Thế giới

EU: Họp thượng đỉnh về ngân sách

Cập nhật lúc 07-02-2013 16:22:51 (GMT+1)
Thủ tướng Anh David Cameron (trái) và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (phải) trao đổi với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Trụ sở

 

Các lãnh tụ khối Liên hiệp Âu châu (EU) chuẩn bị có kỳ họp thượng đỉnh hai ngày tại Brussels nhằm đạt thỏa thuận cho vấn đề chi tiêu của EU trong bảy năm tới.


Chủ đề chi phí cao của EU vào thời điểm cần phải cắt giảm chi phí và thắt lưng buộc bụng trên toàn châu lục là vấn đề chính gây chia rẽ giữa 27 quốc gia thành viên.

Các nước đã không đạt được thỏa thuận tương tự tại kỳ họp thượng đỉnh hồi tháng 11 năm ngoái.

Chủ biên chuyên về Âu châu của BBC, Gavin Hewitt nói rằng kỳ họp thượng đỉnh hầu như sẽ chắc chắn đòi cắt giảm trong quản trị EU.

Tuy nhiên, bất kể nội dung đạt được là gì thì nó vẫn cần phải được đưa qua Quốc hội châu Âu, trong lúc các dân biểu EU lại rất ủng hộ việc chi tiêu trong EU, ông nói thêm.

Ủy hội EU, tức cơ quan điều hành EU, ban đầu muốn mức trần ngân sách là 1,025 nghìn tỷ euro cho thời gian 2014-2020, tăng 5%. Trong tháng 11 con số này được cắt xuống 973 tỷ euro và sau đó được điều chỉnh xuống còn 943 tỷ euro.

Tuy nhiên, cùng với các khoản cam kết chi tiêu khác của EU thì con số tổng ngân sách sẽ vẫn vào khoảng 1,011 nghìn tỷ euro.

Anh Quốc, Đức và các nước bắc Âu khác muốn giảm mức chi tiêu của EU xuống, nhằm phản ánh tình trạng cắt giảm của các chính phủ trên châu lục.

Chính phủ Anh hôm thứ Tư nói rằng Thủ tướng David Cameron muốn đạt thỏa thuận nhằm giảm mức chi tiêu của EU, tuy thừa nhận rằng đây là việc khó khăn.

Một nguồn tin EU nói với BBC News rằng bất kỳ khoản cắt giảm nào có lẽ cũng nên được thực hiện nhằm tăng khoản chi tiêu có liên quan trong các lĩnh vực như năng lượng, giao thông, kinh tế kỹ thuật số và nghiên cứu.

Các khoản chi tiêu lớn nhất - nông nghiệp và phát triển khu vực - sẽ được bảo vệ do lợi ích quốc gia, nguồn tin giấu tên trên cho biết.

Nhân nhượng

 
 
 
 


Tương lai không mấy sáng sủa của EU khiến Thủ tướng Anh, David Cameron nói ông sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về mối quan hệ của Anh với EU nếu ông thắng cử nhiệm kỳ tới

Một nhóm khác, do Pháp và Ý dẫn đầu, muốn duy trì chi tiêu nhưng hướng nhiều hơn vào việc đầu tư nhằm tạo thêm công ăn việc làm.

Tổng thống Pháp Francois Hollande nói với các phóng viên hôm Chủ Nhật rằng các điều kiện "vẫn chưa sẵn sàng" cho việc đạt thỏa thuận, nhưng cũng ra tín hiệu rằng Paris sẽ chấp nhận nhân nhượng.

Ông và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có các cuộc họp tại Paris hôm thứ Tư, trước khi tới xem một trận bóng đá Pháp - Đức.

Phát ngôn nhân của bà Merkel nói bà và Tổng thống Hollande đã có "một cuộc họp ngắn gọn nhưng nhiều nội dung... nhằm xem xem có thể đạt được thỏa thuận kiểu gì".

Bà Merkel - được coi như nhà trung gian quyền lực tại cuộc họp thượng đỉnh - đã thừa nhận rằng các cuộc đàm phán sẽ "rất khó khăn".

Tại Brussels, phát ngôn nhân của Quốc hội Âu châu cảnh báo rằng các khoản cắt giảm nặng nề sẽ khiến Ủy hội không thể hoạt động, trong lúc EU đang đoàn kết hơn nữa trong việc đối phó cuộc khủng hoảng tài chính.

Việc phân rẽ trong EU phản ánh khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia châu Âu và giữa các nước phải trông chờ vào ngân khoản do EU cấp.

Lập luận cho rằng cần tăng chi tiêu được các nước như Ba Lan, Hungary và Tây Ban Nha ủng hộ. Đây là các nước nhận được ngân khoản từ EU nhiều hơn so với khoản đóng góp.

Các nước khác, hầu hết là các nước đóng góp, nói rằng đây là điều không thể chấp nhận được trong thời điểm đang phải thắt lưng buộc bụng.

Đức, Anh, Pháp và Ý là các nước đóng góp nhiều nhất cho ngân sách EU, chiếm chừng 1% tổng GDP của toàn EU.

Các nhà phân tích nói việc không đạt được thỏa thuận ngân sách cho bảy năm tới sẽ khiến EU phải quay trở lại việc tăng ngân sách hàng năm cao hơn.

Nguồn: BBC

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo