Thủ tướng Séc lên án tính tàn khốc của các sở thuế
![]() |
Ảnh: Internet |
Trong những tháng gần đây làn sóng lên án chỉ trích cách xử lý vô nhân tính mà trong nhiều trường hợp gây hậu quả hủy diệt người kinh doanh nhỏ từ phía các cơ quan quản lý thuế ngày càng gia tăng. Nay đến cả thủ tướng Bohuslav Sobotka (ČSSD) cũng đã lên tiếng phản đối cách hành xử làm tổn hại cả những người kinh doanh lương thiện này.
“Gestapo, biện pháp tàn nhẫn, hống hách…” là những miêu tả phổ biến hiện nay cả từ phía người kinh doanh cho tới cố vấn thuế về các cơ quan quản lý thuế, mà trong những năm gần đây liên tiếp bày đặt ra thêm cho người kinh doanh đủ thứ nghĩa vụ hành chính quản lý mới. Như áp dụng hình thức báo cáo kiểm tra thuế DPH, thống kê doanh thu trực tuyến EET, sử dụng vô tội vạ biện pháp lệnh bảo đảm và đã bắt đầu gây phiền toái cho những người kinh doanh tình nguyện đăng ký đóng thuế DPH. Và tất cả những thứ này đều được trợ lực bằng đe dọa hình phạt nặng nếu vi phạm.
Thủ tướng Bohuslav Sobotka vì thế đã phải lên tiếng, rằng các cơ quan quản lý thuế đã quá hung hăng trong vấn đề thu thuế. “Trong thời gian gần đây ngày càng tăng nghi vấn, rằng những biện pháp này của cơ quan quản lý thuế đã gây tổn hại và cả hủy diệt cả nhiều công ty kinh doanh lương thiện,” Bohuslav Sobotka tuyên bố và bổ xung, rằng đó cũng là một trong những lí do vì sao không chấp nhận Alene Schillerová. Như đã biết, ngày 15 tháng Năm thủ tướng chủ tịch ČSSD Bohuslav Sobotka tuyên bố không chấp nhận bổ nhiệm nữ thứ trưởng Tài chính Alene Schillerová lên giữ chức bộ trưởng thay thế cho Andrej Babiš theo đề nghị của phong trào ANO.
Ví dụ cụ thể mà thủ tướng đưa ra, là biện pháp gọi là lệnh bảo đảm mà như Vietinfo.eu đã đưa tin, khi sở thuế ngày càng lạm dụng ban hành lệnh phong tỏa mọi tài sản của người kinh doanh, thậm chí cả doanh nghiệp làm ăn lương thiện chỉ vì bạn hàng của họ gian lận thuế.
Từ đầu năm 2016 các cơ quan quản lý thuế còn có thêm công cụ mới để “đàn áp” người kinh doanh: Báo cáo kiểm tra DPH, mà tạm thời tới nay đã thu tổng cộng hơn 80 triệu korun tiền phạt vì lỗi sai phạm. Và ầm ĩ nhất mà cho tới nay nỗi bất bình ngày càng có xu hướng tăng lên là hệ thống quản lý doanh thu trực tuyến (EET). Nhiều người kinh doanh nhất là nhóm kinh doanh nhỏ đã và đang bỏ cuộc chủ yếu vì không kham nổi gánh nặng chi phí để thực hiện nghĩa vụ. Cả giọng điệu của bộ trưởng Tài chính Andrej Babiš khi toan tính áp dụng EET đã ám chỉ tất cả người kinh doanh và hành nghề tự do như lũ kẻ trộm gian lận trốn thuế của nhà nước cũng làm nhiều người bị xúc phạm.
Trong khi bộ trưởng Tài chính Andrej Babiš đang đếm từng ngày cho tới thời điểm phải rời khỏi chính phủ và thủ tướng Bohuslav Sobotka đã quyết dồn tổng thống Miloš Zeman vào chân tường buộc phải thực hiện nghĩa vụ hiến định ký lệnh cách chức Andrej Babiš ra khỏi chính phủ, thì các hoạt động phản đối Andrej Babiš và cả tổng thống Miloš Zeman tiếp tục diễn ra. Cụ thể, vào lúc 18:00 giờ ngày 17 tháng Năm tại nhiều nơi sẽ diễn ra đồng loạt các cuộc biểu tình mang tên “PROČ? PROTO!”
David Nguyen - Echo24.©Vietinfo