Séc-Slovakia

Đầu tư của Trung quốc vào Séc không phải để kinh doanh

Cập nhật lúc 05-02-2016 21:20:00 (GMT+1)
Ảnh: nazory.euro.e15.cz

 

Bà Olga Lomova, Giáo sư khoa Triết tại trường Tổng hợp Karlova cho rằng xu hướng ngả theo Trung quốc hiện nay của giới chính khách đại diện cho Séc đang được dẫn dắt một cách khá là nghiệp dư. Bởi họ đàm phán với phe bảo thủ của Đảng cộng sản tại địa phương. "Chúng ta đang ủng hộ các lực lượng có khả năng gây nên sự bất ổn trên thế giới. Đó là điều phi lý, một sự thiển cận, và chúng ta sẽ chẳng được lợi lộc gì", bà giải thích.


Tại sao thời gian gần đây người Hoa tập trung đầu tư  nhiều ra nước ngoài?

Người ta hay nói rằng nguyên nhân chính là họ có nguồn tài chính dư thừa và cần được đem ra sử dụng. Nhiều khi tôi thắc mắc tại sao họ không đầu tư trong phạm vi Trung quốc, là nơi rất cần được đầu tư vì sự phát triển không đồng đều.

Việc đầu tư ra nước ngoài hiện nay của Trung quốc chắc chắn có liên quan đến việc tạo ảnh hưởng trong đường lối đối ngoại, đó là vấn đề uy tín quốc gia, như Trung quốc đã bắt gặp vấn đề này lần đầu tiên trong thế kỷ 19 khi các nước cường quốc phương Tây bắt đầu thâm nhập rộng. Giờ đây, khi họ đã hiện đại hóa và đuổi kịp phương Tây, họ đang xử sự hệt như những tấm gương họ đã học được của các cường quốc phương Tây nọ.

Bà Lomová tốt nghiệp Khoa tiếng Trung và Phương Đông học, thuộc khoa Triết trường Tổng hợp Karlova. Bà giảng dạy ở đây từ năm 1988. Hiện nay, bà là Giám đốc của Viện Viễn Đông học và cũng là Giám đốc Trung tâm Quốc tế tiếng Trung của Quỹ Chiang-Ching. Lĩnh vực nghiên cứu chính của bà là thơ Trung quốc và sự  thay đổi về tri thức tại Trung quốc trong thế kỷ 20, kể cả các thay đổi về mặt tư tưởng. Các bài của Bà cũng đều dành cho đề tài này.

Đầu tư của Trung quốc liệu có khác đầu tư của Mỹ hay của Đức?

Trên thực tế, các nhà đầu tư Trung quốc không có nhu cầu phát triển các chi nhánh mới tại đất nước nơi họ đầu tư. Nhất là các công ty lớn của Trung quốc thường bám chặt vào môi trường nội địa, tài chính của họ thường gắn liền với chính phủ và ở đây rõ ràng thường có sự liên quan giữa các mối quan tâm về chính trị và kinh tế.

Ở Séc, người Trung quốc có thể kinh doanh từ những năm 1990, nền kinh tế của chúng ta khá cởi mở. Đã có hàng loạt các nhà kinh doanh vừa và nhỏ đã đến đây, chủ yếu trong lĩnh vực bán buôn và hàng quán. Họ kinh doanh ở đây mà không gặp khó khăn hay trở ngại gì do chúng ta gây nên, tôi xin nhấn mạnh rằng tôi không có bất kỳ nghi ngờ nào với việc kinh doanh của họ.

Có nghĩa là các công ty lớn có quan hệ mật thiết với chính phủ sẽ gây rắc rối hay sao?

Các khoản đầu tư lớn của Trung quốc hiện nay mà chúng ta được biết đến qua truyền thông, hiện không hướng tới các ngành sản xuất. Hàn quốc và Đài bắc đã và đang chú trọng vào mặt này một cách có hệ thống đã mấy năm nay. Các nhà đầu tư đến Séc theo sáng kiến mới đây của các chính khách của chúng ta, chỉ đầu tư một cách tượng trưng, trong đó họ cư xử như để quảng cáo chứ không thể hiện ý định kinh doanh rõ ràng.

Dĩ nhiên tôi muốn nói đến công ty CEFC. Đã mấy năm nay, các nhà phân tích chuyên nghiên cứu về công ty này đã lưu ý rằng đây là một công ty có vấn đề. Trên trang web của mình, họ không hề dấu diếm rằng họ phấn đấu cho việc "phục vụ lợi ích quốc gia của Trung quốc" và  nói chung, giọng điệu của họ mang tính chính trị chứ không phải thương mại.

Chủ tịch của công ty đã dùng bức ảnh chụp với Tổng thống Zeman làm ảnh chính thức trên trang Paj-tu là một trang kiểu wikipedia bằng tiếng Trung. Xin đừng giải thích với tôi rằng một công ty lớn thứ 5 của Trung quốc cần phải tự giới thiệu mình bằng cách đặt người lãnh đạo của họ đứng cạnh Tổng thống Séc trước tấm thảm thêu tại thành cổ Praha.

Vậy là Bà không tin các thông tin mà công ty CEFC đưa ra về bản thân?

Trước hết tôi không tin đó là một công ty tư nhân chỉ thuần túy chuyên về kinh  doanh và từ thiện như người ta vẫn nói ở đấy. Hồ sơ hoạt động của công ty là về các ngành năng lượng là ngành chiến lược trong thương mại quốc tế, bao gồm cả việc xây dựng các kho dầu dự trữ chiến lược cho chính phủ Trung hoa.

Trong các ngành chiến lược đến như thế và vì các vị đại diện của công ty thường đàm phán thương mại với các đại diện cao nhất của các nước tương quan như Kazakhstan, hoặc các nước châu Phi, thì thật khó hình dung là trong mô hình kinh tế Trung quốc lại có thể có một công ty tư nhân. Trong đó cũng có thể thấy cả những quan hệ cá nhân với những người thuộc Phòng Đối ngoại của Tổng cục Chính trị, Quân ủy Trung ương.

Đó là tình báo với mục đích thâm nhập vào các tổ chức ở nước ngoài và gây ảnh hưởng trong đường lối ngoại giao. Những đại diện này tự dưng, sau một vài năm lại xuất hiện trong ban lãnh đạo của một công ty do một anh chàng trẻ tuổi đứng ra thành lập, mà anh ta thì chẳng thấy có kinh nghiệm gì trước đây trong thương trường, hay ít ra không thấy được mang ra khoe.

Sau đó họ đến Cộng hòa Séc, mua Slavia, mua nhà máy bia, mua các tòa nhà cổ trong trung tâm thành phố. Cứ theo phong cách họ hành xử, tôi cảm giác họ không thông thạo lắm trong việc kinh doanh. Cách xử sự của họ không cho thấy rằng họ là người đã được thương trường tôi luyện.

Bà có trường hợp cụ thể nào hay không?

Trên trang web, thay vì những thông tin thực tế, Chủ tịch công ty CEFC, ông Ye Jianming cho đăng những phát biểu của mình "các câu nói của Chủ tịch Ye". Các câu nói đó có mang âm sắc của lòng yêu nước, mối quan tâm cho ấm no của quê hương, nhưng còn có cả tính kỷ luật, lòng trung thành và tinh thần tập thể. Đó thực sự là vấn đề khi Tổng thống Séc chọn làm cố vấn riêng cho mình về các vấn đề Trung hoa, một người mà người đó trên trang web của mình đã phô trương coi việc bảo vệ cho quyền lợi nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa là quan trọng hàng đầu.

Những cụm từ kiểu này không phổ biến trên các trang web của các công ty Trung quốc hay sao?

Các công ty Trung quốc hành xử như các công ty bình thường khác, họ kinh doanh. Tôi xin lưu ý rằng trong tiếng Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị là một từ khác từ Chủ tịch, mà người lãnh đạo CEFC sử dụng. Cái từ đó giống với từ Chủ tịch Mao. Trong tiếng Trung, danh vị mà chủ tịch Ye sử dụng, thể hiện ngay sự liên quan đến một cơ cấu khác.

Điều gì đã khiến Trung quốc tập trung vào Trung và Đông Âu trong lĩnh vực đầu tư?

Ngay cả khi châu Âu kinh doanh với Trung quốc, Ủy ban châu Âu vẫn tiếp tục đàm phán gay gắt với Trung quốc về các vấn đề liên quan đến các vụ bán phá giá,  đến việc nới lỏng các điều kiện cho các công ty của châu Âu tại Trung quốc, các tiêu chuẩn, chuẩn mực khác nhau và các vấn đề quyền con người. Về phía các nước thuộc Liên minh châu Âu cũ, họ có cố gắng kinh doanh, nhưng đồng thời với việc giữ lấy vị thế của mình, và điều đó cuối cùng cũng chính là những cố gắng để bảo vệ các giá trị và quyền lợi của chính mình.

Các nước hậu cộng sản ngày nay nằm trong một bị bao gồm một nhóm 16+1 nước, mà Trung quốc cách đây mấy năm đã thành lập. Tôi tin rằng tổ chức này kéo chúng ta xa rời tâm điểm của Liên minh châu Âu là nơi lẽ ra chúng ta cần cố gắng có mặt. Tôi cũng đã nghe được một quan điểm rằng tương lai là ở Trung quốc vì họ có nhiều tiền nhất. Thế thì tương lai ấy thật không mấy đẹp đẽ.

Tại sao tương lai đó lại không đẹp đẽ?

Với những ảnh hưởng về mặt kinh tế và tài chính, các giá trị nhất định sẽ xuất hiện. Tôi không lý tưởng hóa châu Âu. Nhưng khi so sánh về mặt lịch sử thì thấy chúng ta quả thật đã đạt tới được một mức độ nhân văn và các tiêu chuẩn nhất định mà không thể mua được bằng tiền. Các giá trị này không phải là điều tất yếu ở Trung quốc. Không phải đấy là sự coi thường đối với Trung quốc.

Nhìn lại lịch sử của họ cách đây chưa lâu, nhìn vào tình trạng kinh tế chỉ mới đây vẫn còn đáng buồn và cảnh nghèo khó vô cùng vẫn còn hiện diện ở phần lớn các miền của đất nước, những lý tưởng nói trên là sự xa xỉ mà đất nước này hẵng còn chưa cho phép mình được có.

Thêm nữa, ở đây dĩ nhiên còn có hệ thống chính trị độc đoán, hệ thống này có thể là thích hợp với một số kiểu kinh doanh nhất định, nhưng với đại đa số người dân thì chắc chắn là không thích hợp. Một khi Trung quốc sẽ là yếu tố mang tính quyết định, chúng ta sẽ phải nhượng bộ trước rất nhiều vấn đề, và sẽ phải sống trong một chế độ tư bản rắn tay hơn rất nhiều và sẽ chỉ còn ít tự do  hơn nhiều so với hiện nay như chúng ta đang được hưởng.

Quá khứ cộng sản và nhu cầu về quyền con người của chúng ta vốn đã được minh chứng thông qua lịch sử của chính chúng ta, có thể cũng có giá trị thương mại của nó khi làm việc với đối tác Trung quốc. Ngoài ra, chính người Hoa cũng phê phán tình trạng đáng buồn trong các vấn đề về quyền con người tại đất nước, họ đang kêu gọi cho một nhà nước pháp quyền, mà trong thực tế có nghĩa là hạn chế  bớt quyền lực của đảng cộng sản, hoặc là chính họ cũng bị cảnh sắc lãng mạn của Tây tạng làm nức lòng.

Người Hoa có những phản ứng ra sao trước những lời phát biểu mới đây của Séc?

Những lần xuất hiện của Tổng thống cũng là sự ngạc nhiên với cả người Hoa. Khi Zeman phát biểu cái câu bất hủ rằng chúng ta đến đây để học hỏi cách gìn giữ sự ổn định thì trên màn hình tivi cũng có thể thấy người phóng viên Trung quốc ngạc nhiên đến nhướn mày. Bình thường các nước phương Tây hiếm khi chối bỏ các giá trị nhân quyền một cách đầy phô trương đến như thế.

Tôi e rằng đường lối của chúng ta trong vấn đề Trung quốc là do những người không hiểu biết gì nhiều về Trung quốc như ông Tvrdik, soạn thảo ra. Họ không biết lịch sử mới đây, không biết về xã hội hiện nay và không rành cả ngôn ngữ. Họ tiếp nhận thông tin và chiến lược từ các cấu trúc của Trung quốc. Ngoài ra, đối với tôi đó vẫn là điều bí ẩn, làm thế nào mà ông Tvrdik lại bắt đầu đi sâu vào vấn đề Trung hoa. Và lại có thêm một liên quan rằng hiện nay, ông ta làm đại diện duy nhất ở châu Âu cho công ty CEFC, một công ty có nền móng rất đáng nghi ngờ.

Môt khi chính phủ của chúng ta cho rằng chúng ta cần một sự phát triển vượt bậc trong việc kinh doanh với Trung quốc và cần sự đầu tư lớn của các nhà đầu tư Trung quốc, chính phủ có thể lập các đội chuyên viên người Séc thông hiểu môi trường Trung quốc và đồng thời ý thức được sự phức hợp của vị thế của chúng ta tại châu Âu. Có thể là tôi nhầm, nhưng tôi chưa bao giờ được nghe tới các chuyên gia thật sự có chuyên môn như thế.

Người Trung quốc có thật sự đoàn kết như họ vẫn tỏ ra như thế?

Người ta rất hay quên rằng Đảng cộng sản Trung quốc không phải là một khối nguyên chất, trong điều kiện của nền kinh tế tư bản, chính họ cũng không biết rõ chuyện gì sẽ xảy ra. Trong nội bộ Đảng có hàng loạt các khuynh hướng cải tổ và ở đây có cả các think tank - các thùng ý tưởng tăng duy, họ nghiền ngẫm các đường lối chiến lược cho tương lai, bao gồm cả khả năng và các phương pháp chuyển đổi hệ thống nhà nước nhằm hướng tới một xã hội cởi mở và dân chủ hơn.

Họ nhận thức rõ cả sự phi lý và tính không ổn định của tình hình, khi mà đảng cộng sản lại đứng đầu một cường quốc tư bản. Có vẻ Tổng bí thư kiêm Tổng thống Xi Ji Ping là đại diện cho phái bảo thủ, những người đi theo ông ta cho rằng họ sẽ tiếp tục đẩy mạnh được nền kinh tế thị trường và đồng thời sẽ xiết chặt hơn trong lĩnh vực quản lý chính trị và tư tưởng và đẩy mạnh độ bền vững của quyền lực của Đảng.

Điều đó có thực tế hay không?

Sự căng thẳng đang tồn tại bên trong Trung quốc đang chứng tỏ rằng điều đó không thể thành công.  Hiện nay, một cách hoàn toàn vô thức, thông qua đường lối của mình chúng ta đang tạo thuận lợi cho các lực lượng bảo thủ nhất của Trung quốc mà ngoài những vấn đề khác, còn có liên quan tới tình hình ngày thêm căng thẳng tại Biển Đông. Một trong các hiện tượng phụ của đường lối hiện nay của Trung quốc chính là tinh thần dân tộc ngày một cao và chính sách khăng khăng quả quyết trong khu vực.

Sếp của công ty CEFC cũng hợp tác với think-tank, từ sâu thẳm ông ta đã viết các bài báo gay gắt mang tinh thần dân tộc hướng tới việc bảo vệ quyền lợi của Trung quốc tại Biển Đông, và cả trong trường hợp phải dùng tới vũ lực. Chúng ta hiện đang ủng hộ các nhóm đoàn có khả năng gây bất ổn trên trường quốc tế. Đó là điều phi lý, một sự thiển cận, và chúng ta sẽ chẳng được lợi lộc gì.

Đôi khi tôi nghĩ, phải chăng đằng sau cái lối suy nghĩ đó là một chút gì đó như kiểu vẻ của kẻ bề trên, thường không được thể hiện. "Một khi người Hoa muốn đưa tiền cho chúng ta thì cứ để họ làm. Chúng ta là lũ người Séc ma lanh, sẽ vơ được tiền kia mà". Theo ý tôi, trong đó còn có sự thiếu hiểu biết, vì dù sao đi nữa sẽ chẳng có ai tự dưng lại đưa cho chúng ta tiền tỉ chỉ để cho chúng ta hưởng thụ. Nhưng hãy chờ xem những đầu tư thật sự sẽ là cái gì, và cuối cùng thì điều đó sẽ mang lại điều gì cho cộng hòa Séc.

Nguồn: nazory.euro.e15.cz

Người dịch: Thanh Mai- vietinfo.eu

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo