Thế giới

Châu Âu: nỗi sợ và giận dữ

Cập nhật lúc 24-11-2015 13:29:58 (GMT+1)
Ông bố tần ngần cùng hai con trước trường học đóng cửa sáng 23-11 ở thủ đô Brussels. Ông đã không biết thông tin từ phía chín

 

Brussels “đóng cửa” thành phố. Paris chưa hết bàng hoàng. Có chút gì đó giận dữ vượt lên trên nỗi sợ của người dân.


Các cơ quan chức năng vẫn đang rốt ráo làm việc của mình: săn lùng những tên khủng bố lẫn nghi can khủng bố. Điều đó khiến người dân an tâm.

Ở Pháp, các thăm dò cho thấy uy tín của lãnh đạo cao hơn xét theo góc độ điều hành tình hình hậu khủng bố.

Nhưng bên cạnh đó, việc thực thi các biện pháp bảo vệ an toàn cho người dân như hạn chế đến mức cấm tụ tập đông người (ở Paris) hay đóng cửa các tuyến tàu điện ngầm (ở Brussels) khiến mọi người cảm thấy hụt hẫng.

Những ngày cuối tuần vừa qua ở thủ đô ánh sáng lẫn ở thủ đô của châu Âu thật vắng lặng, dù người ta đã cố động viên nhau (qua truyền thông, qua các mạng xã hội) đừng sợ, đừng để thua cái ác.

Nhưng nỗi sợ thật sự là có, là hiển hiện. Hai ngày cuối tuần, hầu như các điểm vui chơi giải trí ở Brussels - thủ đô của châu Âu - đều đóng cửa.

Vì hình như có mở cũng chẳng có khách. Người ta có thể không ra đường vì không có phương tiện công cộng, vì thời tiết lạnh lẽo, nhưng ắt hẳn không phải không do sợ hãi.

Cô Béatrice Delvaux, trưởng ban xã luận tờ Le Soir ở Bỉ, đã phải mô tả Brussels “vắng lặng như nghĩa địa”. Những dòng tin nhắn trên Twitter càng cứa thêm nỗi đau: người ta không ra đường và chỉ theo dõi tin tức qua những dòng tin nhắn thông báo hết địa điểm này đến địa điểm khác phải đóng cửa.

Với người châu Âu, những tối cuối tuần không được vui chơi, hưởng thụ theo cách của mình đồng nghĩa với mất tự do, mất đi cái gì đó thiêng liêng nhất. Béatrice Delvaux ta thán: “Không đủ ngôn từ để mô tả về sự nặng nề đến mức không chịu đựng nổi, về sự nhẫn nhục bắt buộc, về nỗi buồn vô tận, về sự căm phẫn tột cùng trước sự thất bại của chúng ta trước những kẻ khủng bố”.

Ở Paris, người dân hẹn nhau tối thứ sáu, đúng một tuần sau vụ khủng bố, có mặt tại quảng trường République - điểm tượng trưng cho tinh thần cộng hòa của người dân Pháp.

Tụ tập để chứng minh mình không sợ. Tụ tập để thấy mình được tự do. Nhưng tối đó cánh truyền thông dường như đông hơn cả những người muốn chứng minh mình không cúi đầu trước bạo lực.

Tối thứ sáu vừa rồi không hề được như mười tháng trước, sau khi xảy ra vụ thảm sát ở tòa báo Charlie Hebdo có đến gần 1 triệu người tụ tập quanh đây bắt đầu tuần hành cùng cả 50 lãnh đạo thế giới để chống lại khủng bố, để bảo vệ quyền tự do ngôn luận.

Cánh nhà báo chúng tôi cảm thấy hụt hẫng. Không phải vì tiếc công đứng chuẩn bị dưới mưa và gió lạnh mùa đông, mà thấy buồn lòng vì chỉ vài trăm người dân tụ tập rải rác.

Ông Alain - khoảng 40 tuổi, cư dân ở ngoại ô Paris - không giấu nỗi thất vọng: “Có thể thời tiết mưa gió đã khiến người ta nản lòng. Hoặc cũng có thể là mệt mỏi sau một tuần căng thẳng. Nói thật là tôi thấy thất vọng!”.

Cô Timothée, khoảng 30 tuổi, tiếp lời: “Tôi thì nghĩ mọi người sợ hãi. Nào là những lời cảnh báo về an ninh ra rả từ phía chính quyền, nào là việc gia hạn tình trạng khẩn cấp. Điều đó khiến mọi người không dám đến đây. Cũng có thể vì mạng xã hội kêu gọi tụ tập từ nhiều ngày trước nên người ta sợ bọn khủng bố biết được để tiến hành một vụ khác ở đây. Ai mà biết được...”.

Gần đó vẳng lên tiếng nhạc. Những nhóm nhạc sĩ chơi các giai điệu tôn vinh tự do. Cựu bộ trưởng văn hóa Pháp Jack Lang cũng xuất hiện, trở thành điểm thu hút cánh truyền thông.

“Chúng ta phải tiếp tục đi chơi buổi tối, phải hội hè. Không thể để khủng bố làm ảnh hưởng đến lối sống của chúng ta. Chúng ta đại diện cho nền văn hóa sẻ chia, hội hè và tự do...” - ông Lang tuyên bố. Đám đông ở quảng trường République vỗ tay tán thưởng.

Cô gái trẻ Louise nói với chúng tôi: “Tôi sẽ không bao giờ để những tên tội phạm điên khùng đó làm hỏng cuộc sống của tôi. Tôi sẽ cẩn thận hơn, nhưng tôi sẽ sống bình thường như trước. Nói thật là tôi có sợ, nhưng tôi sẽ không chôn cuộc đời mình trong bốn bức tường căn hộ đang sống. Với tôi, sống bình thường như trước cũng là một cách phản kháng!”.

Thế đó, Paris cũng vừa bắt đầu một tuần mới. Tiếp tục lặng lẽ đôi chút. Cũng không dễ gì trở lại bình thường như trước sau một biến cố lớn đến vậy...

Bỉ thực hiện hơn 20 cuộc bố ráp

Cảnh sát Bỉ đã bắt giữ 16 nghi can trong 22 cuộc bố ráp tại Brussels và Charleroi của chiến dịch chống khủng bố. Các công tố viên Bỉ cho biết cảnh sát đã không tịch thu được vũ khí trong các cuộc đột kích trên.

“Salah Abdeslam không bị bắt trong chiến dịch lần này” - người phát ngôn công tố viên liên bang Eric Van Der Sypt thông báo. Abdeslam đã trở thành kẻ bị truy nã gắt gao nhất châu Âu sau khi cùng anh trai tham gia tấn công Paris.

Thủ đô Brussels vẫn duy trì tình trạng cảnh báo khủng bố ở mức cao nhất trong hôm qua 23-11. AFP cho biết các trường học và hệ thống tàu điện ngầm vẫn đóng cửa khi Thủ tướng Charles Michel cảnh báo về các mối đe dọa tấn công “nghiêm trọng và sắp xảy ra” tại Brussels tương tự các cuộc tấn công khủng bố đã giết chết 129 người tại Paris.

Cảnh sát Bỉ cũng yêu cầu truyền thông địa phương và các mạng xã hội không đưa những cảnh quay trực tuyến về các chiến dịch của cảnh sát nhằm tránh việc bọn khủng bố biết trước thông tin.

Trong khi đó, cảnh sát Pháp công bố bức ảnh nghi can thứ ba trong ba kẻ đã nổ bom liều chết bên ngoài sân vận động Stade de France tối 13-11. Tên này đến Pháp qua ngõ Hi Lạp cùng một kẻ nổ bom liều chết khác. AFP dẫn nguồn tin thân cận với cuộc điều tra cho biết nghi can này có hộ chiếu Syria mang tên Mohammad al-Mahmod.

A.THƯ

VÕ TRUNG DUNG (từ Paris) - TÚ ANH
Nguồn: Tuoitre.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo