Thế giới

Bắc Kinh lớn tiếng đe dọa Tokyo về Biển Đông

Cập nhật lúc 14-06-2015 08:14:16 (GMT+1)
Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại lâu đài Elmau, Kruen, Đức, ngày 08/06/2015. Reuters

 

Với những lời lẽ thể hiện rõ rệt thái độ cay cú, vào hôm qua, 12/06/2015, Trung Quốc đã lớn tiếng cảnh cáo Nhật Bản rằng hành động của Tokyo liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đang đe dọa các tiến bộ gần đây trong việc cải thiện quan hệ song phương. Đây là phản ứng gay gắt của Bắc Kinh sau vụ Tokyo vận động được nhóm G7 phản đối các hành động bồi đắp đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang rầm rộ tiến hành tại Biển Đông.


Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào hôm qua là những lời đả kích nặng nề nhất mà Bắc Kinh đưa ra từ nhiều tháng nay.

Trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, ông Hồng Lỗi xác nhận : « Phía Trung Quốc bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng và sự phẫn nộ về những động thái tiêu cực do phía Nhật Bản tiến hành ». Theo nhân vật này, hành vi của Tokyo « gây tổn hại nặng nề cho sự tin tưởng về mặt chính trị và an ninh giữa Trung Quốc và Nhật Bản, và đi ngược lại với xu thế cải thiện quan hệ » giữa hai nước.

Đối với phía Trung Quốc, « Nhật Bản không phải là một bên tranh chấp trong vấn đề Biển Đông », do đó Tokyo đã hành xử một cách « kỳ lạ » và đã « thổi phồng » căng thẳng trong khu vực.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh nhóm G7 kết thúc hồi đầu tuần tại Đức, Nhật Bản đã vận động được toàn nhóm thêm vào bản tuyên bố chung cuộc của hội nghị một đoạn đề cấp đến hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đoạn tuyên bố không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ các hành vi « hù dọa, thúc ép hay sử dụng võ lực, cũng như bất kỳ hành động đơn phương nào khác để tìm cách thay đổi hiện trạng, chẳng hạn như cải tạo đất trên quy mô lớn. »

Nhật Bản đã quyết tâm can dự thêm vào hồ sơ Biển Đông trong bối cảnh từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, cho đến các nước khác, tất cả đều ngày càng lo ngại trước tốc độ thực hiện và quy mô các công trình xây dựng của của Trung Quốc trong khu vực Trường Sa, đang tranh chấp với Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Mọi người lo ngại về ý đồ của Trung Quốc muốn biến các công trình đang bồi đắp, xây dựng thành căn cứ quân sự, và không mấy tin tưởng vào lâp luận của Bắc Kinh theo đó các công trình của họ cũng nhằm mục tiêu cung cấp một « dịch vụ công cộng quốc tế » cho việc bảo đảm an toàn hàng hải.

Quan hệ Tokyo-Bắc Kinh sau nhiều năm căng thẳng do vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đang có dấu hiệu được cải thiện từ từ trong những tháng gần đây, nhất là từ sau cuộc gặp đầu tiên vào tháng 11 năm ngoái giữa hai lãnh đạo Tập Cận Bình và Shinzo Abe.

Nguồn: Trọng Nghĩa/RFI

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo