Thế giới

Châu Âu khó xử vì Trung Quốc

Cập nhật lúc 19-03-2019 03:42:02 (GMT+1)
Ảnh: Reuters

 

Các cường quốc châu Âu đang tìm cách cân bằng giữa mối lo ngại về sự ảnh hưởng của Trung Quốc và nhu cầu về đầu tư từ nước ngoài.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến có chuyến công du châu Âu từ ngày 21 đến 26-3 trong động thái thúc đẩy quan hệ thương mại với châu lục này, bên cạnh nỗ lực chấm dứt cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Chuyến công du trên diễn ra giữa lúc các cường quốc châu Âu đang tìm cách cân bằng giữa nỗi lo về ảnh hưởng của Trung Quốc và nhu cầu thu hút thêm đầu tư từ nước ngoài. Trung Quốc hồi tuần rồi cam kết tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) với các công ty Mỹ và châu Âu. Đây được xem là nỗ lực đáp trả chỉ trích rằng Bắc Kinh muốn mở rộng ảnh hưởng thông qua BRI. Trong khuôn khổ sáng kiến này, Trung Quốc đã tài trợ cho các dự án hạ tầng, hàng hải, đường sắt, đường bộ trên khắp châu Á, châu Âu, châu Phi nhưng một số ý kiến cho rằng chúng chủ yếu chỉ đem lại lợi ích cho các công ty Trung Quốc nhưng lại tạo ra "bẫy nợ" cho các nước tham gia.

Bất chấp nỗi lo trên, giới chức Ý vào tuần trước nói rằng Rome sẽ ký với Bắc Kinh một bản ghi nhớ không ràng buộc để chính thức ủng hộ BRI, cho phép Trung Quốc có thể tham gia các lĩnh vực như viễn thông và cảng biển tại quốc gia châu Âu này. Theo trang Bloomberg, Mỹ và một số nước Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ không vui nếu điều này diễn ra. Ý đang bị mắc kẹt trong cuộc đối đầu địa chính trị sẽ định rõ các mối quan hệ quốc tế trong nhiều thập kỷ tới. Một bên là Trung Quốc đang trỗi dậy trong khi bên còn lại là Mỹ đang đối đầu với Bắc Kinh về thương mại.

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đang tìm cách bắt tay với cả hai bên. Trả lời phỏng vấn tờ Corriere della Sera (Ý) gần đây, ông Conte cho rằng Ý vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với phương Tây nhưng không thấy có vấn đề gì khi tìm kiếm thỏa thuận với Trung Quốc. Thủ tướng Conte lập luận Ý đã bổ sung vào bản ghi nhớ một số nguyên tắc quan trọng, theo đó tuân thủ đầy đủ chiến lược của EU về Trung Quốc. Điều này, theo ông Conte, sẽ khuyến khích Trung Quốc thực thi các tiêu chuẩn châu Âu.

Dĩ nhiên là không dễ để Ý có được điều mình mong muốn. Nếu ký bản ghi nhớ với Trung Quốc, Rome có thể khiến mối quan hệ với chính quyền Tổng thống Donald Trump trở nên nguội lạnh. Tuy nhiên, việc đảo ngược quyết định hợp tác với Trung Quốc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chuyến thăm của ông Tập. Ngoài ra, bất kỳ bước đi nào của Rome cũng sẽ tác động đến mối quan hệ giữa Ý và các đồng minh EU, trong đó có những nước hoài nghi về hoạt động đầu tư của Trung Quốc.

Ngoài Ý, Pháp là một điểm đến khác trong chuyến công du châu Âu lần này của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Theo sau thông báo trên của Ý, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng các nước EU nên có "một hướng tiếp cận phối hợp" với Bắc Kinh. "Việc Trung Quốc tham gia đóng góp vào sự phát triển của nhiều nước là chuyện tốt nhưng tôi tin vào tinh thần bình đẳng và sự có qua có lại. Tinh thần bình đẳng có nghĩa là tôn trọng chủ quyền của các quốc gia" - ông Macron nhấn mạnh.

Theo tạp chí Nikkei Asian Review (Nhật Bản), EU có kế hoạch điều chỉnh cách tiếp cận chính thức với Trung Quốc tại các hội nghị trong tuần tới. Cuộc họp của Hội đồng châu Âu trong 2 ngày 21 và 22-3 dự kiến thông qua kế hoạch 10 điểm hành động đối với Trung Quốc, trong đó có bảo đảm an ninh cho mạng 5G và xem xét kỹ lưỡng các khoản đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào EU. Dù vậy, nội bộ châu Âu lại đang chia rẽ về mối quan hệ với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này. Trong khi Đức và Pháp thận trọng trước hàng loạt khoản đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và công nghệ tại EU, một số nước tại Trung, Đông và Nam Âu lại hy vọng được Bắc Kinh rót nhiều tiền hơn. 

Nguồn: Xuân Mai/ Nld.com.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo