Thế giới

Ai đứng sau âm mưu đảo chính tại Ecuador ?

Cập nhật lúc 03-10-2010 13:39:46 (GMT+1)
Biểu tình phản đối cảnh sát bên ngoài bệnh viện nơi ông Correra bị vây hãm

 

Tối 30-9, thế giới nói chung và đất nước Ecuador nói riêng bất ngờ trước thông tin Tổng thống Ecuador Rafael Correa bị lực lượng cảnh sát nước này tấn công và bao vây trong một vụ việc sau này được xác định là một cuộc đảo chính.


Các phương tiện truyền thông Mỹ Latinh tràn ngập thông tin và hình ảnh về vụ việc cũng như những hình ảnh về các cuộc đọ súng giữa nhóm cảnh sát nổi loạn và lực lượng quân đội trung thành với Tổng thống Correa. Cảnh sát khẳng định đây chỉ là phản ứng thái quá của một nhóm cảnh sát bất bình với Tổng thống Correa, song phe cầm quyền khẳng định đây là một âm mưu được dàn dựng từ trước.
 
Nguồn gốc vụ đảo chính

Chuỗi sự kiện liên quan vụ việc bắt đầu từ việc Quốc hội Ecuador ngày 28-9 thông qua Luật Dịch vụ công sau khi đã đưa vào dự luật này hầu hết những sửa đổi mà Tổng thống Correa đề nghị nhưng đã bị phủ quyết 2 lần trước đó.
 
Văn bản này hướng tới việc cải tổ một số cơ cấu dịch vụ công của Nhà nước - với lịch sử hàng thập kỷ tham nhũng và thiếu hiệu quả, trong đó đáng chú ý là Điều khoản 160 quy định việc loại bỏ các khoản thưởng cho các thành viên lực lượng vũ trang trong các đợt thăng quân hàm, thưởng huân chương… Chỉ một ngày sau đó, làn sóng phản đối từ một bộ phận lực lượng cảnh sát, cùng một lực lượng quân nhân nhỏ lẻ đã nổ ra và đi từ biểu tình thành bạo loạn, với việc phong tỏa sân bay và chiếm giữ trái phép một số doanh trại.

Sáng 30-9, Tổng thống Correa đã trực tiếp tới doanh trại của Trung đoàn cảnh sát Kito, nơi đang bị lực lượng bất mãn lên tới hàng trăm người chiếm giữ, để đối thoại với họ. Trong tiếng la ó phản đối của những cảnh sát bạo loạn, nhà lãnh đạo 47 tuổi đã lớn tiếng thách thức: “Các anh muốn sát hại Tổng thống phải không? Vậy tôi đây, các anh hãy tiến lên đi”. Đi kèm với lời thách thức mạnh bạo này, Tổng thống Correa cũng khẳng định không một hành động bạo loạn nào có thể cản trở cuộc “Cách mạng dân sự” mà ông khởi xướng.

Trong lúc rời khỏi đây, ông Correa bị nhóm cảnh sát nổi loạn bao vây và trúng một trái lựu đạn hơi cay. Các vệ sĩ thân cận của Tổng thống Correa buộc phải đưa ông vào Bệnh viện Cảnh sát phía Bắc Quito, nơi ngay lập tức bị nhóm bạo loạn bao vây và yêu cầu Tổng thống phải hủy bỏ đạo luật mới. Tuy nhiên, ông Correa đã thẳng thừng tuyên bố qua đường dây liên lạc: “Hoặc tôi sẽ rời khỏi đây với cương vị Tổng thống trong danh dự, hoặc là một xác chết, chứ tôi sẽ không lùi bước hay thỏa hiệp”. Tiếp đó, ông Correa đã ra lệnh cho quân đội giải cứu mình.
Sự hậu thuẫn vững chắc

Song song với diễn biến vụ nổi loạn, Chính phủ Ecuador ngay lập tức ra nhiều tuyên bố tuyệt đối ủng hộ Tổng thống và lên án hành động “âm mưu đảo chính”. Phó Tổng thống Lenin Moreno đã bác bỏ khả năng lên cầm quyền thay Tổng thống, còn Tư lệnh các Lực lượng vũ trang Ernesto Gonzalez lập tức lên trên truyền hình khẳng định trung thành tuyệt đối với nhà lãnh đạo cánh tả. Quito cũng nhanh chóng ra lệnh ngừng mọi kênh truyền hình tư nhân và chỉ cho phát duy nhất kênh truyền hình Nhà nước, đồng thời vận động hàng nghìn quần chúng xuống đường tuần hành ủng hộ Tổng thống. Vài giờ sau đó, quân đội đã giải cứu thành công ông Correa bằng vũ lực trong một chiến dịch chóng vánh, với chỉ 5 người bị thương.

Tổng thống Correa sau khi được quân đội giải cứu, cho biết những cảnh sát nổi loạn đã âm mưu giết hại ông khi ông ở trong bệnh viện. Phe cầm quyền khẳng định đây là một âm mưu được dàn dựng từ trước và một số thành phần bảo thủ cực hữu, mà đứng đầu là cựu Tổng thống Lucio Gutierrez - người từng bị các phong trào quần chúng phế truất năm 2005 do tình hình bi đát của đất nước - đã lợi dụng thành phần vũ trang không muốn từ bỏ đặc quyền đặc lợi của mình.
 
Ông Gutierrez hiện đang cư trú tại Brazil nhưng vẫn có khá nhiều ảnh hưởng trong giới vũ trang Ecuador do tiểu sử quân nhân. Tổng thống Correa củng cố luận điểm này với lời khẳng định chưa một ai trong số những người bao vây ông từng thực sự đọc văn bản luật mới ban hành trên. Ông cũng tuyên bố rằng giới cảnh sát không có lý do để bất mãn khi mà trong 4 năm ông cầm quyền, mức lương của ngành này đã tăng từ 74 - 85%, một con số cao nhất trong lịch sử Ecuador.

Trong khi đó, các tổ chức quốc tế như LHQ, Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR)… và các nước như Venezuela, Cuba, Bolivia, Chile, Paraguay… đã đồng loạt lên tiếng phản đối “âm mưu đảo chính” tại Ecuador, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống đương nhiệm Correa.

Phe đối lập nói gì?

Trong 40 năm qua tại Ecuađo đã diễn ra 8 cuộc đảo chính hoặc âm mưu phế truất Tổng thống, tính cả lần này. Cảnh sát Ecuador khẳng định vụ việc lần này chỉ là phản ứng thái quá của một bộ phận cảnh sát, song Chính phủ Ecuador tuyên bố đã đập tan một âm mưu đảo chính.

Trong khi đó, phe đối lập theo tư tưởng hữu khuynh định nghĩa hành động bạo loạn này là một phản ứng bạo lực và phạm pháp. Phe này cũng đổ lỗi nguyên nhân sâu xa gây nên vụ việc là do chính sách “gây chia rẽ” và “độc đoán” cùng những bài diễn văn mang tính đấu tranh giai cấp (bảo vệ người nghèo) của Tổng thống Correa, gây ra tình trạng căng thẳng và phân cực chính trị ngày càng cao trong nước.

Cụ thể, họ cho rằng việc nhà lãnh đạo cánh tả này phủ quyết nhiều lần dự thảo Luật Dịch vụ công cho tới khi Quốc hội phải thông qua mọi gợi ý của ông, làm cho sự bất mãn trong giới cảnh sát ngày càng tích tụ vì cảm thấy những kết quả thương lượng trước đây của họ bị gạt ra ngoài lề. Về sự kiện ngày 30-9, họ chỉ trích phe cảnh sát bất mãn đã không kiểm soát được hành động của mình, còn các cố vấn an ninh của ông Correa đã thiếu sót trong việc đánh giá nguy cơ, trong khi bản thân vị nguyên thủ cũng sai lầm khi đưa ra những lời thách thức quá mạnh mẽ.
Những hành động được tính toán trước

Theo nhận định đăng trên mạng IPS của cựu nhà báo Colombia Jorge Rojas, người tình cờ có mặt tại Quito trong thời điểm xảy ra vụ việc, có thể khẳng định ít nhất một điều rằng chuỗi sự kiện trên đã được tính toán từ trước khi các hành động chiếm sân bay (do một nhóm sĩ quan không quân chỉ đạo), doanh trại, trụ sở Quốc hội và bao vây Tổng thống diễn ra nhịp nhàng, gọn ghẽ và khá chủ động.
Tổng thống Correra phát biểu với báo giới
sau khi “tai qua nạn khỏi”
 
Trong khi đó, nhà phân tích chính trị người Mexico Carlos Fazio, trong cuộc phỏng vấn kênh truyền hình Mỹ CNN, thì đánh giá kịch bản của sự kiện lần này rất giống với các cuộc đảo chính ở Venezuela (2002), Honduras (2009), và phần nào là cuộc bạo động tại Bolivia (2008) - đều do các lực lượng vũ trang quy mô nhỏ thực hiện sau khi một số mâu thuẫn chính trị được tạo ra và bất ngờ đẩy lên cao trào. Nếu như giả thuyết này là chính xác, sẽ nảy sinh một cuộc tranh luận khác: Liệu có bàn tay của Mỹ trong sự việc này hay không?
Tổng thống Correra (giữa) ôm đầu sau khi trúng lựu đạn hơi cay

Trong cuộc họp báo tại Thủ đô Managua, Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega khẳng định rằng những kẻ đứng đằng sau vụ đảo chính bất thành tại Ecuador cũng chính là những kẻ đã tiếp tay cho cuộc đảo chính hồi tháng sáu năm ngoái tại Honduras.
 
Tổng thống Ortega nêu rõ những diễn biến vừa qua tại Thủ đô Quito được các nhóm cực hữu hậu thuẫn, đặc biệt là cựu Tổng thống, nhà độc tài quân sự Ecuador Gutierrez, ngoài ra còn có bàn tay của nhóm cực hữu cùng với nghị sỹ Đảng Cộng hòa và Cơ quan tình báo Mỹ. T
 
ổng thống Ortega nhắc lại bài trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Nga vào cuối tháng tám năm ngoái, trong đó ông khẳng định rằng Mỹ không thay đổi chính sách can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác và chính vì thế nguy cơ đảo chính trong khu vực vẫn còn hiện hữu.

Biểu tình phản đối cảnh sát bên ngoài bệnh viện nơi ông Correra bị vây hãm

Tháng 4-2009, ông Rafael Correa đã làm nên lịch sử, khi tái đắc cử Tổng thống, trở thành Tổng thống đầu tiên trong vòng 30 năm của nước này không phải trải qua vòng bầu cử lần hai. Ông Correa sinh năm 1963, tại TP Guayaquil. Ông học kinh tế ở Đại học Công giáo của TP này, sau đó có 2 bằng tiến sỹ, một ở Mỹ và một ở Bỉ.
Ông lên nắm quyền phần lớn cũng nhờ vào nguồn gốc xuất thân từ gia đình không có truyền thống chính trị. Khi lên làm Tổng thống, ông đã nỗ lực thay đổi cấu trúc chính trị ở Ecuador và khuyến khích chi tiêu cho xã hội. Ông cũng từ chối các khoản vay của nước ngoài và xung đột với Washington về nhiều vấn đề. Ông Correa được xem là nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất trong nhiều thập niên ở Ecuador, nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã gây ra hàng loạt vấn đề và thách thức cho đất nước này.

Giới phân tích cho rằng ông Correa có thể vượt qua được cuộc khủng hoảng hiện nay, nhờ sự ủng hộ của công chúng và sự thiếu đoàn kết của phe đối lập, đặc biệt là trong bối cảnh ban lãnh đạo cấp cao trong lực lượng cảnh sát không ủng hộ các cuộc biểu tình của cấp dưới.
 
Minh Tâm

Nguồn  PL&XH

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo