Người Séc chỉ cảnh giác với dân di tản
![]() |
Ảnh: Pixmac |
Lâu nay, nhất là từ khi bùng nổ dòng thác di tản, người Séc đã trở thành tiêu điểm lên án chỉ trích từ nhiều phía vì phân biệt chủng tộc, bài ngoại hay tư duy lạc hậu. Nhưng theo nhà kinh tế học Jiří Weigl, những số liệu thống kê mới nhất phủ nhận hoàn toàn những cáo buộc như vậy của nhiều nhà hoạt động hay quan chức chính khách châu Âu.
Nhà kinh tế học Jiří Weigl, cựu chánh văn phòng phủ tổng thống Cộng hòa Séc dưới thời tổng thống Václav Klaus viết: „Trong thời gian gần đây cộng đồng xã hội Séc liên tục bị một số quan chức châu Âu và các nhà hoạt động ủng hộ người di tản cáo buộc những cái gọi là bài ngoại, phân biệt chủng tộc, ích kỷ và tổng thể là tư duy lạc hậu và tự ti mặc cảm, chỉ vì từ chối tiếp nhận người di tản bởi muốn quốc gia của mình sạch sẽ về sắc tộc.“
Thế nhưng trên thực tế theo Jiří Weigl, là hoàn toàn ngược lại. Số liệu mới nhất của Ủy ban Thống kê Cộng hòa Séc cho thấy, hiện nay trên lãnh thổ CH Séc có số lượng người ngoại quốc định cư sinh sống cao nhất trong lịch sử- 464 670 người, mà với tổng dân số hơn 10 triệu 500 nghìn người chiếm tỉ lệ khoảng 4,3%. „Là hầu như cao nhất trong tất cả các quốc gia cựu cộng sản. Mức trung bình toàn EU cao hơn khoảng 3%, và đó không phải là chênh lệch quá lớn. Tại các nước láng giềng như Ba Lan hay Slovakia, tỉ lệ người nước ngoài đều chưa tới 2%,“ chuyên gia kinh tế giải thích.
Và những người nước ngoài này đến CH Séc chủ yếu vì mục đích kinh tế, và hiện nay đã tìm được chỗ đứng trong xã hội, hài lòng với cuộc sống ở đây. „Các vấn đề phiền toái sắc tộc ở CH Séc là tối thiểu. Bài ngoại thực sự không phải là vấn đề của cộng đồng xã hội CH Séc. Thực tiễn, rằng đại đa số cộng đồng xã hội phản đối CH Séc tham gia vào các kế hoạch tái định cư khổng lồ người di cư từ Cận Đông và châu Phi đến châu Âu mà các lãnh tụ cấp tiến đang điều hành Liên minh châu Âu đang cố áp đặt, xuất phát từ kinh nghiệm tiêu cực chứng kiến ở phương tây với làn sóng nhập cư khổng lồ từ nền văn minh khác biệt kia,“ Jiří Weigl bình luận.
Theo Jiří Weigl, đơn giản chỉ vì người Séc lo sợ. „Xã hội Séc chỉ lo sợ hình thành những cộng động thiểu số hung hãn và không hòa nhập trên lãnh thổ của mình. Đó không phải là phân biệt chủng tộc hay bài ngoại. Lập trường như vậy tại châu Âu hiện đại thường được gọi là cảnh giác thận trọng, mà đó luôn luôn là nguyên tắc tiên quyết ở khắp nơi,“ Jiří Weigl kết luận.
David Nguyen- MoneyMag©Vietinfo