Thế giới

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sắp kết thúc?

Cập nhật lúc 17-11-2018 05:47:15 (GMT+1)
Ảnh: SCMP

 

Tín hiệu tích cực cho cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khi Bắc Kinh gửi văn bản trả lời các yêu cầu của Mỹ về cải cách thương mại.


Trung Quốc (TQ) vừa gửi văn bản trả lời các yêu cầu của Mỹ về cải cách thương mại, Reuters dẫn ba nguồn tin chính phủ Mỹ ngày 14 - 11. Đây là lần đầu tiên TQ nhượng bộ Mỹ về thương mại từ khi cuộc chiến giữa hai nước xảy ra giữa năm nay. Tuy nhiên, theo các nguồn tin, các cam kết của TQ vẫn không đáp ứng các yêu cầu cải cách lớn mà Tổng thống Donald Trump đưa ra.

Ông Trump từng nói rõ ưu tiên của ông là cứng rắn với TQ để nước này thay đổi các chính sách thương mại không công bằng như: Ăn cắp tài sản trí tuệ; buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho mình như một điều kiện để được làm ăn tại TQ; thiếu hụt thương mại với Mỹ; trợ cấp công nghiệp trong nước. Nhưng phần lớn văn bản trả lời của TQ nhắc lại các thay đổi đã thực hiện trước đây, như tăng mức đầu tư nước ngoài ở một số ngành công nghiệp. Văn bản không có các cam kết thay đổi chính sách công nghiệp mà Mỹ yêu cầu, như dự án “Made in China 2025”.

Dù thế các nguồn tin vẫn nhận định động thái này là một tín hiệu tích cực, tạo điều kiện để hai bên nối lại đàm phán. Đàm phán giữa hai nước đã ngừng từ bốn tháng qua và phía Mỹ nói sẽ chỉ khôi phục đàm phán một khi TQ cho thấy thiện chí thay đổi.

Đàm phán được nối lại

Gần đây đàm phán có dấu hiệu được nối lại sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đầu tháng này. Cuối tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin - phụ trách phái đoàn đàm phán Mỹ và Phó Thủ tướng Lưu Hạc - phụ trách phái đoàn đàm phán TQ lần đầu tiên có cuộc trao đổi với nhau sau nhiều tháng.

Ngày 13-11, Thứ trưởng Tài chính Mỹ David Malpass có điện đàm với phía TQ bàn chuyện thương mại. Sau cuộc trao đổi này, hai bên đã khôi phục các cuộc đàm phán cấp thấp hơn. Và theo lời Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Larry Kudlow ngày 13-11 thì hai bên đã khôi phục đối thoại thương mại ở mọi cấp.

Phần TQ, ngày 13-11, Bộ Thương mại nước này cho biết “các phái đoàn kinh tế hai nước đang phối hợp với nhau thực hiện các điều hai lãnh đạo đã thống nhất” và “hy vọng sẽ đạt được kết quả tích cực với sự nỗ lực hai bên”. SCMP ngày 13-11 cho biết Phó Thủ tướng Lưu Hạc sắp bay sang Mỹ đàm phán. SCMP không nói chính xác lịch trình nhưng cho biết ông Lưu Hạc sẽ đi Mỹ trước khi cuộc gặp Trump - Tập diễn ra.

Chưa thể lạc quan

TQ nhượng bộ, đàm phán có dấu hiệu nối lại nhưng nhiều nhà quan sát vẫn bi quan rằng  chặng đường phía trước sẽ rất dài. Theo Bloomberg, một lý do chính khiến nhiều nhà quan sát nghi ngờ tương lai đàm phán là vì nội bộ Mỹ vẫn chưa thống nhất được chủ trương với TQ.

Bộ trưởng Mnuchin, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow ủng hộ sớm có được thỏa thuận và chấm dứt cuộc chiến. Trong khi đó, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro muốn tiếp tục gây áp lực để TQ thực sự thay đổi. Ông Mnuchin là nhân vật đằng sau một khung thỏa thuận được hai nước thống nhất hồi tháng 5 nhưng sau đó bị ông Trump bác bỏ, giữa bối cảnh ông bị nhiều nghị sĩ lưỡng đảng chỉ trích quá nhân nhượng TQ.

"Chúng tôi sẽ có một cuộc gặp tuyệt vời và chúng ta sẽ chờ xem sẽ làm được gì." Tổng thống Trump nói về cuộc gặp sắp tới với ông Tập Cận Bình.

Ông Derek Scissors tại Viện Kinh doanh Mỹ, từng cố vấn chính phủ Trump về quan điểm thương mại với TQ, cho rằng “hai ông Mnuchin và Kudlow không có khả năng tạo được một thỏa thuận thương mại” vì thiếu kinh nghiệm với các cuộc thương lượng khó khăn thế này. Ông cho rằng: “Tôi không nghĩ sẽ có một thỏa thuận thương mại cho tới khi ông Lighthizer can thiệp vào”.

Mọi sự chú ý đang dồn vào cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 ở Argentina cuối tháng này. Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cuối tuần trước cho biết ông cũng không hy vọng gì chuyện hai ông Trump, Tập gặp nhau sẽ giúp giải quyết được cuộc chiến thương mại. Theo ông, vấn đề chính khiến đàm phán bị ngưng trệ là do Mỹ thiếu niềm tin ở TQ.

Trao đổi với Sputnik ngày 14-11, bà Jude Wooward, nữ tác giả cuốn Mỹ - Trung: Chiến tranh lạnh mới của châu Á, dự đoán cuộc gặp sẽ không mang lại bất cứ kết quả nào. Khả năng lớn nhất là Mỹ chỉ tạm dừng tấn công TQ.

Trả lời phỏng vấn Bloomberg ngày 14-11, chuyên gia Scissors cũng dự đoán khả năng lớn nhất cuộc gặp Trump - Tập tới đây mang lại là một thỏa thuận tạm ngừng không có thêm bất kỳ động thái leo thang đánh thuế nhập khẩu nào nữa. Bên cạnh đó, hai bên có thể sẽ đàm phán tích cực hơn nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, theo ông, khác biệt giữa hai bên về các vấn đề như chính sách thương mại TQ, ăn cắp tài sản trí tuệ rất lớn và chưa chắc các cuộc thương lượng sau cuộc gặp Trump - Tập giải quyết được.

Kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn

SCMP dẫn dữ liệu thống kê chính phủ TQ cho thấy người tiêu dùng nước này kiềm chế chi tiêu trong tháng 10, giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang bất an. Họ lo ngại cuộc chiến này có thể ảnh hưởng đến kinh tế đất nước, đến công việc và thu nhập của mình. Dữ liệu Ngân hàng Trung ương TQ cho thấy số cho vay giảm mạnh trong tháng 10, cho thấy một lượng lớn doanh nghiệp đang chần chừ đầu tư vì bất an.

Nhiều nhà phân tích của Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Nomura (Nhật) cho rằng điều xấu nhất cho kinh tế TQ vẫn chưa diễn ra và ảnh hưởng của cuộc chiến này sẽ còn tác động lên tăng trưởng của TQ ít nhất đến giữa năm sau. Theo họ, trong vài tháng tới đây chính phủ TQ có thể sẽ ban hành thêm một số biện pháp kích thích kinh tế nhằm giảm thiểu ảnh hưởng.


Đăng Khoa
Nguồn: plo.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo