Thế giới

Đức sẽ mãi chi tiền để cứu châu Âu?

Cập nhật lúc 19-10-2020 03:42:09 (GMT+1)
Châu Âu tranh cãi về kế hoạch chi tiêu 390 tỷ USD cứu các nền kinh tế trong đại dịch.

 

EU đã vạch ra một kế hoạch ngân sách dài hạn hoành tráng để hỗ trợ khắc phục đại dịch toàn cầu nhưng Đức đang nêu nhiều điều kiện thực thi. 


Tờ Die Welt của Đức cho biết, trong nhiều tuần, Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên đã đàm phám về kế hoạch ngân sách dài hạn sắp tới của EU cùng các kế hoạch tái thiết.

Để giúp châu Âu phục hồi sau những hậu quả kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra, EC đã đề xuất một kế hoạch kích thích trị giá 750 tỷ euro (khoảng 390 tỷ USD), cùng một gói sửa đổi ngân sách dài hạn tiếp theo của liên minh (trong giai đoạn 2021-2027).

Kế hoạch này, được gọi là Ngân sách "Thế hệ tiếp theo của EU", sẽ cho phép EC vay tiền trên thị trường tài chính và tận dụng mức xếp hạng tín dụng cao của mình để đảm bảo chi phí vay thấp.

Nhưng đến nay, kế hoạch đang có nguy cơ trì hoãn vì nền kinh tế đầu tàu EU, cũng là chủ tịch luân phiên EU năm nay - Đức - đang đưa ra các điều kiện để hưởng sự hỗ trợ này.

Tờ báo Đức cho biết, có hai vấn đề trong đàm phán cần được thống nhất, bao gồm việc các nghị sỹ đang kêu gọi bổ sung 39 tỷ euro tiền ngân sách cho các chương trình của EU như y tế, di cư và nghiên cứu châu Âu.

Vấn đề thứ hai là câu hỏi làm cách nào để việc thanh toán ngân sách có thể được liên kết với việc liệu các nước nhận viện trợ có tuân thủ pháp luật hay không vẫn chưa có câu trả lời. Về vấn đề này, Hungary và một số nước khác đang phản đối kịch liệt ý kiến của Đức.

Nghị sỹ Monika Hohlmeier - người dẫn đầu các cuộc đàm phán - nói rằng: "Chúng tôi sẽ chỉ đồng ý với một thỏa hiệp, trong đó nêu rất rõ ràng rằng việc tuân thủ các tiêu chí cơ bản của pháp quyền là điều kiện tiên quyết để bảo vệ lợi ích tài chính của EU."

Điều này có nghĩa là phải đảm bảo về một cơ quan tư pháp độc lập, hành chính nhà nước trung lập và báo chí tự do đưa tin.

Đại sứ Đức tại EU Michael Clauss, người thay mặt các nước thành viên đàm phán, muốn hoàn tất đàm phán vào cuối tháng này. Tuy nhiên, các câu hỏi trọng tâm vẫn chưa được trả lời và quỹ tái thiết có thể sẽ không sẵn sàng vào tháng 1/2021 như kế hoạch.

Sự kiên quyết của các nghị sĩ Đức về kế hoạch này cho thấy họ đang rất sẵn sàng yêu cầu một sự đảm bảo minh bạch về tài chính trong nội khối, giữa lúc đại dịch tác động lên toàn bộ các nền kinh tế lớn nhỏ và quốc gia nào cũng cần tiền để khôi phục tình trạng khó khăn của đất nước khi đại dịch lây lan và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Rõ ràng là với các kinh nghiệm trước đây, EU mong muốn kế hoạch phải được xem xét kỹ lưỡng trong khả năng xảy ra tham nhũng, hoặc các nước muốn nhận tiền hỗ trợ để theo đuổi các mục tiêu kinh tế không theo các tiêu chí mà EU đưa ra.

Chương trình mang tên "Thế hệ tiếp theo của EU" được ca ngợi là một bước đột phá lớn, bởi chưa bao giờ EU vay nợ để tài trợ cho các khoản chi tiêu, chứ đừng nói gì đến việc viện trợ không hoàn lại và cho các nước thành viên vay.

Nhưng theo các chuyên gia, kế hoạch dường như không thực sự hoành tráng đến vậy. Con số 390 tỷ euro viện trợ được chi trong vài năm thoạt nhìn là một khoản tiền lớn, nhưng nó thực sự chỉ chiếm chưa đến 3% GDP của EU.

Còn trên thực tế, hỗ trợ tài chính đã được các nước thành viên hàng đầu của EU cam kết chiếm tới 7-12% GDP quốc gia và trong tương lai còn nhiều hơn đáng kể, bởi nó vẫn đang trong quá trình thực hiện.

Theo tính toán của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), viện trợ cho các khoản trả nợ dự kiến ​​phải trả của các nước bao gồm 4% GDP đối với Tây Ban Nha, 5% đối với Bồ Đào Nha và 8% đối với Hy Lạp. Con số này cao hơn 2,6% GDP viện trợ mà Mỹ cấp cho châu Âu theo Kế hoạch Marshall (Kế hoạch tái thiết châu Âu sau Thế chiến II).

Về tổng thể, số tiền hỗ trợ này là khá khiêm tốn, các quốc gia vẫn phải chịu trách nhiệm chính trong ngăn chặn đại dịch. Nhưng đối với một số nền kinh tế nhỏ, khoản tiền như vậy vẫn có thể "thay đổi số phận của họ".

Bên cạnh đó, một trong những điều giới chuyên gia quan tâm là khoản tiền của EU sẽ cấp vào thời điểm nào. 27 quốc gia thành viên EU lại sẽ phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm đại dịch khác nhau và nhu cầu cần tiền cũng sẽ khác nhau. Nếu khoản tiền hỗ trợ này luôn được sẵn sàng để "ai cần mới đến lấy" thì đây chắc chắn là một kế hoạch thành công nhưng thông thường, chúng sẽ được cấp trễ hơn so với kế hoạch.

Theo ECB, chỉ có dưới 10% số tiền dự kiến ​​sẽ được thanh toán vào năm 2021; do đó, trên thực tế, trách nhiệm duy trì sự phục hồi vẫn thuộc về các quốc gia thành viên của EU.

Ngay cả vào năm 2022, sẽ còn quá sớm để các nước trao cả trọng trách vào tay EU và cắt giảm các gói kích thích quốc gia của mình.

Một vấn đề khác là EU đang muốn tập trung vào nền kinh tế xanh và họ đặc biệt chú trọng đến việc liệu tiền có giải quyết các vấn đề đặc biệt quan trọng trong quan điểm của châu Âu là năng suất thấp, “thất nghiệp cơ cấu”, bất bình đẳng và sự phụ thuộc vào các công nghệ sử dụng nhiều carbon hay không?
 
Được biết, Đức đang tích cực thúc đẩy việc hoàn thiện kế hoạch kinh tế nói trên và giới nghị sĩ Đức cũng đang rất nỗ lực để thúc ép công việc này không thể được xét duyệt vội vàng.

Nghị sỹ đảng Xanh của Đức Daniel Freund nói rằng Chính phủ Đức đang chạy theo Thủ tướng Hungary Viktor Orbán thay vì đưa ra một đề xuất mới nhằm tìm được tiếng nói của đa số.

Nghị sỹ này nhấn mạnh “Nếu các quốc gia thành viên không thay đổi, một thỏa thuận vào cuối tháng Mười là hoàn toàn không thực tế.”

Nguồn: Hải Lâm/ Baodatviet.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo