Thế giới

5 nơi có nguy cơ bùng phát Thế chiến thứ 3 trong năm 2018

Cập nhật lúc 19-01-2018 09:38:38 (GMT+1)
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 của Triều Tiên rời bệ phóng. Ảnh: KCNA.

 

Tình hình Syria đang tạm dịu đi nhưng các điểm nóng trên thế giới vẫn còn đó. Dưới đây là 5 nơi có thể bùng nổ chiến tranh quy mô lớn trong năm 2018.


1. Triều Tiên

Nơi đây không nghi ngờ gì nữa chính là cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại lớn nhất thế giới hiện nay. Việc Triều Tiên thành công trong phát triển tên lửa đạn đạo cộng với sự ít kinh nghiệm của chính quyền Tổng thống Trump trong lĩnh vực ngoại giao đã tạo ra một tình thế đặc biệt nguy hiểm trên bán đảo Triều Tiên.

Thường xuyên thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân trong một thập kỷ qua, Triều Tiên không có dấu hiệu nào chịu lùi bước trước sức ép của Mỹ. Trong khi đó, Mỹ thường phản ứng lại bằng sự thiếu nhất quán trong chính sách ngoại giao. Nhiều quan chức trong chính quyền ông Trump đưa ra những tuyên bố trái ngược nhau chỉ sau vài tiếng đồng hồ.

Đã vậy, cả Mỹ và Triều Tiên về cơ bản đều có tư tưởng đánh phủ đầu. Mỹ thì muốn phá hủy hệ thống liên lạc và hệ thống phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trước khi các tên lửa đó kịp rời bệ phóng để lao sang Mỹ, còn Triều Tiên cũng muốn ra tay trước để ngăn ngừa viễn cảnh xấu đó.

Chỉ cần một trong hai bên tính toán sai lầm, hậu quả sẽ khó lường. Nhật Bản và Trung Quốc có khả năng cao bị lôi kéo vào một cuộc chiến như vậy.

2. Đài Loan

Những tuyên bố mạnh bạo gần đây của giới tướng lĩnh quân đội Trung Quốc cho thấy một bộ phận người Trung Quốc tin rằng thế cân bằng quân sự đang nghiêng về phía họ. Cách nhìn nhận này chắc chắn là quá vội vàng và có lẽ cũng không phải là quan điểm của phần lớn ban lãnh đạo Trung Quốc. Tuy nhiên đó vẫn là điều nguy hiểm. Trên thực tế, Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động quân sự trong khu vực, ở rất nhiều nơi dọc theo biên giới nước này.

Mỹ đã phản ứng đáp trả bằng việc lên án các động thái của Trung Quốc và công bố việc bán lượng lớn vũ khí cho Đài Loan – hòn đảo mà Trung Quốc coi là một tỉnh của mình.

3. Ukraine

Tình hình ở Ukraine vẫn căng thẳng. Cuộc ngừng bắn ở miền đông Ukraine hay bị ngắt quãng bởi tình trạng bạo lực giữa lực lượng chính phủ và các dân quân đòi ly khai.

Ngay tại thủ đô Kiev của Ukraine, các cuộc biểu tình liên quan đến cựu Tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili đặt ra câu hỏi về sự ổn định của chính quyền Ukraine.

Xung đột có thể nổ ra theo một số cách. Nếu chính quyền Ukraine suy yếu mạnh, cơ hội sẽ dành cho cả 2 phe ở Ukraine: phe thân Nga và phe cực hữu. Trong bất cứ trường hợp nào, tình hình miền đông Ukraine cũng đứng trước nguy cơ  trở nên nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, nếu Nga đưa quân can thiệp vào tình hình Ukraine thì Mỹ dù có chính sách hạn chế can thiệp vẫn có thể bị lôi kéo trở lại vào cuộc xung đột ở đây cùng với cả EU.

4. Sườn phía nam của NATO

Mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trên thực tế đã xấu đi hẳn trong năm 2017, trong lúc Thổ Nhĩ Kỳ và Nga lại hâm nóng quan hệ sau các vụ va chạm quân sự vào năm 2015.

Sự xa cách của Thổ Nhĩ Kỳ với EU và Mỹ, thể hiện qua việc Thổ mua hàng loạt vũ khí mới của Nga, có thể báo hiệu sự thay đổi đáng kể trong cán cân quyền lực khu vực.

Do vị trí địa lý và tiềm lực của mình, Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia quá ư quan trọng. Quan điểm của họ tác động đến cục diện xung đột ở Syria, Iraq, Iran, vùng Balkan và vùng Kavkaz. Một thay đổi trong định hướng ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể gây ra những hiệu ứng bất ngờ khó dự đoán dọc theo biên giới của nước này, đặc biệt là đối với khát khao của người Kurd về việc thành lập một nhà nước độc lập của riêng mình. Một sự thay đổi như thế cũng có thể làm biến đổi tình thế và tăng nguy cơ xung đột ở điểm nóng Nagorno-Karabakh (giữa Armenia và Azerbaijan). Những diễn biến này có thể dẫn tới việc các quốc gia Nam Âu suy nghĩ lại cam kết của họ đối với NATO.

5. Vùng Vịnh Persian

Nội chiến Syria bắt đầu dịu đi thì cuộc đấu địa chính trị Iran-Saudi Arabia lại nổi lên và ngày càng căng thẳng

Về cơ bản Mỹ đang chấp nhận thực tế ở Syria, với chiến thắng áp đảo thuộc về chế độ của Tổng thống Syria Assad (được Nga hậu thuẫn). Mỹ hiện đang dành nguồn lực của mình cho việc đối phó với Iran. Họ đặc biệt tạo điều kiện cho Saudi Arabia.

Saudi Arabia đã bộc lộ rất rõ quyết tâm xây dựng một liên minh ngoại giao và quân sự chống lại Iran – liên minh này có thể rộng tới mức bao gồm cả Israel.

Nhưng, Nga đang chiếm thế có lợi ở Trung Đông, đặc biệt là Syria. Và họ vẫn đang dốc sức củng cố thế trận của họ tại đây và quan hệ tương trợ với Iran.

Trong bối cảnh đó, khu vực vịnh Persian sẽ là một điểm nóng quân sự lớn trong năm 2018./.

Trung Hiếu/Theo National Interests
Nguồn: VOV.VN

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo