Báo cáo mật về tình hình cộng đồng nói tiếng Nga ở Cộng hòa Séc
![]() |
Ảnh minh họa: Internet |
Ngày 14 tháng Sáu 2017 chính phủ Cộng hòa Séc đã phê chuẩn báo cáo thường niên về tình hình các dân tộc thiểu số ở CH Séc năm 2016. Vietinfo.eu đã đưa tin sơ lược về nội dung báo cáo liên quan tới cộng đồng người Nga và Việt Nam. Nhưng bên cạnh báo cáo chính thức được phê chuẩn, ban thư ký Hội đồng chính phủ về các dân tộc thiểu số còn soạn thảo tài liệu khác nữa mà nhiều điểm không được công khai.
Trang điện tử HlídacíPes.org thu thập được nội dung báo cáo không công khai về cộng đồng thiểu số nói tiếng Nga ở Cộng hòa Séc, mà nhiều điểm không xuất hiện trong báo cáo chính thức.
“Năm ngoái 481 công dân LB Nga đã nhận được quốc tịch Séc. Tại CH Séc theo số liệu chính thức có 16 059 người Nga cư trú dài hạn và 18 825 người có qui chế vĩnh trú,” phát ngôn viên bộ Nội vụ Vladimír Řepka cho biết.
Theo luật CH Séc chỉ những người mang quốc tịch CH Séc và tuyên bố mình thuộc dân tộc khác với dân tộc Séc là thuộc vào nhóm sắc tộc thiểu số. Và đây cũng chính là trở ngại trong nội bộ cộng đồng người Nga ở Séc, bởi người Nga không chấp nhận người mang quốc tịch Séc và chỉ có gốc gác Nga là đại diện cho mình. “Đào sâu khác biệt quan điểm trong lòng cộng đồng người nói tiếng Nga, là tình hình đã được miêu tả từ những năm trước,” báo cáo viết.
Luật hiện hành về sắc tộc thiểu số vì thế không thỏa mãn được người Nga, nên đã có những hoạt động vận động (lobbing) nhằm thay đổi. “Sao cho thỏa mãn kỳ vọng của các công dân LB Nga kinh doanh ở CH Séc và cả tạo điều kiện cho họ nhận được tài trợ giành cho các sắc tộc thiểu số,” báo cáo nhấn mạnh.
Bất hòa trong cộng đồng người Nga và người “Séc gốc Nga” càng trầm trọng vì tình hình quốc tế, sát nhập Cremea, chiến trang ở Ukraine và biện pháp phong tỏa Nga.
“Các thành viên sắc tộc thiểu số (Nga), nghĩa là công dân Séc, đại đa số theo đuổi giá trị dân chủ và thân châu Âu của CH Séc. Chỉ một bộ phận nhỏ chịu ảnh hưởng của chính sách tuyên truyền chính thức hiện nay của chế độ Moscow và nhóm này không công khai quan điểm của mình,” báo cáo mô tả.
Tỉ lệ trái ngược lại bao trùm trong nhóm những công dân LB Nga mà vì lí do nào đó không nhận được hay không yêu cầu nhập quốc tịch CH Séc. “Những người này ủng hộ giá trị của hệ thống chuyên chế, họ quan hệ với nhau và tìm sự ủng hộ lập trường của mình qua nhiều ngôn từ của tổng thống Séc, các nghị sĩ Cộng sản và cả một bộ phận chính khách CH Séc, mà vì quyền lợi kinh tế ràng buộc với đối tác ở Nga,” phần báo cáo không công khai tiếp tục mô tả tình hình trong cộng đồng nói tiếng Nga.
Cho tới nay trong cộng đồng nói tiếng Nga ở CH Séc chưa hoàn toàn rõ ràng sự khác biệt giữa khái niệm thành viên sắc tộc thiểu số theo luật CH Séc và kiều dân LB Nga trong quan niệm “Thế giới Nga” theo cách giải thích của bộ Ngoại giao LB Nga; vì thế cho nên rất khó xác định, rằng tổ chức nào có thể coi là tổ chức của sắc tộc thiểu số Nga.
Trong báo cáo tình hình từ năm 2012, cũng trong phiên bản “nháp” cũng đã từng nói đến tác động của đại sứ quán Nga và cả từ Moscow đến các tổ chức người Nga ở CH Séc, bao gồm cả ý đồ thành lập “đạo quân Nga thứ năm”.
Tương tự như vậy, báo cáo về tình hình năm 2016, Hội đồng chính phủ về các sắc tộc thiểu số khi nói về cộng đồng Việt Nam cũng nói đến ý đồ của Hà Nội muốn thâu tóm các tổ chức người Việt Nam ở CH Séc vào “cơ cấu của mình”.
David Nguyen - HlídacíPes.org ©Vietinfo