Thế giới

Donald Trump 'khai hoả': Mỹ hy sinh, Trung Quốc chịu nhiều 'thương vong'

Cập nhật lúc 24-09-2018 03:09:24 (GMT+1)
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã nổ ra.

 

Donald Trump đã áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc kể từ 24/9 và mức thuế sẽ tăng lên 25% vào cuối năm nay nếu “Trung Quốc có hành động trả đũa”. Như vậy, 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ đã bị đánh thuế cao hơn và nguy cơ còn tăng nếu căng thẳng thương mại không hạ nhiệt. Đây không đơn thuần là cuộc chiến để Donald Trump lấy lại “cân bằng thương mại” cho nước Mỹ.


"Hoả lực' mạnh của Donald Trump

Bình luận việc Mỹ tiếp tục áp thuế 200 tỷ lên hàng hóa Trung Quốc, TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, cho rằng: Đây là động thái mới, nhưng cũng vẫn diễn ra theo những tuyên bố trước đó của chính quyền Trump.

Cả hai đợt áp thuế (16 tỷ trước đây và đợt này) đều diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đã và đang có kế hoạch đàm phán, cho nên có thể cho rằng việc áp thuế lần này đã có dự tính, và thời điểm được lựa chọn theo hướng có lợi nhất, gia tăng sức ép trên bàn đàm phán.

Danh mục trên 6.000 dòng sản phẩm bị áp thuế cho thấy hầu hết các mặt hàng đã được đưa vào sử dụng cho cuộc chiến thương mại này, bao gồm cả hàng phụ trợ, nguyên liệu, lẫn hàng tiêu dung cuối cùng (trừ một số sản phẩm của Apple, mũ bảo hiểm xe đạp, ghế ngồi trẻ em,... ). Điều này sẽ tác động ngay và trực tiếp đến số đông của Mỹ, không chỉ tác động đến một số doanh nghiệp nhập khẩu đầu vào như trước đây mà còn là người tiêu dùng cuối cùng.

“Chính vì thế, có thể cho rằng Mỹ đã hy sinh khá lớn lợi ích để dồn sức cho cuộc chiến này”, ông Thắng nhận định. “Tuy nhiên, cũng cần chú ý là các cuộc đàm phán vẫn đang được lên kế hoạch và mục tiêu của Mỹ là gì vẫn chưa rõ ràng”. 

Với hành động ăn miếng trả miếng của cả hai bên, TS Trần Toàn Thắng đánh giá “cuộc chiến thương mại đã nổ ra”.

Nguyên nhân của cuộc chiến, đến thời điểm này có thể đánh giá “cân bằng thương mại không phải là lý do duy nhất”.

“Trong nhiều trường hợp, người ta sẽ hy sinh lợi ích ngắn hạn để đạt được mục tiêu thay đổi luật chơi, cũng hạn chế các tầm ảnh hưởng dài hạn của đối thủ. Có nhiều thông tin cho thấy lý do địa chính trị, ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, hoặc lý do ngăn chặn rò rỉ công nghệ, hoặc tốc độ phát triển công nghệ được nhiều người đề cập hơn. Tuy nhiên, tại thời điểm này có thể nói là rất khó đoán định được các bước tiếp theo”, ông Trần Toàn Thắng chia sẻ.

Ông Lê Hải Mơ, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, trong bài nghiên cứu tại kỷ yếu Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018 tổ chức ngày 20/9, đánh giá: Cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc phản ánh sự đổi thay của thế giới ngày nay. Các nước cạnh tranh rất gay gắt về cả kinh tế và chính trị, dự kiến chưa sớm kết thúc, đồng thời phản ánh mong muốn về một trật tự thế giới mới, khác với trật tự thế giới do Hoa Kỳ xác lập.

“Nó là sự chuyển dịch sức mạnh của các quốc gia, của các khu vực, chứ không chỉ là vấn đề thương mại đơn thuần. Không nên chỉ xem chiến tranh thương mại là giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, mà đây là trận chiến nhiều tuyến: cuộc chiến giữa Hoa Kỳ với châu Âu, giữa Hoa Kỳ với Canada,... ”, ông Lê Hải Mơ nhận định trong bài viết.

Quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang rất căng thẳng.

Trung Quốc khó phản đòn mạnh

Khi Trung Quốc mới chỉ bị Mỹ đánh thuế 34 tỷ USD, ông Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, đã có nghiên cứu đánh giá: Thiệt hại với cả hai bên là chắc chắn nhưng Trung Quốc sẽ chịu nhiều thương vong hơn.

Thời điểm này, nền kinh tế Mỹ đang mạnh, trong khi Trung Quốc lại tăng trưởng chậm lại và rất cần sự ổn định để giải quyết nhiều rủi ro dồn tích của nền kinh tế trong vài năm gần đây như nợ xấu, bong bóng bất động sản, dư thừa công suất,... Quan trọng hơn, Trung Quốc cần sự ổn định để cấu trúc lại nền kinh tế chuyển lên trình độ cao hơn dựa vào công nghệ cao.

“Nếu xung đột leo thang, Trung Quốc sẽ không thể cấu trúc lại được nền kinh tế, thậm chí có thể phải gánh chịu khủng hoảng tài chính vì tình trạng vỡ nợ trở nên mất kiểm soát”, ông Bùi Ngọc Sơn nhận định.

Khi ấy, theo ông Sơn, Trung Quốc sẽ phải nhượng bộ trước và xung đột sẽ dừng lại ở đó.

Còn tác động của cuộc chiến tới Việt Nam, TS Trần Toàn Thắng cho rằng: “Cơ hội mặc dù có nhưng không phải là quá lớn”.

Còn theo tính toán, cuộc chiến có tác động tiêu cực tới GDP của Việt Nam, làm giảm khoảng -0.5% tăng trưởng thời điểm cao nhất (2022, 2023) sau đó tác động giảm dần. Tác động này không tính đến vấn đề biến động tỷ giá cũng như các đối sách tức thời của các đối tác của Việt Nam. Nhìn vào tăng trưởng của 2018, cho thấy có thể xuất khẩu sẽ tăng cao hơn một chút so với mục tiêu trên 8%, tuy nhiên, lợi ích của xuất khẩu cho tăng trưởng hiện nay đã có xu hướng giảm.

Vì thế, ông Thắng cho rằng tác động rủi ro tỷ giá sẽ rất lớn, ảnh hưởng tới lãi suất và lạm phát, kéo theo đó là tăng trưởng.

“Có ngành được lợi, có ngành thiệt hại, vì vậy cần nhiều thời gian để phân tích hơn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn cần tìm mọi cách để có phản ứng tỷ giá phù hợp với diễn biến mới, đặc biệt là chú ý tới dự trữ ngoại hối và thu hút thêm FDI để cái thiện cán cân ngoại hối. Đồng thời phải phân tích sâu hơn”, ông Trần Toàn Thắng lưu ý.

Theo ông Lê Hải Mơ, cả Mỹ và trung Quốc, EU đều là những thị trường lớn của Việt Nam. Do đó, nếu các nền kinh tế lớn này bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại thì tác động rất lớn đến Việt Nam chứ không chỉ giản đơn như báo chí đã đề cập. Tác động với Việt Nam thế nào là một đề tài rất rộng lớn phải nghiên cứu rất sâu và có đối sách bài bản, toàn diện.

Tuy nhiên, tác động tiêu cực có thể thấy. Trong đó, tác động tiêu cực rất cần quan tâm là sự xáo động về tiền tệ, tài chính. Đây vốn là vấn đề rất nhạy cảm bởi nó ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô nếu không có giải pháp điều hành phù hợp.

Nguồn: Lương Bằng / Vietnamnet.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo