Séc-Slovakia

Bản tin Séc ngày 5.3.2012

Cập nhật lúc 05-03-2012 20:00:00 (GMT+1)
Ảnh minh họa (Mediafax)

 

Thực phẩm Ba Lan có thể bị cấm vận. Phát hiện 2 loại sơn móng tay nguy hiểm được người Việt bán. Hơn 90 nghìn người chỉ nhận được lương tối thiểu. Giá cả đắt đỏ khiến nhiều người đi ăn trộm. Dịch cúm sắp phát ra tại Séc. Giáo dục: ĐH Olomouc mở thêm khoa tiếng Nhật. Thú vị: Giới trẻ chia tay với metro đêm.


ĐIẾM NÓNG

Cục thú y nghi ngờ Ba Lan bán muối độc hại

Cục thú y đã bắt đầu lấy mẫu thịt và xúc xích được bán tại vùng Moravskoslezsko để xác nhận liệu những sản phẩm này có chứa muối độc hại hay không. Séc bắt đầu kiểm tra thực phẩm hàng loạt tại Morava sau khi nghi vấn một công ty Ba Lan cách biên giới Séc khoảng 200 km cố tình bán muối giả độc hại. Theo nhiều nguồn tin, loại muối làm tan băng này rất có thể cũng đã được bán cho Slovakia. Theo phía truyền thông Ba Lan, những người có dính líu tới vụ lừa đảo này được cho là ba công ty chuyên thu mua muối rải đường rẻ tiền từ năm 1999 và đóng gói thành muối ăn để bán cho người tiêu dùng. Các chuyên gia cho biết kết quả xét nghiệm thực phẩm sẽ được công bố vào cuối tuần này. Trong trường hợp Ba Lan từ chối công bố tên ba công ty bị nghi bán muối „rởm“, Séc sẽ ra lệnh cấm nhập khẩu mọi sản phẩm có nguồn gốc từ nước này. (Mediafax)

Phát hiện hai loại sơn móng tay nguy hiểm được người Việt bán

Bộ Y tế cảnh báo người tiêu dùng trước hai loại sơn móng tay hiệu Nail Polish Cr và Lucci cosmetic được người Việt bán tại Znojmo và Děčín. Hai loại sơn móng tay bị đánh giá nguy hiểm bởi thành phần bị cấm của nó. Loại sơn móng tay đầu tiên chứa chất Bis (2-ethylhexyl) phthalate và loại thứ hai chứa chất dibutyl phthalate. Khi hai hợp chất độc hại này bị ngấm vào cơ thể qua da, nó có thể gây nguy hiểm đến việc sinh nở và có ảnh hưởng xấu tới những người nhạy cảm. Sản phẩm Nail Polish Cr với màu số 89 - màu da cam được đựng trong lọ thủy tinh với thể tích 18 ml với nắp màu bạc có số sản phẩm là 2906. Sản phẩm Lucci cosmetic với màu số 33 có màu đỏ với thể tích 12 ml. (Eurozpravy)

 

XÃ HỘI

Hơn 90 nghìn người nhận được lương tối thiểu

Mặc cho chi phí sinh hoạt liên tục tăng, lương tối thiểu vẫn giữ nguyên ở con số 8000 korun trong suốt 6 năm liền. Theo thống kê, hàng tháng có khoảng 90 nghìn người Séc nhận được mức lương này. Những người làm nghề dọn dẹp, bồi bàn và những người làm việc chân tay thường chỉ nhận được không đầy 50 korun cho một giờ đồng hồ làm việc. Séc là đất nước có mức lương tối thiểu giữ nguyên lâu nhất trong EU. Vào hồi cuối năm ngoái, bộ trưởng LĐXH đã đề nghị tăng lương thêm 400 hoặc 500 korun, song đề nghị này không được thông qua. Không những chỉ nhà nước không đồng tình với đề án mà ngay cả các doanh nghiệp cũng liên tiếng phản đối. Đối với những người này, việc tăng lương trong thời kì kinh tế không ổn định sẽ khiến họ có thể gặp nhiều rắc rối. (iDnes)

Lái xe taxi Praha đòi thành phố quy định giá tối thiểu

Đại diện hai hãng xe taxi lớn nhất Praha hôm nay đã đệ đơn yêu cầu thành phố đưa ra mức giá chở khách tối thiểu cho một kilomét tại thủ đô. Giá thấp nhất được các lái xe taxi đề ra là 24 korun/km. Trong quá khứ, Praha đã từng từ chối định giá chở khách tối thiểu mà chỉ đưa ra giá tối đa 28 korun/km. Nguyên nhân khiến các lái xe đưa ra yêu cầu trên là do cạnh tranh không lành mạnh giữa nhiều hãng taxi với nhau. Nhiều hãng cung cấp dịch vụ taxi lo sợ áp lực cạnh tranh sẽ khiến họ sẽ phải chở khách với giá 15 korun/km và điều này sẽ gây ra nhiều biến động lớn cho các lái xe cũng như các công ty. (Parlamentnilisty)

Séc là siêu cường quốc của đu quay

Mặc cho khủng hoảng kinh tế đang làm lao đao nhiều doanh nghiệp, kể từ năm 1989 chủ nhân của nhiều đoàn đu quay (kolotoče) vẫn đầu tư hàng nhiều triệu korun nhằm hiện đại hóa các trò chơi của mình để không tụt hậu với các nước phương Tây. Những cuộc hành hương (pouť) ngày xưa chỉ gắn liền với không khí tôn giáo giờ đây chỉ gắn liền với những chiếc đu quay đủ kiểu đủ hình. Ông Václav Kočka đến từ hiệp hội các khu vui chơi và giải trí cho biết khủng hoảng vẫn chưa có tác động gì đến thu nhập của những hội chợ vui chơi ở Séc. Điều này cũng giúp Séc giữ vững vị thế „siêu cường quốc“ của mình ở khu vực đông Âu. Tuy nhiên, để đủ kiếm sống và có lãi, nhiều chủ kolotoče còn phải đi „hành hương“ tới tận các nước như Ba Lan, Romania, Croatia hay Ukraina. (Lidovky)

Giá cả đắt đỏ khiến nhiều người phải đi ăn trộm

Bánh mì, giăm bông, pho mát hay pa tê và thịt hộp ngày càng được nhiều bọn trộm ưa chuộng. Nhiều người Séc bắt đầu đi ăn trộm thực phẩm đơn giản chỉ với mục đích chống đói chứ không phải để đem đi bán. Nguyên nhân chính khiến nạn trộm cắp trong các siêu thị ngày càng tăng là do giá cả thực phẩm ngày càng đắt đỏ cộng với tỉ lệ người thất nghiệp nợ chồng chất tăng. Theo kinh nghiệm của các nhân viên cảnh sát, những kẻ đi ăn trộm với mục đích bán đồ ăn trộm lấy tiền thường hay lấy những thứ đắt tiền như sô cô la hay rượu. Tuy nhiên, số người đi ăn trộm vặt hay ăn đồ ăn trộm ngay trong siêu thị ngày càng chiếm số nhiều. Phần lớn những người này thường sắp chết đói hay thèm quá nhưng không có tiền mua. Ngoài việc trộm cắp trong siêu thị ra, vào thời gian cuối này, cảnh sát òn ghi nhận được nhiều vụ trộm tại gia như khoai tây, rau cỏ trong vườn. (Denik)

Dịch cúm lại sắp phát ra tại Séc

Dịch cúm đang dần lan đến Séc từ các nước châu Âu. Chỉ trong tuần vừa rồi, số người bị bệnh đã tăng thêm 6 %. Tỉ lệ người mắc bệnh hiện tại ở Séc là 1200 người trên 100 nghìn dân số. Giới hạn của dịch cúm là 1700 người bệnh. Đối tượng hay bị virus cúm xâm nhập nhất thường là trẻ em và học sinh. Nhóm bệnh nhân này cũng được coi là những người bị mắc bệnh đầu tiên và „thủ phạm“ của việc lây truyền. Số trẻ bị mắc bệnh trong tuần qua tăng thêm 14 %, nhiều hơn 8 % so với mức trung bình. Theo thống kê, khu vực đông Séc, Vysočina, nam và trung Morava hiện đang có nhiều người bệnh hơn cả. Nguyên nhân của việc bùng nổ dịch cúm hiện vẫn chưa được các chuyên gia lí giải. (Rozhlas)

 

GIÁO DỤC

Đại học Palackého mở thêm khoa tiếng Nhật

Viện nghiên cứu châu Á thuộc trường đại học Palackého, Olomouc sẽ bắt đầu mở thêm khoa ngữ văn Nhật Bản cho cả hai chương trình cử nhân lẫn thạc sĩ từ năm học 2012 - 2013 này. Ngành học ngữ văn Nhật Bản đã được giảng dạy tại trường từ năm 1993 và vào năm 2008 trường mở rộng thêm ngành Tiếng Nhật cho kinh tế thực hành. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp được nêu trên việc học tiếng Nhật vẫn được đánh giá là khóa học hai ngành. Nhờ có nhu cầu học cao của nhiều sinh viên mà nhà trường đã đi đến quyết định xin được cấp chứng chỉ mở khoa dạy tiếng Nhật riêng, không xen lẫn với các ngành học khác. Tương tự như hai chương trình học cũ, sinh viên bắt đầu học tại khoa tiếng Nhật mới sẽ tiếp thu được các kiến thức đủ để dùng và phát triển thêm trong thực tế. Trong chương trình cử nhân, sinh viên sẽ được học về lý thuyết tiếng Nhật cũng như lý thuyết ngữ pháp. Ngoài ra, sinh viên sẽ được tìm hiểu thêm về văn học Nhật Bản (cổ điển cũng như hiện đại) và văn hóa, lịch sử cũng như địa lý của đất nước này. Trong chương trình thạc sĩ, sinh viên sẽ được đi sâu vào việc mở rộng vốn Nhật ngữ và được dạy nhiều hơn về tiếng Nhật viết. Những sinh viên có nhu cầu học ngành này có thể nộp hồ sơ xin học đến hết ngày 16.3.2012. (Novinky)

 

THÚ VỊ

Giới trẻ Praha chia tay với tàu điện ngầm đêm

Vào đêm thứ bảy vừa rồi buổi chia tay tượng trưng với tàu điện ngầm đêm đã được diễn ra tại bến Muzeum ở trung tâm Praha. Khoảng vài chục người đến từ phong trào diễn đàn Praha đã cùng hô vang và hát điệu Waltz để chia tay. Nhiều người còn nhảy với nhau và vẫy khăn trước đoàn tàu đang rời bến. Những người tham dự bắt đầu khởi hành cuộc chia tay của mình tại tuyến A từ hồi 22 giờ với những khẩu hiệu như „Vĩnh biệt, tàu điện ngầm“. Đoàn người còn ngâm lại bài thơ „Vĩnh biệt và chiếc khăn“ với lời đã được sửa coi như lời gửi gắm tới đoàn tàu đêm cuối cùng của thủ đô. Kể từ đêm chủ nhật hôm qua, thành phố Praha đã quyết định hủy các chuyến tàu đêm trong ngày nghỉ cuối tuần nhằm tiết kiệm ngân sách. Buổi chia tay kết thúc sau một giờ kể từ khi bắt đầu. Những người tham dự sau đó đã đi tàu đến chuyến cuối cùng để tận hưởng đoàn tàu đêm cuối cùng. (Mediafax)

Thu Uyên - vietinfo.eu

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo