Thế giới

Hành khách sân bay châu Âu: Không ai đi vệ sinh vì rời hàng sẽ mất chỗ

Cập nhật lúc 25-06-2022 17:43:08 (GMT+1)
Liz Morgan đến sân bay Schiphol của Amsterdam 4 tiếng rưỡi trước chuyến bay đến Athens.

 

Thất lạc hành lý, hoãn hoặc hủy chuyến, mòn mỏi chờ làm thủ tục là những gì hành khách phải trải qua ở sân bay Mỹ và châu Âu, khi lượng nhân sự quá ít so với nhu cầu bay sau dịch.


“Trong hàng có người già, trẻ em, thậm chí cả trẻ sơ sinh. Không có nước, không có gì cả. Không có biển chỉ dẫn, không có ai giúp đỡ, không có nhà vệ sinh”, Morgan - người Australia - nói, đồng thời cho biết cô đã cố gắng tiết kiệm thời gian bằng cách làm thủ tục lên máy bay trực tuyến (check-in online) và chỉ mang theo đúng một túi xách.

“Mọi người không ai đi vệ sinh, bởi ra khỏi hàng sẽ mất chỗ”, cô nói thêm.

Sau hai năm quay cuồng vì đại dịch Covid-19, nhu cầu đi lại của người dân tăng trở lại, tuy nhiên nhân sự tại các hãng hàng không và sân bay lại quá mỏng. Với mùa du lịch hè đông đúc đang diễn ra khắp châu Âu, hành khách phải chứng kiến cảnh hỗn loạn tại các sân bay, như hoãn chuyến kéo dài, chuyến bay bị hủy và đau đầu vì hành lý thất lạc, theo AP.

Mọi người đổ xô đi du lịch, nhưng sân bay lại thiếu người

Schiphol, sân bay bận rộn nhất Hà Lan, đang cắt giảm các chuyến bay. Mỗi ngày sân bay phải chứng kiến cảnh có hàng nghìn vé máy bay vượt quá khả năng xử lý của nhân viên an ninh.

Sân bay Gatwick và Heathrow của London đang yêu cầu các hãng hàng không giới hạn số chuyến bay. Hãng hàng không giá rẻ easyJet đang bỏ hàng nghìn chuyến bay đề phòng trường hợp bị hủy vào phút chót, cũng như để phù hợp với công suất phục vụ của sân bay Gatwick và Schiphol.

Các hãng hàng không Bắc Mỹ đã viết thư cho người đứng đầu cơ quan vận tải Ireland yêu cầu hành động khẩn cấp để giải quyết "sự chậm trễ lớn" tại sân bay Dublin.

Trong tháng này, gần 2.000 chuyến bay từ các sân bay lớn ở châu Âu đã bị hủy trong một tuần, trong đó sân bay Schiphol chiếm gần 9%, theo dữ liệu từ công ty tư vấn hàng không Cirium. Cirium cho biết thêm 376 chuyến bay tại các sân bay của Vương quốc Anh bị hủy, trong đó Heathrow chiếm 28%.

Mỹ cũng trải qua tình trạng tương tự. Tuần trước, hàng nghìn chuyến bay không thể cất cánh trong vòng 2 ngày vì thời tiết xấu, cũng như lượng khách du lịch tăng lên.

“Mọi người đang đổ xô đi du lịch. Tuy nhiên, sân bay thì thiếu nhân viên, và nhân viên mới thì cần thêm nhiều thời gian để thích nghi với công việc”, Julia Lo Bue-Said - Giám đốc điều hành Advantage Travel Group, đại diện cho khoảng 350 đại lý du lịch của Vương quốc Anh - cho biết. “Tất cả đều đang tạo ra nút thắt trong hệ thống vận hành”.

Một loạt chuyến bay khởi hành từ sân bay quốc tế Brussels phải hủy bởi nhân viên sân bay đình công hôm 20/6. Ảnh: AP.

Việc Mỹ bỏ quy định xét nghiệm Covid-19 trước khi nhập cảnh đang thúc đẩy nhu cầu du lịch xuyên Đại Tây Dương. Bà Bue-Said cho biết các đại lý do bà quản lý báo cáo lượng đặt phòng tại Mỹ tăng vọt sau khi quy định này được dỡ bỏ.

Đối với du khách Mỹ đến châu Âu, đồng USD mạnh hơn so với đồng euro và đồng bảng Anh là một yếu tố thúc đẩy du lịch, bởi điều đó khiến khách sạn và nhà hàng có giá cả phải chăng hơn.

Tại Heathrow, một “biển” hành lý không có người nhận phủ kín sàn nhà ga vào tuần trước. Sân bay thông báo hệ thống xử lý hành lý gặp trục trặc kỹ thuật và yêu cầu các hãng hàng không cắt 10% chuyến bay tại hai nhà ga đầu tuần này, khiến 5.000 hành khách bị ảnh hưởng.

Hình ảnh vali chất đống trong một sảnh hành lý tại sân bay Heathrow vào cuối tuần qua đã lột tả tình trạng quá tải tại các sân bay ở Anh. Ảnh: BBC.

Sân bay cho biết một số hành khách “có thể đã đi du lịch mà không cần hành lý”.

Khi nhà văn Marlena Spieler từ Stockholm bay về London vào tháng này, bà mất 3 giờ để đi qua cổng kiểm tra hộ chiếu. Người phụ nữ 73 tuổi mất thêm ít nhất 1 giờ 30 phút để tìm hành lý, nơi bà mô tả là “hỗn loạn với hàng đống vali ở khắp nơi”.

Bà đã có ý định bỏ về mà không lấy vali, nhưng sau đó phát hiện túi ở trên băng chuyền. Bà có kế hoạch đến Hy Lạp trong vài tuần nữa, nhưng lo lắng phải trải qua điều tương tự.

“Thành thật mà nói, tôi e ngại sức khỏe của mình. Liệu tôi có đủ khỏe để làm điều này nữa không”, bà cho hay.

Ở Thụy Điển, các khu vực kiểm tra an ninh tại sân bay Arlanda của Stockholm đông đến mức nhiều hành khách phải đợi đến hơn 5 tiếng mới được lên máy bay. Các nhân viên đã phải từ chối làm thủ tục cho khách đến trước chuyến bay 3 tiếng để giảm bớt tắc nghẽn. Đầu tuần này, phóng viên của AP ghi nhận một hàng kiểm tra an ninh dài tới hơn 100 m.

4 người phụ nữ Đức - do lo ngại lỡ chuyến bay đến Hamburg vì dòng người quá dài - đã phải mua vé ưu tiên để tránh xếp hàng. Lina Wiele, 19 tuổi, cho biết cô chưa từng chứng kiến cảnh hỗn loạn tương tự ở các sân bay khác.

Tình trạng hỗn loạn sẽ kéo dài "suốt mùa hè"?

Hàng nghìn phi công, tiếp viên, nhân viên hàng không khác đã nghỉ việc trong thời kỳ đại dịch. Giờ đây, sân bay không có đủ nhân viên để xử lý cảnh tượng du lịch bùng nổ.

“Điều khó khăn là nhiều công việc không thể vận hành từ xa, do đó hàng không không thể linh hoạt như nhiều ngành nghề khác”, Willie Walsh - người đứng đầu Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế - cho biết. “Phi công phải có mặt để vận hành máy bay, tiếp viên cũng phải có mặt, chúng tôi phải có người xếp hành lý và hỗ trợ hành khách”.

Joost van Doesburg thuộc công đoàn FNV - đại diện cho nhân viên tại sân bay Schiphol ở Amsterdam - cho biết: “Khi người dân muốn đi du lịch trở lại, nhân viên lại không muốn làm ở sân bay nữa”. Trong khi đó, giám đốc điều hành hãng hàng không giá rẻ Ryanair cảnh báo tình trạng hoãn hoặc hủy chuyến sẽ tiếp tục “trong suốt mùa hè này”.

Một số sân bay châu Âu chưa gặp sự cố lớn, nhưng đang có phương án dự phòng. Sân bay quốc tế Vaclav Havel của Praha dự đoán lượng khách sẽ tăng vào tuần tới. Sang tháng 7, sân bay có thể gặp phải tình trạng thiếu nhân viên, đặc biệt là ở khâu kiểm tra an ninh, dù đã có đợt tuyển dụng.

 

Hành khách xếp hàng tại quầy kiểm tra an ninh ở sân bay Heathrow hôm 22/6. Ảnh: AP.

Không chỉ vậy, việc nhân viên đình công cũng gây ra nhiều vấn đề.

Tại Bỉ, Brussels Airlines cho biết cuộc đình công kéo dài 3 ngày bắt đầu từ 23/6 sẽ buộc 315 chuyến bay bị hủy và ảnh hưởng đến 40.000 hành khách.

Nhân viên làm thủ tục của British Airways và phi hành đoàn mặt đất tại Heathrow đã nhất trí sẽ đình công, nhưng chưa rõ ngày. Sân bay Charles de Gaulle của Paris trong tháng này chứng kiến 2 ngày đình công, do nhân viên nói "lương không theo kịp với lạm phát".

Một số phi công của Air France cảnh báo sẽ đình công vào ngày 25/6, nói rằng sự mệt mỏi của phi hành đoàn sẽ gây thách thức cho an ninh sân bay. Tuy vậy, giám đốc điều hành hãng hàng không khẳng định hoạt động này sẽ không làm gián đoạn hệ thống vận hành sân bay. Những nhân viên này khẳng định sẽ tiếp tục đình công thêm một lần nữa vào ngày 1/7.

Dẫu vậy, các vấn đề ở sân bay vẫn không ảnh hưởng tới kế hoạch di chuyển của người dân châu Âu, theo Jan Bezdek - người phát ngôn công ty du lịch CK Fischer. Trong năm nay, công ty này bán được nhiều gói nghỉ dưỡng nhất từ trước đến nay.

“Chúng tôi nhận thấy mọi người quá mong muốn đi du lịch sau đại dịch. Bất tiện tại sân bay không khiến họ thay đổi suy nghĩ đó", anh nói.

Phương Linh
Nguồn: zingnews.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo