Séc-Slovakia

Tranh Luận: David & Winter: Tôi không hề nhầm lẫn! (phần hai)

Cập nhật lúc 28-08-2009 00:00:00 (GMT+1)
Bảo hiểm y tế, phần nào? Ảnh minh hoạ

 

  Trên các số liên tiếp của một báo CĐ, có bài viết của hai tác giả là NKP và bạn đọc N.Ngọc (Praha), đều trên tinh thần khuyên tôi và ngài Marcel Winter nên “dẹp bỏ mâu thuẫn“, giữ sự đoàn kết vì lợi ích cộng đồng, vì rằng con người ai mà chẳng có lúc nhầm lẫn. Thú thực, với suy nghĩ của bạn đọc Ng. Ngọc thì tôi dễ dàng cảm thông, vì dẫu sao như Ng, Ngọc nói, thì ông “chỉ nói trên cơ sở mình cảm nhận được khi đọc bài dịch“ và “sự thăm dò một số bạn bè chủ yếu buôn bán, làm việc tại Sapa“ mà thôi. Dưới tầm nhìn như vậy, nên ông khuyên đừng nên để “cái sảy nảy cái ung“ làm mất đi mối cảm tình tốt đẹp đã có từ đầu. Tôi sẽ cố gắng. Về cá nhân tôi, anh Ng. Ngọc nói rằng mặc dù chưa từng gặp mặt, nhưng từ lâu đã rất quen thuộc cái tên David Nguyễn qua những bài viết, bài chuyển ngữ trên báo cộng đồng và rất trân trọng việc làm của một trí thức như tôi. Thực lòng, tôi cũng hơi xấu hổ, vì tôi không phải là trí thức mà thật tình học vấn của tôi chỉ vừa hết lớp 10 của hệ thống giáo dục tại Việt Nam mà thôi. Giảng đường đại học vẫn là ước mơ mà cuộc đời tôi chưa bao giờ vươn tới được. Tôi sang Tiệp Khắc sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, dưới dạng “vừa học vừa làm“ và chỉ được học tiếng Séc đúng ba tháng. Cho nên trong làng báo cộng đồng, thú thật tôi là biên tập viên có trình độ tiếng Séc “ẹ“ nhất.


   Riêng về bài viết của NKP, người mà tôi cũng chỉ vài lần được diện kiến qua các cuộc nhậu, và nghe nói sở hữu văn phòng tư vấn có cả dịch vụ pháp lí, thì có rất nhiều điều mà tôi thấy cần phải đính chính. Bởi vì, nói xin lỗi, nếu như đó là suy nghĩ của mấy bà hàng tôm hàng cá ở chợ Mơ thì không sao. Còn nếu như được đào tạo bài bản, có bằng cấp của nước sở tại, và hiện nay “đôi lúc vì thấy nhiều người Việt Nam hiểu biết hạn hẹp về phong tục, tập quán ở Séc nói riêng và ở thế giới văn minh, nói chung“- thì viết bài, để trao đổi và rút kinh nghiệm cùng bạn đọc, chứ không nhằm mục đích gây tiếng vang, làm chính trị, chính em gì- như lời NKP nói, thì quả thật tôi hơi thất vọng. Đồng thời NKP cũng muốn tôi và ngài Winter nên “dẹp bỏ tất cả những mâu thuẫn“.

   Thưa anh N. Ngọc và NKP, tôi đâu có chút hiềm khích, mâu thuẫn cá nhân nào với ngài Winter mà dẹp bỏ. Hơn nữa, trong con mắt của rất nhiều người Việt Nam, ông Marcel Winter hết sức được quí trọng và thậm chí biết ơn về những gì mà ông ta đã làm cho cộng đồng người Việt ở đây. Tôi không dại gì “gây sự“ với ông ta chỉ vì “có thể vì lí do nào đó về kinh tế hay về chỗ đứng, tiếng nói trong xã hội“ như câu hỏi của NKP cả.

 Mỗi lần trước khi đi xa nhà, tôi đều được mẹ tôi, người mấy chục năm qua chỉ thành tâm tụng kinh niệm Phật khuyên rằng, đừng bao giờ ngửa tay lấy một đồng tiền nào mà mình không xứng đáng, vì nó không có phúc. Vì thế tôi có một nguyên tắc sống, là không bao giờ tranh giành công sức của ai. Nói một cách hình tượng, là không bao giờ cướp cơm của con người khác về nuôi con mình. Vì nó không có PHÚC. Vậy thôi. Còn tiếng nói hay chỗ đứng trong xã hội này ư? Vươn được tới đâu qua những bài viết trên các báo cộng đồng cho cùng lắm là vài nghìn người đọc này, trong khi vẫn còn có mấy chục phần trăm người đọc coi toàn là những bài viết ngu xuẩn và tầm thường?

   Các cụ ta xưa có câu: “Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy“. Gần mười năm qua tham gia làm báo cộng đồng, đã rất nhiều lần nghiền ngẫm từng câu từng chữ, để dịch những bài viết của ngài Marcel Winter, tôi chợt nhận ra rằng, hình như tấm áo cà sa ông ta đang mang làm bằng giấy. Vì thế nên tôi lên tiếng để nói với cộng đồng. Đơn giản có vậy thôi. Tôi thực sự muốn mình nhầm lẫn về ông ta, để cộng đồng có thêm được một người bạn quí giá, song tiếc thay thực tế không chứng minh cho tôi thấy điều đó.

  NKP viết nguyên văn: “Ông (Winter) đã dám xông trận vào những thời điểm nhạy cảm, dám công khai lên tiếng ủng hộ những người đàng hoàng trong cộng đồng Việt Nam tại Séc và chỉ trích những hành động thái quá của các cơ quan chính quyền và dám đưa đơn tố cáo các tổ chức, cá nhân theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi hay phân biệt chủng tộc.“  Ông dũng cảm dám xả thân vì người Việt đến thế kia ư? Xin thưa, tuy tôi chỉ là một công dân tầm thường, nhưng vì tôn trọng luật pháp, sống đàng hoàng trong xã hội, nên tôi dám thách từ Tổng thống, đến Chính phủ, toàn các đảng phái, toàn dân và kể cả Hiến pháp nước Cộng hoà Séc này xâm phạm vào quyền lợi chính đáng của tôi đấy. Tôi sẽ kiện lên tận toà án Nhân quyền quốc tế buộc nhà nước này phải bồi thường danh dự ngay. Tôi không phải mượn đến ông Winter nào đó không tước vị dám xông trận giúp, mà cùng lắm là nhờ luật sư. Và các luật sư sành sỏi thì chỉ cần nhìn qua cũng biết, rằng liệu vị thân chủ đàng hoàng, tôn trọng pháp luật ấy thực sự có bị các cơ quan chính quyền đối xử thái quá hay không. Đó là nền tảng của Dân chủ đấy, thưa anh NKP. Tôi nói thất vọng, vì rằng nếu đó là suy nghĩ của một người nào đó có học vấn khiêm tốn thì có thể thông cảm.

  Luật pháp nước Cộng hoà Séc mà tôi đang là công dân của nó nghiêm cấm các hành vi phân biệt chủng tộc, nghĩa là các hành động, lời nói mang tính phân biệt chủng tộc là phạm pháp. Nếu kẻ nào vi phạm sẽ bị pháp luật trừng trị. Ngài Marcel Winter nhiều lần tuyên bố, rằng ông ta là người duy nhất ở CH Séc đệ đơn tố cáo tội phạm của các tác giả trang website www.chceteje.cz. Nếu ông ta đã đệ đơn tố cáo và cảnh sát tiến hành điều tra, mà tìm thấy trong nội dung các bài viết có mang mầu sắc phân biệt chủng tộc, thì chắc chắn trang website này đã bị xoá sổ. Còn nếu như nó chỉ kích động dân chúng tẩy chay, hay thậm chí xua đuổi những kẻ trồng cần sa bất hợp pháp, làm ăn bất chính, những băng đảng, cá nhân người nước ngoài đủ các mầu da sắc tộc đã có những hành động vi phạm pháp luật, xâm phạm an ninh của người dân sở tại, thì đó là quyền tự do ngôn luận của bọn họ.

Trên trang website ấy tôi không tìm thấy một từ nào xúc phạm đến dân tộc Việt Nam, đến những người Việt Nam đàng hoàng tử tế hay bất kỳ dân tộc nào khác, bởi nếu có thì các tác giả của nó đã phải ra trước vành móng ngựa. Tôi không ngu xuẩn tới mức đi bênh vực những kẻ đã bêu riếu chúng ta, nhưng cũng phải bình tĩnh và công tâm nhìn nhận sự việc, không nên nhầm lẫn giữa khái niệm bài ngoại (xenofobie) tiềm ẩn trong mỗi con người (thậm chí cả trong các loài động vật) với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Xin đơn cử, ví dụ một gã dân Hà Nội mắng “những đứa nhà quê“ ngoại tỉnh cũng là biểu hiện của tính bài ngoại. Song không thể truy tố kẻ nói những lời thô bỉ ấy. Hay trong thiên nhiên, những con kiến đen lao vào tấn công xua đuổi hay cắn chết con kiến vàng xa lạ vô tình lọt vào tổ của chúng cũng thể hiện tính bài ngoại tự nhiên. Đó là phản ứng tự nhiên, cảnh giác đề phòng trước sinh thể xa lạ. NKP có thể tìm hiểu nội dung các bài viết về người Việt Nam trên website này.

  Vậy còn lại câu hỏi, chẳng lẽ cộng đồng người Việt Nam, với truyền thống hàng nghìn năm văn hiến, cần cù và thông minh, sống đàng hoàng và tử tế, chăm sóc con cái học hành đến nơi đến chốn- điều mà đã được truyền thông CH Séc nhắc đến nhiều lần và nhấn mạnh như điểm sáng chói của nhân cách Việt Nam, lại không biết cách, không dám đứng lên tự mình bảo vệ lấy quyền lợi chính đáng, được cả tất cả các công ước quốc tế bênh vực hay sao mà phải nhờ đến một ngài “sumo Vietnam“ nào đó đứng ra làm giúp để rồi có cớ mà kể công?

   Tôi đã rất buồn, khi dịch những lời của ông Marcel Winter với truyền thông CH Séc, rằng: “Căn cứ vào lời kêu gọi và đề nghị của Chủ tịch Hội Séc-việt Marcel Winter...“ ngày 25/06/2008 đã diễn ra hội thảo làm việc tại ĐSQ Việt Nam ở Praha bàn về vấn đề tệ nạn cần sa, với sự tham gia của đại diện hầu hết các tổ chức, hội đoàn chính thức trong cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc, và sau đó hội nghị này đã tuyên chiến với những băng nhóm mafia ma tuý trong cộng đồng Việt Nam. (thông cáo báo chí của Hội Séc-việt, ngày 28/06/2008). Nếu lật lại tinh thần của thông cáo báo chí này, thì nếu như ông Winter không đứng lên kêu gọi, đề nghị thì cộng đồng Việt Nam, cả các cơ quan cao nhất tới các hội đoàn sẽ im lặng làm ngơ trước cái ung nhọt nhức nhối mà một vài phần tử trong cộng đồng gây ra hay sao? Và chỉ có ông ta mới dám dũng cảm đứng lên kêu gọi? Liệu đã đến lúc chúng ta cảm thấy những ngôn từ như vậy là sự xúc phạm?

  Ông ta thường “than thở“- hay huênh hoang, rằng “mỗi khi có chuyện gì (xấu) xảy ra với cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc, trong khi  hầu hết tất cả các tổ chức hội đoàn khác và các cơ quan chỉ đứng nhìn và im lặng một cách sợ hãi, chắc là họ biết vì sao“. Thì tại cái đất nước CH Séc này duy nhất chỉ có ông ta và Hội Séc-việt là đứng ra lên tiếng tranh đấu.  Xin lưu ý, rằng những ngôn từ như vậy đã được ông Chủ tịch Hội Séc-việt sử dụng rất nhiều lần trong những năm qua. Vậy thì dưới con mắt đánh giá của xã hội, của các cơ quan chính quyền, hình ảnh của cả một cộng đồng con Lạc cháu Hồng đang sinh sống ở đất nước này nói riêng và cả Việt Nam nói chung sẽ ra sao?

 Để rồi ông ta đi xa tới mức tự coi mình “như là người bảo vệ nhân quyền (ombudsman), người phát ngôn của cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc“. Rất nhiều các cơ quan, ban ngành, công ty và người dân Séc ngỡ rằng, ngài Marcel Winter là người đại diện chính thức do cộng đồng Việt Nam bầu ra. Nên nhiều khi, có vấn đề gì cần tiếp xúc, đặt quan hệ với cộng đồng người Việt Nam, họ thường tìm thông tin qua ngài Winter và Hội Séc-việt. Trong khi đó, xin đơn cử, theo quan điểm chính thức của Cục cảnh sát ngoại kiều, thông qua người phát ngôn Kateřina Rendlová, trong thông cáo báo chí của Cục này phản ứng lại những chỉ trích của ngài Marcel Winter về những biện pháp thái quá mà cảnh sát áp dụng trong cuộc tấn công vào TTTM SAPA, người phát ngôn hoàn toàn phủ nhận tuyên bố của Marcel Winter và coi đó chỉ là mưu toan che dấu thực chất thường nhật tại SAPA và không chỉ ở đó. Vậy thì chỉ cần nhìn xa hơn một chút đã có thể thấy, là khi cơ quan chính quyền sở tại đã coi “người đại diện“ của chúng ta như vậy thì họ còn coi chúng ta ra cái thể thống gì nữa? Cũng xin nhấn mạnh, là trong vụ việc này, chính quyền sở tại “giật mình“ và tôn trọng lắng nghe ý kiến phản ứng của các sinh viên Việt Nam tại Thượng viện, hơn là lập trường ầm ĩ của ngài Winter.

  Sau khi mang về từ hội chợ quốc tế thường niên ở Hà Nội mười mấy chiếc huy chương Vàng, ngài Winter và công ty tiếp thị WMC mà ông ta sở hữu đã được nhà tổ chức hội chợ giành cho qui chế ưu tiên đặc biệt, là đại diện độc quyền duy nhất của CH Séc, Slovakia và cả Đức tại hội chợ quan trọng này. Nghĩa là tất cả các công ty tư nhân từ ba quốc gia kể trên muốn “bén mảng“ tới hội chợ quốc tế ở Hà Nội, đều phải qua cầu ngài Winter và công ty WMC. Quan hệ không tốt đẹp của cá nhân ngài Winter với chính quyền CH Séc cũng là một trong những lí do, vì sao mà Bộ Công-Thương CH Séc cho tới năm ngoái không “dính“ vào hội chợ quốc tế tổ chức tại Hà Nội mà chỉ quan tâm tới hội chợ quốc tế tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù Việt Nam vẫn nằm trong danh sách các nước đối tác chiến lược xuất khẩu của các Chính phủ CH Séc cho tới nay.

  Chỉ cần qua vì một vài dẫn chứng đơn lẻ kể trên, tôi cảm thấy mình cần phải lên tiếng lưu ý cho cộng đồng về những cái lợi và tổn thất có thể xảy ra với chúng ta, khi sử dụng cái mà tôi cho rằng như là “con dao hai lưỡi“ và lợi bất cập hại này. Còn quan điểm của tôi có được ai đó lắng nghe hay không lại là chuyện hoàn toàn khác. Chắc chắn, rằng ngài Chủ tịch Hội Séc-việt vẫn tin là mình đúng và tiếp tục hành động theo lương tâm. Còn tôi có quan điểm của riêng mình và nói lên điều đó. Giữa tôi và ông ta không có gì để mà thoả hiệp và “đoàn kết“ cả. Chúng tôi không hề hiểu lầm nhau!

(David Nguyen)

>>> Tranh cãi về BHYT tại Séc: Chúng tôi chẳng được gì từ bảo hiểm tư nhân

>>> Tranh Luận: David & Winter: Tôi không hề nhầm lẫn! (phần 1)

 


Vấn đề này đã được tranh luận khá nhiều. Để những người trong cuộc đàm thoại thân mật, thẳng thắn trực tiếp với nhau, BBT xin kết thúc tranh luận này tại đây.

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Thảo luận

Quảng cáo