen có nhiệm vụ thu tiền mặt từ việc buôn bán ma túy ở Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Italia và Pháp. Tiền này được đưa cho các thành viên khác trong nhóm để mua đồ trang sức, đồng hồ và những chiếc xe sang rồi chuyển đến Lebanon để bán. Theo các nhà điều tra, số tiền thu được từ những đợt bán hàng này sau đó chảy trực tiếp từ Lebanon đến các nhóm buôn lậu ma túy Nam Mỹ đã chuyển cocaine sang châu Âu.

Tại sao Đức lại trở thành trung tâm rửa tiền?

Đức được coi là trung tâm kinh doanh bất hợp pháp của đường dây buôn lậu, rửa tiền xuyên biên giới này. Trong nhóm này, 2 đối tượng sống ở Münster và Düsseldorf, 2 người khác sống gần Bremen. Ngoài ra, 4 nhà kim hoàn Đức đang bị điều tra về tội tham gia rửa tiền. “Cuộc điều tra đã chỉ ra rằng từ năm 2011 đến 2015, các thợ kim hoàn này có thể thu được hơn 20 triệu Euro từ những người liên quan”, người phát ngôn của Văn phòng công tố ở Aachen cho biết. 

Một trong những nghi phạm chính của vụ án là Ali Z. từ Münster. Trong một cuộc phỏng vấn với NDR, WDR và SZ, người này nói rằng ông ta vô tội, rằng việc xuất khẩu hợp pháp của ông đã bị những người khác lợi dụng. 

Các chuyên gia tin rằng, không phải ngẫu nhiên mà nhóm rửa tiền chọn mua sắm ở Đức. So với các nước láng giềng châu Âu, nước Đức trầm lắng hơn trong cuộc chiến chống rửa tiền. Sven Giegold, một thành viên Nghị viện châu Âu người Đức cho rằng: “Bất kỳ ai trả tiền cho các mặt hàng xa xỉ hoặc thậm chí là bất động sản bằng tiền mặt đều có thể chấp nhận được”. Mặc dù nhiều chủ doanh nghiệp có nghĩa vụ báo cáo các khoản thanh toán đáng ngờ theo Đạo luật rửa tiền nhưng nó hiếm khi xảy ra.

Được biết, phiên tòa bắt đầu mở tại Paris vào trung tuần tháng 11-2018 và dự kiến đến cuối tháng mới kết thúc.

Nguồn: Yến Chi/ANTD.VN

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo