Séc-Slovakia

Gặp gỡ và phỏng vấn Trần Quỳnh Vi tại Praha

Cập nhật lúc 20-04-2018 15:04:23 (GMT+1)

 

Sinh tại Việt nam, Trần Quỳnh Vi trưởng thành và theo học ngành luật tại Hoa kỳ. Sau một thời gian làm việc trong nghề, chị bắt đầu giành toàn bộ thời gian cho các hoạt động xã hội dân sự và nhân quyền Việt nam. Chị sẽ ghé Praha từ 21.4. Dưới đây là bài phỏng vấn Trần Quỳnh Vi và để thời xin trân trọng kính mời cộng đồng Việt tại Séc cùng đến tham dự buổi gặp gỡ nữ luật sư trẻ, được tổ chức vào hồi 18:00 ngày chủ nhật 22.4. 2018 tại khách sạn Lifestyle, Libus.


Tại Séc, Quỳnh Vi có lẽ là một tên tuổi lạ cả với những người quan tâm và theo dõi tình trạng bắt bớ và kết án các nhà hoạt động tại Việt nam. Chị theo học Luật và đã có một thời gian làm việc trong nghề tại Hoa kỳ. Cách đây khoảng 3 năm, chị đã dành toàn bộ thời gian của mình cho các hoạt động vì dân chủ và nhân quyền Việt nam.

Nếu có thể, xin Vi cho biết mục đích chuyến đi này của Vi.

Vâng, Vi xin gửi lời chào đến tất cả. Mục đích chuyến đi châu Âu của Vi lần này là tham gia một số hội thảo về báo chí và truyền thông, cũng như về nhân quyền và gặp gỡ các tổ chức quốc tế, các chuyên gia về những vấn đề mà Luật Khoa tập trung làm việc trong bốn năm vừa qua.

Ở Việt nam có lẽ không ai lạ lẫm với câu khẩu hiệu "sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật". Giải thích theo ngôn ngữ đời thường của người Việt thì luật pháp là cấm đoán, người dân không được làm việc nọ, việc kia. Theo đúng kiến thức chuyên môn thì cách hiểu như vậy có đúng chăng? Chẳng lẽ hiến pháp và pháp luật chỉ là cấm đoán?

Nếu nói về định nghĩa, thì Vi muốn nói đến khái niệm nhà nước pháp quyền hoặc pháp trị hơn, tức là rule of law. Vi nghĩ một trong những mục tiêu mà Luật Khoa tạp chí hướng đến từ khi bắt đầu đến nay, đó là cổ xuý cho một nhà nước rule of law ở Việt Nam. Chúng ta có thể hiểu mô hình này bắt buộc ba yếu tố:
1. Nhà nước bị giới hạn bởi luật pháp
2. Hệ thống luật pháp công khai, được áp dụng tổng quát và bình đẳng cho toàn xã hội; và trong các luật lệ đó phải có quyền được xét xử công bằng thông qua hệ thống tư pháp, tức là tòa án.
3. Luật cai trị người chứ không phải người cai trị người.

Và như thế, Vi mạn phép cho rằng, luật pháp không phải chỉ là để cấm đoán hành vi của người dân, mà nó còn có chức năng quản lý xã hội và đặc biệt là quản lý chính phủ và bộ máy hành chính.

Vi trưởng thành tại Hoa kỳ, một xã hội trật tự, ở trong một xã hội như vậy liệu người ta cần quan tâm đến hiến pháp và pháp luật, hay là quyền con người để làm gì?

Câu hỏi này có thể được trả lời hết sức sống động bằng những vụ việc gần đây tại Hoa Kỳ. Hai người đàn ông da đen bị bắt tại một quán cà phê Starbucks ở bang Philadelphia chỉ vì yếu tố màu da, cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc phải quan tâm, cổ xuý và giáo dục về quyền con người và những cơ chế bảo vệ các quyền này trong luật và hiến pháp. Nếu chúng ta xao nhãng, tức là chúng ta đã vô hình trung phá vỡ mô hình nhà nước pháp quyền/pháp trị.

Việc các quan chức nhà nước định cư ở nước ngoài là hiện tượng phổ biến không chỉ với người Việt. Người Hoa cũng mua nhà mua đất cả ở châu Âu, cả Úc và Hoa kỳ. Yên thân ở nước ngoài là nơi nhân quyền được tôn trọng, họ chẳng mấy khi bận tâm về vấn đề nhân quyền. Vi là người hoạt động trong mảng dân chủ và nhân quyền, nhưng hẳn chị cũng đồng ý với họ, không phải vậy sao?

Vi nghĩ mỗi người sống ở nước ngoài có bối cảnh và xuất phát điểm khác nhau. Tôi đến Mỹ không phải trong sự ổn định về vật chất và tương lai như giới quan chức hay người có tiền, mà chỉ với vỏn vẹn 2USD cho một gia đình bốn người cùng với bố mẹ. Vi đã trưởng thành ở một học khu có thể là “anh chị” nhất tại thành phố San Jose, bang California và trực tiếp chứng kiến sự bất công, kỳ thị mà người da màu gặp phải. Do vậy, từ khi còn rất nhỏ, Vi đã tham gia các hoạt động cộng đồng với mục đích góp phần khiến cho nơi mình sinh sống tốt đẹp hơn. Lớn lên, Vi muốn về Việt Nam sinh sống và làm việc, cho nên Vi cũng muốn quê hương mình, nơi không phải chỉ sinh ra Vi mà còn sinh ra bố mẹ, ông bà Vi, cũng phải trở nên tốt đẹp hơn. Và đó là lý do Vi có mặt ở đây hôm nay.

Luật khoa Tạp chí, nơi Vi là một trong các biên tập viên, là một tạp chí nhằm mang đến cho bạn đọc người Việt các kiến thức phổ thông về luật pháp và pháp lý, mà chính là nền tảng cho một xã hội dân chủ. Vậy tại sao hiểu biết pháp luật lại quan trọng, một khi đã có các luật sư?

Như Vi đã chia sẻ, vì chính Vi đã gặp phải những trường hợp mà người dân bị sách nhiễu, bị đối xử bất công ở rất nhiều nơi trên thế giới, nên cá nhân Vi cho rằng mỗi người cần phải có sự hiểu biết nhất định về luật pháp. Không có một sự hiểu biết nhất định thì khó nhận ra rằng quyền của mình đã bị người khác vi phạm. Và nếu không tự nhận thức được khi nào quyền của mình bị vi phạm, thì làm sao biết khi nào phải gọi cho luật sư để bảo vệ mình?

Trên đây là một phần đối  thoại nhằm giới luật sư Trần Quỳnh Vi với cộng đồng. Trong buổi gặp gỡ sắp tới, bạn sẽ cùng chúng tôi tìm hiểu về các câu hỏi dưới đây:

Trên các cơ sở pháp lý nào mà thế giới, nhất là các nước phương Tây lại quan tâm đến các vấn đề nội bộ của Việt nam như công đoàn, tự do ngôn luận? Không phải đó là can thiệp vào nội vụ của Việt nam hay sao?
Vào những năm 80, khi thuyền nhân người Việt có mặt tại khắp các trại tị nạn trong vùng Đông Nam Á, thế giới không nói về vấn đề nhân quyền Việt nam, vậy mà ngày nay, khi ký kết các hiệp định thương mại quốc tế, thế giới lại đưa các điều khoản nhân quyền thành một trong các điều kiện quan trọng. Tại sao?

Hãy tham dự cùng chúng tôi. Câu hỏi của bạn sẽ làm buổi gặp gỡ thêm thú vị.

Sự kiện trên Facebook: https://www.facebook.com/events/1881570965206575/?ti=cl

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo