Cảnh sát Séc lại thu hoạch lớn trong bài trừ ma tuý
![]() |
Vườn cần sa tại vùng Pleň. Ảnh: Cảnh sát Séc. |
Cảnh sát hình sự với sự hỗ trợ của cơ quan Tình báo Séc vẫn tiếp tục triệt phá các ổ sản xuất cần sa tại Plzeň và ma tuý đá tại Brno. Cảnh sát với truzeefn thông đã hạn chế nhiều cụm từ "Người Việt" trong những vụ bắt bớ có liên quan đến ma tuý.
Mật ngọt thì ruồi mới bâu!
I – Ma túy đá (Pervitin)
Phải nói rằng con người ta cứ đâu có lợi nhuận là xông vào, chẳng cần nghĩ tới hậu quả ra sao. Với người Việt Nam thì câu này càng đúng. Ở Tổ quốc, kể cả là chờ đợi án tử hình, người ta vẫn „xông“ vào buôn ma túy (heroin, ma túy đá hay thuốc phiện nâu), vậy thì án tù vài ba năm, với chế độ „ở trong tù còn sướng hơn ở nhà“ (tất nhiên là so với khi còn ở VN) thì việc nhiều người Việt đang sống tại Séc nhảy vào ngành này „kinh doanh“ chẳng có gì là lạ.
Dưới đây là một trường hợp. Đã hơn hai năm nay, một người đàn ông (Việt) 44 tuổi, sống ở vùng Brno, nhảy vào ngành „nấu nướng“. Thay vì mở quán nấu ăn, anh này quyết định „nấu tại nhà“ và cho ra loại sản phẩm tinh thể, được mang cái tên Ma túy đá – Pervitin.
Từ khi bắt đầu vào nghề năm 2013 tới lúc bị bắt (2015), anh „đầu bếp“ này đã cho ra lò, theo ước đóan của cảnh sát, được 58 kg sản phẩm tinh khiết, tính theo giá thị trường tại Séc, nó là 58 triệu korun và nếu „thóat“ sang tới Đức hay Áo thì giá còn phải gấp đôi, gấp ba lần! Cảnh sát hình sự đã phải theo dõi người này tới mấy tháng mới thu thập đủ tài liệu, bằng chứng để có thể bắt tạm giam và khởi tố.
Trong khi khám xét nhà, nơi thủ phạm cư trú, ngoài các trang thiết bị như ở phòng thí nghiệm phục vụ cho việc nấu Pervitin ra, cảnh sát còn phát hiện „thêm“ hoa cần sa đã được sấy khô, các loại hóa chất và mấy chiếc can nhựa, loại 20 lít, chứa đầy chất Toluen, một loại nguyên liệu không thể thiếu được cho việc sản xuất ra Pervitin. Cảnh sát đang cố công tìm hiểu xem anh ta „móc“ ra nguồn nguyên liệu này từ đâu, ai là người cung cấp và ai là người cộng tác với anh ta trong việc sản xuất và tiêu thụ „sản phẩm“.
Thủ phạm đã bị khởi tố với tội danh đặc biệt nguy hiểm, đó là „sản xuất và buôn bán trái phép các chất kích thích thần kinh, các chất gây nghiện và chất độc“ cũng như với tội danh „sở hữu những trang thiết bị dùng cho việc sản xuất trái phép các chất kích thích thần kinh, các chất gây nghiện và chất độc“. Với các tội danh này, thủ phạm có thể sẽ bị „tặng“ tới 10 cuốn lịch. Tuy nhiên, không biết với lý do gì mà cảnh sát lại cho người này tại ngoại trong quá trình điều tra. Hay đằng sau có ẩn ý gì nữa chăng? Vì bình thường, tất cả các nghi can, trong các trường hợp dính đến ma túy, thường bị tạm giam cho tới ngày ra hầu tòa.
Theo các nhà hình sự, loại ma túy đá này là loại mạnh được ưa thích nhất ở vùng nam Morava. Một gam Pervitin thường bán ra với giá 1000 korun. Chỉ riêng ở Brno, mỗi năm trung bình có tới 40 „Phòng thí nghiệm“ chuyên nấu Pervitin kiểu này bị phát hiện. Trong thời gian gần đây, trong giới „sản xuất“ ma túy đá ggang thịnh hành loại „lò nấu“ di động nhỏ, cái có thể cho ra mỗi mẻ vài chục gam sản phẩm trong một chu kỳ sản xuất.
Trên thị trường ma túy đá đã ghi nhận sự có mặt của loại Pervitin chất lượng cao, gần như tinh khiết và cả loại Pervitin ở dạng các tinh thể, những thứ này do các tổ chức tội phạm, mà trước tiên đa số có nguồn gốc Việt nam, sản xuất ra. Từ đầu năm tới giờ, Cảnh sát hình sự ở nam Morava đã phát hiện ra 26 trường hợp có liên quan tới sản xuất và buôn bán ma túy và đã bắt giữ tổng cộng 31 người.
II- Cần sa (konopí)
Nếu Áo là thị trường thu hút người Việt ở vùng nam Morava thì Đức, với dân số đông hơn nhiều, lại là đích nhắm của những người Việt đang sống và họat động tại miền Tây – Bắc nước Séc (tỉnh Plzen và tỉnh Karlovy Vary). Các thanh tra hình sự, phân ban 2, thuộc khu vực Plzen – nông thôn ( Plzeň – venkov), trong một thời gian ngắn đã phát hiện ra hai vườn trồng cần sa (konopí).
Trường hợp thứ nhất là một vườn lớn, được trang bị hệ thống kỹ thuật tự động khá hòan hảo. Cái vườn này chắc là do hai người đàn ông, 43 và 55 tuổi, gây dựng nên trong một ngôi nhà tại làng Hunčice. Cảnh sát phát hiện ra vườn này trên cơ sở „tự tìm hiểu“. Theo các sự thật được đưa ra ánh sáng, hai người đàn ông này đã „làm vườn“ từ năm 2012 tới nay. Cảnh sát đã tóm được hai người này, vốn được gắn biệt danh „thợ làm vườn“ vào ngày 28.04.2015 tại hiện trường khi tiến hành khám nhà.
Cảnh sát đã thu được tại chỗ 1922 cây cần sa đã cao (sắp thu hoạch) và như vậy, cái vườn này đã lập kỷ lục về số lượng cây trồng trong một vườn được trồng theo công nghệ „in door – trong nhà“. Khi tiến hành điều tra, cảnh sát cũng phát hiện ra, rằng có sự „ăn cắp điện“ ở đây. Như vậy, hai người bị bắt kia còn phải gánh thêm tội danh „ăn cắp và gây thiệt hại cho các nhà cung ứng dịch vụ – năng lượng“.
Theo kinh nghiệm của cảnh sát, với thời gian và mức độ trồng như vậy, hai người này đã kiếm nhiều triệu trong thời gian vừa qua. Cả hai đã bị trao quyết định khởi tố với tội danh „sản xuất và buôn bán trái phép các chất kích thích thần kinh, các chất gây nghiện và chất độc“ và có thể sẽ bị kết án tù tới 5 năm.
Trong trường hợp thứ hai, vẫn các thanh tra hình sự của ban nói trên đã phát hiện ra vườn trống vào ngày 8.5.2015 tại làng Žilov. Cây cần sa ở đây cũng được trồng theo công nghệ in door. Do mới ở giai đoạn đầu của việc điều tra nên cảnh sát không cho biết thêm các thông tin khác. Theo con số thống kê, từ đầu năm tới nay, cảnh sát hình sự ở đây đã phát hiện và bắt giữ các vườn trồng cần sa với số lượng vườn bằng cả năm 2014 cộng lại.
Có một điều cũng đáng suy nghĩ ở đây, rằng dân chúng ở các làng nhỏ vùng nông thôn Séc nhiều khi không hề để ý tới họat động của những người khác xung quanh nơi mình ở, dù rằng đó là các họat động phạm pháp. Chính vì thế, cảnh sát kêu gọi dân chúng, trong trường hợp họ thấy có điều gì khả nghi thì hãy liên hệ và thông báo ngay cho cảnh sát cộng hòa Séc biết.
Policie, CTK
NKP biên dịch© Vietinfo.eu