Thế giới

Hàng loạt tàu dầu TQ "biến mất" ngay trên biển: Hé lộ cái bắt tay đầy nguy hiểm giữa 2 đối thủ lớn của Mỹ?

Cập nhật lúc 30-08-2019 08:02:00 (GMT+1)
Tàu chở dầu Trung Quốc ở cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/Getty Images

 

Sau một thời gian đồng thuận với các chính sách cấm vận của Mỹ với dầu mỏ Iran, Trung Quốc dường như đã bắt đầu đổi ý.


Sự biến mất đáng ngờ

Đầu tháng 6 vừa qua, một siêu tàu chở dầu của Trung Quốc đột ngột "biến mất" khỏi vùng Ấn Độ Dương, hệ thống theo dõi hàng hải cho thấy rõ ràng tàu này đã tắt tín hiệu để thoát khỏi sự giám sát.

Đây không phải là chiếc tàu đầu tiên biến mất như vậy. Theo The Guardian, việc các tàu tắt tín hiệu riêng được cấp bởi Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) ngày càng trở nên phổ biến trong những tuần vừa qua.

Chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump đang tăng cường nỗ lực để theo dõi các tàu hàng có liên quan tới công ty dầu mỏ quốc gia lớn nhất của Trung Quốc. Đây là sự phản hồi của Mỹ giữa bối cảnh có nhiều báo cáo cho rằng tàu dầu Trung Quốc đang cố gắng giao dịch dầu thô Iran, vi phạm cấm vận của Mỹ đối với Tehran.

"Họ [Trung Quốc] đang tìm cách giấu diếm," Samir Madani, nhà đồng sáng lập trang web theo dõi tàu chở hàng trên khắp thế giới, nói với New York Times. "Họ không muốn người khác biết rằng họ đã tới Iran, tránh né cấm vận. Đó là điều dễ hiểu."

Tờ Guardian dẫn một ví dụ về tàu Pacific Bravo. Con tàu này đã bị Mỹ nghi vấn vi phạm cấm vận trong thời gian dài. Sau khi tín hiệu theo dõi nhận dạng của tàu biến mất, một tháng sau nó mới xuất hiện trở lại nhưng được gắn vào một con tàu có tên gọi khác.

 

Phó Tổng thống thứ nhất Iran Eshaq Jahangiri. Ảnh: Atta Kenare/AFP/Getty Images

Các tàu dầu Trung Quốc còn sử dụng những chiến thuật khác. Một số tàu đã bị ảnh vệ tinh chụp lại khi đang tương tác với tàu Iran.

Cái bắt tay ngầm

Những vụ việc nói trên đã hé lộ góc khuất liên quan tới các tuyến giao thương đường thủy và đặt ra dấu hỏi lớn đằng sau sự hợp tác phức tạp giữa hai nước Trung Quốc - Iran. Đây cũng là hai quốc gia trọng tâm trong chính sách đối ngoại của ông Trump.

Trong khi Washington đang tìm cách chặn đứng hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran trong chiến dịch "áp lực tối đa" để buộc Tehran phải đàm phán về chính sách hạt nhân và an ninh, Trung Quốc - vốn đang mắc kẹt trong thương chiến với Mỹ - lại đang cung cấp cho Iran một lối thoát đầy hứa hẹn.

Về phần mình, Iran đã tỏ ý ủng hộ Trung Quốc. Mới đây, Phó Tổng thống thứ nhất Iran Eshaq Jahangiri nói Tehran mong muốn Bắc Kinh tích cực hơn trong việc mua dầu Iran.

"Tôi nghĩ hai vấn đề này đã bắt đầu có liên quan tới nhau," Ali Vaez, một nhà phân tích Iran, nói.

"Ban đầu, Trung Quốc tuân thủ chính sách của Mỹ và cắt giảm lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Iran là bởi vì Bắc Kinh hi vọng đây có thể là lá bài chiến lược để đạt được thuận lợi trong thỏa thuận thương mại. Nhưng khi các buổi đối thoại đi vào đường cùng, Trung Quốc đã đổi ý và nhập khẩu lại dầu mỏ từ Iran."

"Trung Quốc đang có tính toán rất phức tạp đối với Iran. Đây là quốc gia dầu mỏ duy nhất mà Mỹ không thể tiếp cận. Từ quan điểm về nhu cầu năng lượng của Trung Quốc, Iran rất quan trọng. Nhưng mặt khác, Trung Quốc có lợi ích trong việc đàm phán với Mỹ và nước này cần cân bằng mối quan hệ đối với các quốc gia dầu mỏ khác như Ả Rập Saudi."

Một chuyên gia khác nhận định rằng chính sách đối ngoại của Mỹ đang gặp phải một loạt các cuộc khủng hoảng có liên quan lẫn nhau và vì vậy chính phủ Mỹ không thể nào đạt được toàn bộ mục tiêu của mình.

Ông Vaez cũng đồng thuận với ý kiến này, cho rằng: "Tôi không chắc liệu chính quyền ông Trump có đủ khả năng và hiểu biết để kết nối mọi chính sách hay không. Có quá nhiều đối thủ của Mỹ, bao gồm Triều Tiên và Iran, có liên quan tới cách chính phủ ông Trump đối xử với Trung Quốc."

Tất Đạt
Nguồn: ttvn.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo