Thế giới

EU đối mặt khủng hoảng sau phán quyết 'đùa với lửa' của Ba Lan

Cập nhật lúc 08-10-2021 16:47:41 (GMT+1)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

 

Một phán quyết của tòa án Ba Lan, thách thức tính tối cao của luật pháp Liên minh châu Âu (EU) đang đẩy EU vào một cuộc khủng hoảng hiện hữu và gia tăng khả năng Ba Lan sẽ rời khỏi khối.


Tranh cãi nổ ra sau khi Tòa án Hiến pháp Ba Lan ngày 7/10 ra phán quyết rằng, một số phần trong luật pháp EU không phù hợp với hiến pháp của nước này.

Theo Reuters, các chính trị gia trên khắp châu Âu đã lên tiếng bày tỏ sự thất vọng về động thái trên của Ba Lan, với lí do phán quyết sẽ phá hoại trụ cột pháp lý của EU.

"Chúng ta phải tuyên bố rõ ràng rằng Chính phủ Ba Lan đang đùa với lửa. Tính tối cao của luật pháp EU là điều cần thiết cho sự thống nhất của châu Âu và việc cùng chung sống ở châu lục. Nếu nguyên tắc này bị phá vỡ, châu Âu như chúng ta biết, như đã được xây dựng bằng các hiệp ước Rome, sẽ không còn tồn tại", Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn nhấn mạnh khi đến dự một cuộc họp của các bộ trưởng EU tại Luxembourg.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, bà "quan ngại sâu sắc" vì phán quyết của Tòa án Hiến pháp Ba Lan. Quan chức này khẳng định, EC sẽ làm mọi thứ trong quyền hạn để đảm bảo tính tối cao của luật pháp EU.

Trong khi đó, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã lên tiếng hoan nghênh động thái của tòa án nước này. Ông Morawiecki cũng khẳng định, Ba Lan muốn tiếp tục được ở lại EU (Ba Lan gia nhập liên minh chính trị - thương mại này vào năm 2004), nhưng mỗi quốc gia thành viên cần được đối xử một cách công bằng và tôn trọng.

Warsaw từ lâu đã mâu thuẫn với Brussels về các tiêu chuẩn dân chủ và tính độc lập của cơ quan tư pháp. Song, phán quyết mới của Tòa án Hiến pháp Ba Lan đã đưa Warsaw và Brussels vào thế đối đầu hoàn toàn.

Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune gọi đây là "một cuộc tấn công nhằm vào EU", có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Warsaw. Tuy nhiên, phát biểu trên kênh truyền hình BFM, ông Beaune nói không muốn Ba Lan rời khỏi liên minh quy tụ 27 nước thành viên.

Chính phủ Ba Lan cũng thông báo có kế hoạch rời EU (Polexit). Không giống như Anh trước quá trình trưng cầu dân ý rút khỏi khối (Brexit) vào năm 2016, sự ủng hộ của người dân Ba Lan về tư cách thành viên EU vẫn rất cao.

Nguồn: Tuấn Anh/ Vietnamnet.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo