Thế giới

Donald Trump làm căng, Bắc Kinh hành động 10 năm hiếm gặp

Cập nhật lúc 27-05-2020 15:34:37 (GMT+1)
Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc tụt giảm mạnh.

 

Chính quyền Bắc Kinh chủ động hạ giá đồng Nhân dân tệ trong bối cảnh căng thẳng Trung Quốc với nhiều nước, trong đó có Mỹ leo thang và tình hình bất ổn tại Hong Kong có dấu hiệu lên đỉnh điểm.


Nhân dân tệ xuống đáy 12 năm

Thị trường tài chính phiên đầu tuần mới chứng kiến một biến động mới khiến giới đầu tư lo lắng: đồng Nhân dân tệ - CNY của Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua, trong khi đồng USD tăng giá bất chấp nước Mỹ duy trì lãi suất thấp sát 0% và cam kết tiếp tục bơm tiền để hỗ trợ nền kinh tế.

Một đồng Nhân dân tệ suy giảm mạnh có thể dẫn tới nhiều tác động tiêu cực và là tâm điểm thu hút sự chú ý của các nước. Áp lực từ Bắc Kinh có thể đẩy các nước vào một cuộc chiến tiền tệ mới.

Trong phiên giao dịch 25/5, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) bất ngờ quyết định hạ tỷ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ (NDT) xuống mức 7,1209 NDT đổi 1 USD - thấp nhất kể từ ngày 28/2/2008.

Đồng NDT giảm giá trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang, đại dịch Covid-19 làm 100 ngàn người Mỹ tử vong. Nước Mỹ bắt đầu có những phương án trừng phạt Trung Quốc sau khi cáo buộc Bắc Kinh chậm trễ trong việc ngăn chặn dịch. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thậm chí cho rằng, Trung Quốc nên đóng góp 9.000 tỷ USD để bù đắp thiệt hại cho thế giới do đại dịch Covid-19 gây ra, khiến 300 ngàn người tử vong, nước Mỹ mất hơn 36 triệu việc làm.

Đồng NDT cũng bị bán tháo sau khi Trung Quốc đề xuất áp luật an ninh quốc gia mới với Hong Kong để ứng phó với bất ổn chính trị tại đặc khu này. Theo đó, dự luật này nếu được ban hành sẽ cấm Hong Kong ly khai và cấm sự can thiệp từ bên ngoài đối với Hong Kong. Dự thảo nghị quyết nói trên không chỉ gây phẫn nộ trong dư luận Hong Kong, mà còn gây phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ.

Những mâu thuẫn về thương mại giữa Trung Quốc với nhiều nước, trong đó có Mỹ, Úc cũng có thể là nguyên nhân khiến PBOC giảm mạnh giá trị đồng Nhân dân tệ.

Gần đây, truyền thông Trung Quốc đưa ra cảnh báo cho biết nước Úc sẽ hứng chịu trừng phạt kinh tế nếu ủng hộ Mỹ trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung Quốc leo thang.

Trước đó, ông Pompeo đã chỉ trích Trung Quốc về việc đe dọa Úc chỉ vì nước nầy yêu cầu mở cuộc điều tra độc lập trên quy mô quốc tế về nguyên nhân và nguồn gốc dịch bệnh. Sau những cuộc khẩu chiến, hôm 19/5, chính quyền Bắc Kinh đã áp thuế 80,5% đối với lúa mạch nhập khẩu từ Úc với lý do nghi ngờ vi phạm thương mại. Canberra sau đó cho biết, họ đang xem xét kiện quyết định của Bắc Kinh lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Một cuộc chiến mới, thị trường tài chính thế giới bất định

Quyết định hạ tỷ giá tham chiếu chính thức đồng NDT xuống mức thấp không phải là điều mới mẻ. Trong năm 2019, POBC đã nhiều lần hạ mạnh giá tham chiếu đồng NDT mỗi khi Washington áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc và nâng nhẹ NDT trở lại khi 2 bên thống nhất được một vòng đàm phán thương mại mới (như hồi đầu tháng 10/2019).

“Quân bài NDT” thường được dùng như một biện pháp đáp trả, xoáy vào điểm mà tổng thống Mỹ Donald Trump lo ngại nhất. Một đồng NDT yếu hơn sẽ giúp Trung Quốc có tính cạnh tranh cao hơn khi xuất khẩu hàng hóa. Nó cũng giúp giảm những thiệt hại do thuế quan Mỹ gây ra.

Quan hệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng.

Hồi tháng 8/2019, Chính quyền ông Donald Trump đã chính thức cáo buộc Trung Quốc “thao túng tiền tệ” khi mất niềm tin vào các cuộc đàm phán với Trung Quốc. Tuy nhiên, sau đó Washington không còn đề cập tới vấn đề này khi đồng NDT tăng giá trở lại sau khi hai cường quốc ngồi vào bàn đàm phán và có thỏa thuận giai đoạn 1 cuối 2019 đầu 2020.

Tuy nhiên, đến nay, quan hệ Mỹ-Trung Quốc lại trở nên xấu hơn bao giờ hết. Thỏa thuận thương mại có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, hai quốc gia này có thể chìm vào một cuộc chiến tranh lạnh kéo dài.

Đồng NDT được cho là sẽ khó hồi phục trở lại còn do nền kinh tế Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong báo cáo thường niên hôm 22/5, Chính phủ Trung Quốc đã “để ngỏ” mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm 2020, vì những bất ổn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Mâu thuẫn ngày càng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh có thể sẽ gây thêm áp lực cho đồng tiền tệ của Trung Quốc. Một đồng NDT thấp có thể buộc hàng loạt quốc gia trên thế giới, nhất là các thị trường mới nổi, phải hạ giá đồng tiền. Nó cũng có thể thị trường tài chính thế giới, nhất là ở các thị trường mới nổi bất ổn.

Thị trường tiền tệ của nhiều nền kinh tế mới nổi đang đứng trước nguy cơ sụp đổ với những ảnh hưởng sâu sắc nhất kể từ năm 2015, khi đồng NDT lao dốc khiến các thị trường tài chính toàn cầu hoảng loạn. Trong quý 1, chỉ số MSCI theo dõi biến động chung của các thị trường tiền tệ mới nổi đã giảm 6%, mạnh nhất kể từ 2015. Nhiều đồng tiền đã giảm hàng chục phần trăm như rand của Nam Phi, real của Brazil, lira của Thổ Nhĩ Kỳ, rupiah của Indonesia,...

Xu hướng sụt giảm giá trị đồng tiền các nền kinh tế mới nổi làm gia tăng lo ngại liên quan đến triển vọng tài chính công của các quốc gia này. Điều đó làm tăng gánh nặng nợ định giá bằng đồng USD.

Các nền kinh tế mới nổi được xem có thể sẽ trở thành một điểm đen bất ổn mới trên thế giới.

Rất nhiều quốc gia mới nổi, nhất là khu vực châu Á, không chỉ hạ lãi suất điều hành mà còn thông qua các gói giải cứu kinh tế quy mô lớn chưa từng có để kích thích hoạt động kinh tế. Hầu hết các nước đã phải tạm thời gác lại các quy tắc kỷ luật tài khóa được đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Theo đánh giá của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), dự báo thâm hụt ngân sách chung của các nền kinh tế mới nổi sẽ đạt mức tương đương 8,9% GDP trong năm nay, cao hơn 1,8 lần so với mức ước tính được đưa ra vào mùa Thu năm 2019. S&P Global Rating đã hạ cấp xếp hạng của 15 quốc gia kể từ tháng 1/2020 với lý do yếu kém tài chính. Cùng với đó, khoảng 10 quốc gia khác cũng đang có nguy cơ tiếp tục xuống hạng. Nguy cơ xảy ra một cơn bão tài chính tại các thị trường mới nổi đang rõ hơn bao giờ hết.

Nguồn: V. Hà/ Vietnamnet.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo