“Mốt mới“ tại CH Séc: Đốt nhà rồi đòi tiền bảo hiểm
![]() |
Vì tác động của khủng hoảng kinh tế, số lượng các vụ cố tình gây hoả hoạn nhằm che đậy mưu đồ lừa đảo và đòi tiền bồi thường của các hàng bảo hiểm, có chiều hướng tăng bất thường. Theo báo Právo hôm 07/06/2010, thì hiện tượng này được đại diện hai hãng bảo hiểm lớn nhất CH Séc cùng khẳng định.
“Năm ngoái chúng tôi điều tra xác minh hàng trăm vụ liên quan tới hoả hoạn, có biểu hiện tình nghi là lừa bảo hiểm, nghĩa là tăng hơn 80% so với những năm trước. Thường là những vụ cháy cửa hàng, cơ sở sản xuất hay kho tàng,“ Milan Káň từ Kooperativa nói với phóng viên Právo và cho biết thêm, rằng khoảng một nửa các vụ nghi vấn hãng bảo hiểm đã chứng minh được mưu đồ cố tình. Thường thì trong mỗi vụ mức thiệt hại vào khoảng một triệu korun. Theo Kooperativa, thì thậm chí năm ngoái có vụ việc đòi bảo hiểm bồi thường tới trên năm triệu korun.
“Các vụ hoả hoạn trong ba năm trở lại đây có chiều hướng hết sức nghiêm trọng. Vào năm 2007 chúng tôi khắc phục 1414 sự kiện bảo hiểm do hoả hoạn gây ra, năm 2008 là 1478 vụ và năm ngoái 1786. Đáng lo ngại nhất là con số năm ngoái, về phương diện hoả hoạn đúng là quá lớn. Điều này có thể liên quan tới khủng hoảng kinh tế,“ Káňa nhận xét.
Tới 40% các vụ hoả hoạn bị cố tình gây ra
“Cách đây chưa lâu, cố tình gây hoả hoạn được coi là tội phạm hiếm hoi. Nhưng thời gian gần đây tăng nhanh nên gây ra nỗi lo ngại chính đáng của cảnh sát, cứu hoả và bảo hiểm. Trên bình diện toàn châu Âu, những vụ cố tình gây hoả hoạn gây ra chiếm từ 30 tới 40% tổng số thiệt hại do cháy,“ Václav Bálek từ Bảo hiểm Séc cho biết.
Hoả hoạn cố tình được chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất do chính chủ nhân gây ra, ví dụ doanh nhân chủ sở hữu công ty, chủ yếu là các nhà hàng, quán nhảy, cơ sở nghỉ ngơi an dương... mà việc kinh doanh đã không còn mang lại lợi nhuận. Nhóm thứ hai nguy hiểm hơn, là hoả hoạn do những phần tử chuyên nghiệp gây ra, thường là những trận hoả hoạn lớn, tiêu huỷ mọi tang chứng. “Trong những trường hợp như vậy, giải quyết hậu quả và cả việc tìm chứng cứ khẳng định không phải là tai nạn ngẫu nhiên hết sức khó khăn,“ Bálek cho biết thêm.
Với các vụ hoả hoạn, nhân viên bảo hiểm thường điều tra xác minh cả vấn đề, xem liệu ví dụ cơ sở kinh doanh này có nợ nần hay khó khăn tài chính hay không, xem liệu bất động sản có xảy ra tranh chấp sở hữu, quan tâm cả tới tình hình kinh doanh của công ty, xem ví dụ hàng hoá có tồn đọng lâu trong kho vì không bán được.
“Với các tửu quán, tiệm nhảy chúng tôi xem xét kỹ, mức độ khách, xem liệu hoạt động kinh doanh có thua lỗ hay không, hay đang được chào mời bán đi hoặc cho người khác thuê, liệu chủ sở hữu có gặp phiền toái với nhân viên hay cả xung đột gia đình,“ Václav Bálek giải thích.
Cả những động thái bất thường của thân chủ trước khi xảy ra hoả hoạn cũng có thể tố cáo âm mưu lừa đảo- liên tục đổi người đứng tên bảo hiểm, bất ngờ nâng mức bảo hiểm hay ngay từ đầu đã đăng ký bảo hiểm với mức cao bất thường.
Nghi vấn có biểu hiện tội phạm thường trong các vụ hoả hoạn, mà không thể xác định chính xác nguyên nhân, hay không thể tìm được nguyên nhân hệ thống phòng hoả không có tác dụng. Các vụ hoả hoạn thường xảy ra vào ban đêm, trong những ngày nghỉ, hay sự kiện xảy ra trước khi có kế hoạch cải tạo nâng cấp, chuyển địa điểm, cận thời điểm ngay sau khi hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực hay trước khi hết hiệu lực. Và kèm theo đó là tất cả các hồ sơ liên quan bị thất lạc.
Theo lời bà Eva Svobodová từ bảo hiểm UNIQA, thì nguyên nhân cố tình gây hoả hoạn cũng có thể liên quan tới việc chấm dứt kinh doanh, tình trạng chất lượng bất động sản xuống cấp hay cần phải đầu tư lớn để có thể tiếp tục kinh doanh...
David Nguyen