Thế giới

Giới chức Anh điều tra vũ khí quyền lực mềm của Trung Quốc, dấy lên mối quan tâm toàn cầu

Cập nhật lúc 19-06-2018 09:37:09 (GMT+1)

 

Nhân danh Khổng Tử, chế độ Trung Cộng đã thành lập tổ chức học thuật trá hình mang tên nhà hiền triết nổi tiếng thời Xuân Thu ở các trường học trên khắp thế giới – Viện Khổng Tử, mục đích không chỉ để quảng bá, tăng cường quyền lực mềm dưới chiêu bài học thuật mà còn áp đặt các tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dưới lăng kính đã được định hướng lên giới học thuật. Nói cách khác, Viện Khổng Tử đóng vai trò là một vũ khí quan trọng trong hành trình hiện thực hóa giấc mơ quyền lực mềm của chế độ Trung Cộng. 


Viện Khổng Tử được quảng bá trước thế giới như một trung tâm giảng dạy tiếng Trung và giao lưu văn hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, giới chức an ninh các nước lại nhận xét rằng Viện Khổng Tử không hề mỹ miều như cái danh xưng “đại sứ học thuật” hay sứ mệnh “giao lưu văn hóa Trung Hoa” của nó, mà thực chất tổ chức nhân danh nhà hiền triết này được thành lập để thúc đẩy chiến dịch tuyên truyền của ĐCSTQ và loại trừ những ai có niềm tin vào các chân giá trị truyền thống Trung Quốc.

Vào đầu năm nay, Ủy ban Nhân quyền thuộc Đảng Bảo thủ Anh đã mở cuộc điều tra Viện Khổng Tử và dự kiến kết quả điều tra dự kiến sẽ được công bố trước tháng 7 năm nay. Ông Benedict Rogers, Phó Chủ tịch Ủy ban, cho biết: “Nếu chỉ đơn giản là dạy ngôn ngữ và quảng bá văn hóa, tôi nghĩ mọi người sẽ chào đón Viện Khổng Tử. Nhưng thực tế thì nó lại rao giảng các tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, việc Viện Khổng Tử được đóng ở các trường đại học và gây ảnh hưởng đến các quyền tự do học thuật là điều cần được đặc biệt quan tâm”.

Tại Anh, có 29 Viện Khổng Tử và 127 lớp học Khổng Tử được mở trong các trường đại học như Manchester, Cardiff, Newcastle, Nottingham và University College London. Theo cuộc điều tra của Ủy ban Nhân quyền thuộc Đảng Bảo thủ Anh, tính đến hiện tại, trên thế giới đã có khoảng 500 Viện Khổng Tử và mục tiêu của Trung Quốc là trước năm 2020 sẽ mở tổng cộng 1000 Viện Khổng Tử.

Vào ngày 5/6 vừa qua, bộ phim tài liệu đạt các giải thưởng quốc tế In the name of Confucius(tạm dịch Dưới danh nghĩa Khổng Tử), do đạo diễn người Canada Doris Liu sản xuất đã được công chiếu tại Quốc Hội Anh. Bộ phim dựa trên một câu chuyện có thật về cô Sonia Zhao, một giáo viên dạy tiếng Trung ở Viện Khổng Tử. Đây cũng là bộ phim tài liệu đầu tiên nêu lên những cuộc tranh luận toàn cầu về Viện Khổng Tử, một học viện được chế độ Trung Cộng đầu tư lên đến hàng tỷ đô la với danh nghĩa dạy tiếng Trung, một vũ khí quyền lực mềm ẩn dưới danh xưng “đại sứ học thuật Trung Quốc”.

In the name of Confucius tái hiện lại câu chuyện của cô Sonia, một học viên Pháp Luân Công bị gây áp lực trong việc kí hợp đồng giảng dạy với Viện Khổng Tử khi hợp đồng này quy định những người làm việc cho Viện Khổng Tử không được phép tập luyện Pháp Luân Công, môn khí công tu luyện tâm và thân bị ĐCSTQ đàn áp tàn bạo tại Trung Quốc kể từ năm 1999.

Câu chuyện xâm phạm quyền tự do ngôn luận và tín ngưỡng đằng sau cánh cửa Viện Khổng Tử bị cô Sonia phơi bày đã dẫn đến sự kiện Viện Khổng Tử lần đầu tiên bị đóng cửa ở Bắc Mỹ và cuộc phản đối kịch liệt chưa từng có tiền lệ của công chúng Canada đối với Hội đồng giáo dục lớn nhất Canada – Toronto District School Board – về kế hoạch mở Viện Khổng Tử lớn nhất thế giới. Những nguy cơ mà Viện Khổng Tử gây ra đối với xã hội – tự do học thuật, các giá trị nhân quyền bị xâm phạm và những mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia – cũng được phân tích qua bộ phim này.

Theo bà Doris Liu, giám đốc sản xuất của In the name of Confucius, nếu xét theo các tiêu chuẩn phương Tây thì một số tài liệu giảng dạy được sử dụng tại Viện Khổng Tử có thể được coi là tuyên truyền thù hận.

Bà Doris Liu cũng nói thêm rằng “Viện Khổng Tử cấm giảng viên là những người có niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng hoặc các quan điểm chính trị nào đó. Nhân vật trong bộ phim của tôi, Sonia Zhao, cô ấy kể với tôi rằng trước lúc sang Canada, cô ấy được tập huấn ở Bắc Kinh và được yêu cầu là tránh nói đến các chủ đề như Tây Tạng, Pháp Luân Công trong lớp học. Nếu cô ấy được học sinh hỏi về các vấn đề này, cô ấy phải nói rõ chủ trương của ĐCSTQ”.

Trước đó, vào năm 2009, nguyên Trưởng ban Tuyên truyền của ĐCSTQ Lý Trường Xuân đã mô tả các Viện Khổng Tử như là “một phần quan trọng trong chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc ở nước ngoài”.

Trong buổi công chiếu bộ phim, ông Benedict Rogers, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền thuộc Đảng Bảo thủ Anh đã phát biểu rằng “Mặc dù bộ phim dựa trên một sự kiện có thật tại Canada nhưng các mối quan tâm về Viện Khổng Tử không chỉ dừng lại ở Canada mà nó có tính toàn cầu… Những gì được kể chi tiết trong bộ phim, cụ thể tại Canada, đang xảy ra trên toàn thế giới, ở những nơi mà Viện Khổng Tử hiện diện”.

Theo bà Miriam Lexmann, Giám đốc Văn phòng của Viện Cộng hòa Quốc tế ở châu Âu (IRI EU Office), bộ phim In the name of Confucius nêu bật vấn đề quyền tự do dân chủ có thể bị thay đổi nhanh chóng như thế nào. “Chúng ta cần bảo vệ quyền tự do học thuật ở thế giới phương Tây… Chúng ta cần đảm bảo những ai được hưởng nền dân chủ nhận thức được rằng dân chủ có thể dễ dàng tuột mất như thế nào và mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng như thế nào”.

Đồng tình với bà Lexmann, Tiến sĩ Niall McCrae giảng dạy tại trường King’s College London, cho rằng ban quản trị ở các trường đại học phương tây có vẻ như khá ngây thơ khi đối diện với Viện Khổng Tử. “Thành thật mà nói thì tôi không biết về mối đe dọa của Viện Khổng Tử cho đến gần đây. Tôi biết rằng có nhiều sinh viên Trung Quốc ở trường đại học của tôi, nhưng có điều mà tôi không biết đó là có một hoặc hai trong các nhóm sinh viên Trung Quốc này thực chất là đang làm gián điệp cho chính quyền Trung Quốc, bí mật theo dõi những sinh viên khác. Loại gián điệp này khiến tôi hoàn toàn bị sốc”.

Ông McCrae cũng nói thêm rằng cần gây nhiều sức ép hơn nữa để cảnh báo các nhà quản trị trường học về vấn đề này. “Chúng ta không nên lo lắng về quan điểm bài ngoại. Mục đích của việc gây sức ép là để giúp đỡ, trước tiên và trên hết là giúp đỡ sinh viên Trung Quốc”.

Song song với việc Ủy ban Nhân quyền thuộc Đảng Bảo thủ Anh mở cuộc điều tra Viện Khổng Tử, vào đầu năm nay, Cục điều tra Liên bang Mỹ FBI trong phiên điều trần ngày 13/02/2018 trước Ủy ban Tình báo Thượng viện về các mối đe doạ trên toàn thế giới cũng cho biết FBI đang tiến hành điều tra Viện Khổng Tử. Giám đốc FBI Christopher Wray đã cảnh báo giới học thuật về hoạt động gián điệp của Viện Khổng Tử trong các trường đại học, cao đẳng của Mỹ.

Được đầu tư chi phí hoạt động lên đến hàng tỷ đô la, Viện Khổng Tử không chỉ đóng vai trò là vũ khí quyền lực mềm của ĐCSTQ để truyền bá tư tưởng của chế độ Trung Cộng ra thế giới, định hướng luận đàm học thuật, kiểm soát quyền tự do học thuật mà nguy hiểm hơn, tổ chức nhân danh nhà hiền triết Khổng Tử còn dính liếu đến hoạt động gián điệp và ăn cắp trí tuệ. Trước FBI, cơ quan tình báo an ninh Canada (CSIS) đã từng cảnh báo về vấn đề Viện Khổng Tử có dính liếu đến các phi vụ tình báo của ĐCSTQ tại hải ngoại. Vào tháng 10/2014, cựu Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Cơ quan Tình báo An ninh Canada Michel Juneau-Katsuya cho biết “Các cơ quan phản gián phương Tây nhận diện các Viện Khổng Tử là hình thức cơ quan gián điệp được chính phủ Trung Quốc sử dụng để thu thập tin tức tình báo”.

Nguồn: Thiên Thảo/Baotiengdan

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo