Séc-Slovakia

Người Séc thường giữ thái độ lạnh lùng đối với người chưa quen

Cập nhật lúc 15-08-2018 20:00:00 (GMT+1)
Buổi lễ tưởng niệm hai bé trai chết đuối ở hồ Lhota . Ảnh: Patrik Banga

 

Các nhân chứng của vụ hai bé trai người Việt bị chết đuối tại hồ Lhota cho thấy, ngoài một số lý do khác, việc cứu hộ đã bị chậm trễ cũng vì các bà mẹ của hai trẻ kêu cứu bằng tiếng Việt. Theo Lưu Anh Nhật, người thành lập tổ chức phi lợi nhuận VietUp, rào cản ngôn ngữ chính là một trong các vấn đề mà dân nhập cư vào Séc phải trực diện. Với thời gian, con cái của lứa người Việt nhập cư đầu tiên, hay được gọi là "trẻ chuối", các quan hệ Séc-Việt đang dần được cải thiện.


Lưu Anh Nhật rời Việt nam sang Séc cùng cha mẹ vào năm 1995. Chị là người đồng sáng lập nhóm Việt Up, là một tổ chức bắt đầu hoạt động từ 2016. Mục đích của tổ chức là thắt chặt quan hệ giữa cộng đồng Séc và Việt nhờ các khóa học ngoại khóa, các Festival và lập các sự kiện. Ngoài ra, họ cũng tổ chức trại hè VietCode, là nơi các bạn ở tuổi thiếu niên được học về lập trình. Chị hiện đang sống tại Praha. 

Các định kiến thường gặp nhất của người Séc đối với người Việt là gì?

Nó có nhiều loại. Phụ thuộc vào việc, chúng ta nói đến thế hệ người Việt thứ nhất từ nơi khác đến, hay là thế hệ thứ hai sinh ra tại đây. Nói về thế hệ cha mẹ chúng tôi thì người ta thường khẳng định rằng họ là những người bán quầy và làm các công việc ít đòi hỏi phải có tay nghề cao, ngay cả khi doanh nghiệp là một công việc không hề dễ dàng. Một định kiến thứ hai là họ không có học vấn, mà cũng không đúng. Rất nhiều người Việt ở đây đã sang Tiệp khắc từ những năm 70-80 để đi học. Sau đó có cả các bác sĩ, luật sư hay là giáo viên đã sang đây tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Với thế hệ trẻ thì ngược lại. Người ta thường nói về họ rằng đó là thế hệ chăm chỉ và toàn bọn được điểm 1. Và tất cả sinh viên Việt nam đều học trường Kinh tế VSE, mà một phần nào đó cũng là sự thật. Các hình ảnh tiêu cực thường bị gắn với thế hệ thứ nhất. Hàng loạt khách hàng vẫn mày tao với họ trong cửa hàng. Người Việt cũng dùng ngôi "Ty" (là cách nói thiếu tôn trọng nếu như người đối diện là người chưa quen), nhưng chính là họ học được tất cả các lề thói ấy từ những người khách hàng người Séc.

Người Séc có dùng ngôi "Ty" với chị?

Không. Họ thường rất ngạc nhiên rằng thế hệ trẻ nói tiếng Tiệp tốt đến như thế và họ thường khen chúng tôi. Một mặt khác thì tôi hiểu là họ cố gắng tỏ ra dễ thương, nhưng điều đó  khá kỳ lạ, bởi vì chúng tôi coi nơi đây là nhà. Nhưng tôi không cho đó là sự xúc phạm: tôi biết là họ nghĩ tốt và họ muốn tỏ ý khen ngợi.

Vậy thì có một định kiến chung nào khác mà ngược lại, nó làm chị rất khó chịu chăng?

Có thể là tôi sống trong một bong bóng xã hội nào đó chăng, bởi vì tôi sống tại Praha và phần lớn bạn bè của tôi học đại học. Thêm nữa dân Praha nói chung là cởi mở hơn. Tôi không biết, nếu như tôi sống ở nơi khác thì sẽ ra sao, nhưng tôi không mấy khi gặp định kiến. Thỉnh thoảng vấp phải gã ngớ ngẩn thì ai cũng có.

Định kiến có phải là hai chiều chăng? Liệu người Việt có thành kiến gì với người Séc không?

Nói thật là tôi cũng không biết, bởi vì bình thường, ở nhà chúng tôi không nói về chuyện này. Cá nhân tôi rất mừng rằng chúng tôi đã chuyển sang sống tại một xứ sở tự do và dân chủ. Các bạn bè nước ngoài của tôi thường thắc mắc khi đến Séc, tại sao người bản xứ khó chịu vậy. Tôi giải thích với họ rằng vì họ còn chưa biết các bạn. Chỉ cần người Séc làm quen với ai đó, là họ sẽ  trở thành những người rất dễ thương và tận tụy. Một khi là người dưng, họ thường lạnh lùng và không muốn giúp đỡ.

Đây không chỉ là thái độ đối với người nước ngoài, tôi cho rằng người Séc xử sự thế này cả với nhau. Người càng xa lạ thì càng ít làm bạn quan tâm và bạn càng thiếu thiện chí dù chỉ mỉm cười.

Chăm chỉ là đặc tính của dân nhập cư. Thế hệ thứ hai đã biết giải trí hơn

Khi nói đến cộng đồng người Việt thì một đề tài hay được nói đến là thuốc phiện. Theo thông tin từ Trung tâm thuốc phiện quốc gia từ 2015, một phần lớn lượng thuốc phiện được sản xuất tại Séc tập trung chính ở các chợ của người Việt. Chị giải thích ra sao về việc này?

Tôi nghĩ, một phần đây là do các điều luật nghiêm ngặt trong EU cho những người bán hàng tại chợ. Để mua các hàng giá rẻ mà thường là đa số ở các khu chợ, thì ngày nay ra nước ngoài mua còn hời hơn. Những người bán quầy ngày xưa nay bị mất khách, và có thể rơi vào vòng sản xuất ma túy. Thoát ra khỏi vòng này không hề dễ dàng, dẫu vậy thì điều này cũng không phải là lý do để biện hộ. Nhưng đây chỉ là một bộ phận nhỏ trong cộng đồng người Việt.

Thời gian cuối đây còn có các thông tin về việc cộng đồng người Việt ở đây đang khép lại. Ví dụ, theo Viện dân tộc học của Viện Hàn lâm khoa học cộng hòa Séc, chợ Sapa ở Praha đây là một thế giới riêng của mình. Điều gì đã khiến chuyện này xảy ra?

Ở đây lại có thể thấy sự khác biệt giữa hai thế hệ. Khi bạn ra nước ngoài, điều quan trọng nhất là ngôn ngữ. Thế hệ người Việt lớn tuổi thường không biết tiếng Tiệp và họ tìm cả bạn bè và việc làm trong phạm vi cộng đồng. Thêm nữa, khi gặp khó khăn, họ không biết cách đề nghị những bộ phận còn lại trong xã hội giúp đỡ. Vì lý do này, xã hội vốn đang thiếu thiện chí ấy, lại càng khó có thể mang lại sự giúp đỡ.

Rất nhiều người Việt nhập cư hiện đã sống hàng chục năm nay tại Séc. Trong khoảng thời gian ấy, họ có thể học được tiếng Tiệp.

Những người bán tại chợ và các nhà kinh doanh thường lập nghiệp tại các vùng biên giới, khách hàng của họ phần lớn là người Đức. Vì vậy, họ không cần phải nói tiếng Tiệp: khách hàng của họ là người nói tiếng Đức. Vì thế ở Séc có thể gặp nhiều người Việt nói tiếng Đức tốt hơn tiếng Tiệp. Tiếng Tiệp không phải là ngôn ngữ chủ yếu mà họ cần.

Kế hoạch ban đầu của họ là ở lại đây vài năm để làm ăn kiếm tiền và sau đó thì quay trở lại Việt nam, chứ không phải ở lại đây vĩnh viễn. Tiếng Tiệp lại là ngôn ngữ rất khó. Nếu bạn bán hàng từ sáng đến chiều ngoài quầy thì đến tối, bạn sẽ chẳng còn muốn học thêm ngoại ngữ.

Chính sự chăm chỉ, tính ưa làm ăn là điều gì đó mà chúng tôi (người Séc) thường hay liên tưởng đến người Việt. Đó là tính dân tộc chăng?

Người Séc hay nói về bản thân rằng họ là một dân tộc lười biếng. Người Việt chắc sẽ không nói thế. Nếu bạn nhớ lại bà của mình, hay là cụ của mình, thì bà và cụ cũng làm từ sáng đến tối, và thời đại và kinh tế thời đó là như thế. Đến tận bây giờ Việt nam vẫn là một nước  nghèo và người dân ở đây đã quen làm việc nhiều, bởi vì họ không có cách nào khác. Đây cũng không phải là nhà nước có chế độ xã hội vận hành tốt, bạn phải tự lo cho tuổi già của mình và như mọi người dân ở xứ nghèo, bạn chỉ có hai giá trị cơ bản: sống sót và kiếm tiền. Người Việt đến Séc với tâm lý này. Thêm nữa, họ không chỉ kiếm tiền chỉ riêng cho mình, nhưng còn cho toàn gia đình mà nhiều khi đã cho họ vay tiền để ra đi. Và gia đình vì thế đã lâm vào cảnh nợ nần. Theo tôi, chăm chỉ là đức tính của mọi người dân nhập cư, bởi vì họ không có bất kỳ sự đảm bảo, hay là mối quan hệ nào. Người Séc ở nước ngoài cũng phải cố gắng rất nhiều.

Thế hệ "trẻ chuối" sinh ra tại Séc có khác không?

Thế hệ này hơi "bị loãng" hơn một chút. Nhờ cha mẹ, chúng tôi đã được đảm bảo về tài chính. Chúng tôi học được thái độ tôn trọng đối với các giá trị của châu Âu: trân trọng bạn bè, thời gian rảnh và cả các hoạt  động giải trí. Chúng tôi không phải quá chăm sóc đến gia đình, bởi vì mặc dù cha mẹ đã hy sinh rất nhiều cho chúng tôi, nhưng ông bà chúng tôi còn hy sinh cho con cái nhiều hơn. Chắc chắn là ở đây vẫn có những áp lực nhất  định, nhưng không nhiều như trước. Vì thế, ở bên trong, chúng tôi khá giống các bạn trẻ Séc cả nam và nữ.

Điều đó có tạo nên khoảng cách giữa các thế hệ không? Cha mẹ của chị hẳn không thích nghỉ phép, họ không quen có thời gian rỗi, không quen vui chơi, giải trí.

Có chứ. Người châu Âu mang nhiều tính cách cá nhân hơn. Ở Việt nam, gia đình phải đứng hàng đầu. Thế hệ trẻ chúng tôi được chơi rất sang: chúng tôi được tự chọn nghề nghiệp không cần biết, liệu công việc đó có nuôi sống cả gia đình. Trong Viet Up (tổ chức phi lợi nhuận nhằm giúp đỡ thế hệ trẻ thứ hai của người Việt) chúng tôi cố gắng kết nối và giới thiệu các giá trị và văn hóa của Séc với Việt nam. Đồng thời chúng tôi liên kết thế hệ trẻ và thế hệ lớn tuổi. Chúng tôi mời họ tới dự các buổi thảo luận về các đề tài khác nhau và chúng tôi có cả người phiên dịch, bởi vì thế hệ trẻ thường không hiểu tiếng Việt.

Các bậc cha mẹ không để tâm đến việc còn cái biết tiếng mẹ đẻ của họ hay sao?

Phụ thuộc vào từng gia đình và vào từng giai đoạn nhập cư cụ thể. Chính tôi thì là người ở Cheb, tôi sang năm 1995. Khi đó, cha mẹ gửi chúng tôi đến "các bà, các cô" người Séc, để chúng tôi học tiếng Tiệp. Tiếng Việt vì thế bị sao nhãng.
Những người Việt đến Séc vào đầu thiên niên kỷ này thì đã nhìn nhận ra rằng phần đông người Việt lớn lên ở đây nói tiếng Việt rất tồi, hoặc là hoàn toàn không nói. Vì thế, họ gửi con em mình về Việt nam vài năm cho ông bà, để học tiếng Việt. Những bạn này thường nói tiếng Việt tốt hơn thế hệ của tôi, và ngày nay thì đã có cả các khóa tiếng Việt. Việt Up chúng tôi cũng dạy tiếng Việt cho người Việt lớn tuổi, thường gặp nhất là các bạn giữa 25 và 35 tuổi, họ thường xấu hổ vì không biết tiếng.

Trong đá bóng có lẽ tôi sẽ ủng hộ cả Séc và Việt nam

Chị có nói rằng, khi còn nhỏ bạn không sống với cha mẹ, mà sống với "người cô" người Séc. Chị không nhớ cha mẹ ư?

Tôi thấy bình thường. Khi đó tôi còn rất nhỏ: hơn nữa, cô Mila của tôi chỉ trông tôi có một năm, với đứa trẻ có thể đó là một thời gian dài, nhưng tôi không cảm thấy thế. Lúc đầu thì cũng thấy lạ lắm, sống trong một môi trường lạ với toàn những người lạ, nhưng tôi kệ thôi, các trẻ khác xung quanh tôi cũng thế. Tôi nghĩ là trẻ em mà được các bà, các cô người Séc trông, sẽ mang trong mình một quan hệ khác hơn đối với xứ sở này. Sẽ gần gũi hơn so với những người chỉ lớn lên quanh cha mẹ. Nhờ được người Séc dạy dỗ mà tôi cảm thấy mang ơn nhiều hơn với người Séc và với đất nước Séc.

Chị có khi nào về Việt nam?

Trước kia, khi còn trẻ hơn, tôi khá thường xuyên về Việt nam, tôi vẫn còn một phần gia đình ở đó. Giờ thì có khi đã 9 năm nay tôi chưa về, công việc làm tôi không có nhiều thời gian.

Chị cảm nhận thế nào về bản sắc dân tộc? Chị thấy mình là người Séc hơn hay là người Việt nhiều hơn?

Khi lớn lên, tôi đi học ở một lớp có tới 8 bạn người Việt, và là rất nhiều cho một lớp. Ở Praha tôi có những bạn bè mà hồi trẻ, họ không quen người Việt nào và cảm thấy đơn độc. Giờ đây, khi đã trưởng thành họ gặp gỡ các thành viên khác trong cộng đồng và bắt đầu quan tâm đến Việt nam và tự hào về văn hóa của mình. Tôi không rơi vào trường hợp này. Để minh họa tôi dẫn một thí dụ về giải bóng đá thế giới. Nếu như đội tuyển Việt nam và đội tuyển Cộng hòa Séc đá với nhau, thì tôi sẽ không biết sẽ ủng hộ ai. Mặc dù... tôi chẳng mấy khi xem đá bóng.

Tác giả: Gabriela Knížková ( ct24.ceskatelevize.cz)

Người dịch: Thanh Mai- vietinfo.eu

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

  • #2 Đông Anh: Lai khe

    16-08-2018 14:38


    Người Séc thường giữ thái độ lạnh lùng đối với các bị cáo Việt Nam chối tội trong vụ án ma túy khổng lồ !
  • #1 Ký danh: Phát ngôn thiếu suy nghĩ

    15-08-2018 23:21

    Không đúng thì đừng có viết và thừa thớt . Về mặt cá nhận người ta mất con cái đau buồn còn mặt xã hội đã có các cơ quan theo thấm quyền giải quyết . Nói nặng phát ngôn phải suy nghĩ . Nói điêu , nói liều tội lòi mắt !!!
Quy định bình luận
Vietinfo tạo điều kiện cho bạn đọc bày tỏ chính kiến, song không chịu trách nhiệm cho quan điểm bạn đọc nêu trong bình luận của bạn đọc. Quan điểm bạn đọc không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của Vietinfo.eu. Khi bình luận tại đây, hãy:
- lịch sự, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,
- bày tỏ quan điểm tập trung vào chủ đề bài viết,
- không dùng các từ ngữ thô tục, bậy bạ,
- không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân hay một số cá nhân,
- không tỏ thái độ phân biệt trên bất cứ phương diện nào (dân tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…).
Mọi nội dung không phù hợp với các tôn chỉ trên có thể bị sửa hoặc xóa.
Cách gõ tiếng Việt
Dấu mũ Â, Ê, Ô – gõ 2 lần: AA, EE, OO
Dấu móc Ă, Ơ, Ư – thêm phím W: AW, OW, UW
Dấu huyền – thêm phím F
Dấu sắc – thêm phím S
Dấu hỏi – thêm phím R
Dấu ngã – thêm phím X
Dấu nặng – thêm phím J
Xóa dấu – thêm phím Z

Ví dụ:
Casch gox tieesng Vieejt.
Cách gõ tiếng Việt.
Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo