Hải quan Séc trả lời phỏng vấn về kiểm tra chợ Việt
![]() |
Hải quan Séc thu hàng tại chợ của người Việt. 27.5.2011. |
Nói đến hải quan Séc, người Việt tại đây thường liên hệ đến những vụ bắt bớ hàng hóa lậu, vi phạm bản quyền tại các chợ. Đó là một trong nhưng công việc chính của lực lượng này, nhưng không là tất cả. Với tiêu đề "Thường thì những người bán hàng chợ bỏ chạy, nhưng cũng không thiếu gì những kẻ quá khích" giới thiệu đến bạn đọc bài phỏng vấn của phát ngôn viên hải quan vùng Nam Séc để tham khảo.
Thường thì những người bán hàng chợ bỏ chạy, nhưng cũng không thiếu gì những kẻ quá khích
Các nhân viên Hải quan ở České Budějovice không chỉ thu giữ được các mặt hàng dệt may và đồ da giả nhãn mà họ còn thu được cả các sản phẩm gây hại đến súc vật. Nhìn chung lần ra quân nào của hải quan cũng thu giữ được hàng bao tải các sản phẩm dệt may hay đồ da, giày dép, đĩa CD và DVD giả nhãn. Số lượng hàng thu được lên tới hàng nghìn đơn vị.
Cách đây vài năm tôi thường cho rằng những người bán hàng giả sẽ không thể nào duy trì được giấy phép kinh doanh. Các chiến dịch thường xuyên của Hải quan đã thu giữ của họ một số lượng hàng hóa có thể gây thiệt hại cho các chủ sở hữu các nhãn mác hàng hóa được bảo hộ tới hàng chục triệu korun. Nhưng ông Vladimír Pešek, phát ngôn viên của Hải quan České Budějovice đã cho thấy là suy nghĩ của tôi thật sai lầm. Theo lời ông ta thì số lượng hàng giả ở các chợ vẫn còn rất nhiều mà đó chưa phải là tất cả những gì các nhân viên Hải quan cần quan tâm.
Tình trạng hàng giả hiện nay ở các chợ như thế nào? Tôi còn nhớ cách đây ba bốn năm gì đó, khi chúng ta cùng nhau tham gia chiến dịch ở Strážný, nói đúng ra đôi khi đó là mùa hàng giả? Khi ấy Hải quan đã thu giữ của những người bán hàng châu Á chủ yếu là các mặt hàng dệt may giả, nhiều sản phẩm đồ da (túi cặp, túi xách phụ nữ, băng đĩa), tiếp đến là đồng hồ, nước hoa và rất nhiều đĩa DVD. Thế bây giờ có gì khác không?
Đúng là số lượng và giá trị hàng hóa giả nhãn thu giữ từ các chủng loại nói chung vẫn thế. Chủ yếu vẫn là các mặt hàng dệt may, giày dép, đồ da và các loại đĩa CD, DVD. Những mặt hàng này từ trước đến nay vẫn không thay đổi. Mấy năm gần đây có thay đổi là có nhiều nhãn mác hàng dệt may được bảo hộ hơn. Điểm tiến bộ là ở chỗ có sự hợp tác chặt chẽ giữa lực lượng Hải quan và các chủ sở hữu nhãn mác hàng hóa bản quyền.
Đương nhiên là hầu hết các loại hàng giả xuất hiện ở các vùng biên giới. Mặt khác các loại hàng giả cũng xuất hiện nhiều hơn ở các cửa hàng. Hơn nữa chúng tôi cũng chú ý hơn đến việc vận chuyển hàng hóa giả và kết quả các chiến dịch kiểm tra này đã cho thấy là chúng tôi đã đi đúng hướng.
Việc đến các chợ kiểm tra vẫn còn nhiều vấn đề phải không? Các ông thường biết chắc những chỗ có hàng giả, những sau đó thì gặp khó khăn trong việc xin lệnh khám của Tòa án đúng không?
Dĩ nhiên là việc tiến hành kiểm tra trên cơ sở có lệnh của Tòa án và không có lệnh khác nhau rất nhiều. Thời gian tiến hành kiểm tra phải xác định trước và chúng tôi phải thảo luận hàng tuần thậm chí hàng tháng. Nhưng có thể nói là như vậy chúng tôi sẽ làm chắc ăn vì nếu chủ nhân không chịu mở cửa nơi chúng tôi muốn kiểm tra thì chúng tôi có quyền phá cửa. Nhưng rất ít trường hợp phải làm vậy.
Thế hiện nay các ông thích lựa chọn phương án vây bắt nào hơn: Đến thẳng chợ xem xét các quầy hàng trong khi các quầy khác nhanh chóng đóng cửa hay là việc chờ lấy lệnh khám xét cần thiết rồi mang kìm đến phá cửa cả những quầy đang đóng thì hiệu quả hơn?
Tôi không thích dùng thuật ngữ vây bắt. Các anh biết đấy, các phương tiện thông tin đại chúng hay thổi phồng sự thật là các nhân viên Hải quan chỉ có một hoạt động duy nhất “cuộc chiến chống hàng giả và vây bắt những người Việt Nam bán hàng chợ” thì quả là sai lầm. Một là hàng giả ở chợ không chỉ liên quan đến những người bán hàng châu Á, thứ hai là Cục hải quan còn có hàng chục thẩm quyền trong các lĩnh vực khác và “hàng giả” chỉ là một trong số đó. Tôi xin đơn cử như việc quản lý các loại thuế tiêu dùng, quản lý việc làm ăn buôn bán với các nước khác, quản lý lưu thông hàng hóa (vận chuyển qua biên giới, AETR) và nhiều việc khác.
Còn đối với câu hỏi của anh thì tôi xin trả lời nước đôi là đôi khi chờ giấy phép của Tòa án thì hiệu quả hơn nhưng cũng có khi ngược lại.
Thế những người ấy đối xử với các ông thế nào khi các ông đến bắt hàng? Trong hầu hết các trường hợp các ông phải ép buộc à? Họ có bình tĩnh không hay đã quá quen với việc này?
Đa phần trong số họ là trốn chạy. Nhưng mặt khác tôi cũng phải thừa nhận là trong những năm gần đây họ trở nên hung hãn hơn. Đó không chỉ đơn thuần là chửi mắng. Trong một số trường hợp các đồng nghiệp còn phải dùng đến các phương tiện cưỡng bức.
Các ông có phương pháp của mình, chắc những người bán hàng chợ cũng có cách riêng của mình. Tôi nghĩ là họ cũng có cách để biết là có chiến dịch nên đóng cửa không bán hàng hoặc đưa hàng giả đi giấu? Chẳng hạn như họ có những người đứng gác ngay ngoài cổng chợ?
Chắc chắn là họ có người gác rồi mà không chỉ có cổng chợ thôi đâu. Nhưng tôi không muốn nói nhiều về vấn đề này. Đó là vấn đề chiến thuật và các chiến dịch tìm kiếm. Chắc là anh thừa hiểu tại sao “tôi không bình luận”. Nhưng tôi cũng phải nói thêm là chưa bao giờ xảy ra chuyện chiến dịch bị lộ ra từ nội bộ.
Những hoạt động trái pháp luật này thường xảy ra ở vùng nào nhiều nhất? Tình hình ở České Budějovice so với các vùng khác thì sao? Có thể so sánh được không?
Việc này liên quan đến các chợ vùng biên ở Strážný thuộc Prachatice và Český Krumlov. Xét trên phương diện số lượng vụ được phát hiện thì tình hình ở České Budějovice có hơi khác so với các vùng gần biên giới nói trên. Có thể so sanh theo số lượng và dao động trong khoảng vài phần trăm.
Tôi nhớ hình như trước đây đối diện với nhà ga xe lửa có một cái chợ khá lớn, giờ thì không thấy. Thế ở České Budějovice còn có cái chợ nào tương tự như vậy không?
Không còn. Những người bán hàng đã chuyển vào các cửa hàng cả rồi.
Ông có thể cho biết gần đây có chiến dịch nào thành công? Có bao nhiêu hàng hóa bị thu giữ, giá trị là bao nhiêu?
Đây quả là câu hỏi mang tính thời sự. Lần cuối cùng là 20 tháng 10, đó là chiến dịch ở chợ Kaplice gần Lom, chúng tôi đã thu giữ một số lượng lớn hàng hóa, nếu số hàng này được bán ra thì có thể gây thiệt hại cho các chủ sở hữu nhãn mác hàng hóa khoảng 46 triệu korun, chủ yếu là các mặt hàng dệt may, khoảng gần 8 nghìn đơn vị. Thông tin chi tiết đã được Cục Hải quan đăng tải vào ngày 24 tháng 10.
Ngoài ra còn vụ ngày 3 tháng 10, đó là chiến dịch của Hải quan České Budějovice mang biệt danh “Market”. Kết quả của chiến dịch này là cũng thu giữ một số lượng lớn hàng dệt may và các mặt hàng đồ da. Ngoài ra các nhân viên Hải quan còn thu giữ 11978 đĩa CD và DVD lậu. Thiệt hại cho chủ sở hữu bản quyền nếu số hàng được bán ra lên tới gần 13,5 triệu korun.
Các mặt hàng giả cũng phong phú chứ nhỉ?
Cho thỏa chí tò mò thì các loại hàng giả liên quan đến rất nhiều loại hàng hóa. Tuần trước Hải quan ở Český Krumlov phát hiện được hàng chục chiếc đai mát sa và mỹ phẩm. Còn ở České Budějovice vào cuối tháng Tám năm nay họ cũng đã thu giữ được 231 sản phẩm gây hại cho súc vật. Trong năm nay, tổng số hàng giả thu giữ được có thể gây thiệt hại cho các nhà sản xuất và các chủ sỡ hữu hàng hóa bản quyền tới gần 150 triệu korun nếu số lượng hàng này được bán ra thị trường.
Chân thành mà nói thì liệu hiện nay những người bán hàng chợ có nuôi sống nổi mình không? Các quầy hàng của họ không phải chỉ để ngụy trang cho các thương vụ làm ăn khác như bán thuốc lá lậu hay cần sa đấy chứ? Tôi có cảm tưởng là, nếu không ở trong các cửa hàng thì hiện nay hầu như chẳng còn ai mua hàng của họ Nếu đúng như vậy thì gần đây các ông có phát hiện được kho hàng hay nơi nào trồng thuốc lá không?
Vào hồi tháng 5 năm nay, một kế hoạch kiểm tra nơi bán rượu thuốc lá Hải quan đã phát hiện ra một trường hợp tương tự như vậy ở Písek. Ở đó có bán thuốc lá không tem, thuốc lá sợi không thuế. Cung giống như chiến dịch mang biệt danh “ECHELON” vào hồi tháng 7 năm 2009 tại một khu nông nghiệp ở Prachtice đã phát hiện được một dây chuyền sản xuất thuốc lá. Ngoài ra tôi không muốn bình luận, tất cả chỉ là suy đoán.
Trong thời gian gần đây nghe đâu một số doanh nhân người châu Á đã bỏ kiểu bán hàng bâu truyền thống. Họ quay sang tìm kiếm các làng nhỏ khoảng chừng hơn nghìn người và mở các cửa hàng bán tạp hóa. Ngay cả những người đại diện cho các cộng đồng này cũng khẳng định như vậy. Những người Séc thường bỏ các cửa hàng dạng này do hiệu quả kém nhưng những người Việt Nam thì lại rất thành công trong lĩnh vực này. Các ông có nhận thấy sự thay đổi nào không, có theo dõi không?
Vâng
Những người bán hàng chợ ngày nay chú ý đến những khách hàng nào, chủ yếu là những người nước ngoài à? Liệu có khi nào cuộc chiến chống hàng giả sẽ kết thúc chăng?
Các vùng gần biên giới khách hàng chủ yếu là những người nước ngoài. Còn câu hỏi sau của anh thì tôi xin phép trả lời nước đôi: hãy chờ xem và mong rằng như vậy.
Ngọc Bảo Vietinfo.eu