Thế giới

Liệu Lưu Hiểu Ba có 'chết vô ích'?

Cập nhật lúc 17-07-2017 12:58:18 (GMT+1)
Tro cốt của Lưu Hiểu Ba được rải trên biển Hoàng Hải, gia đình ông cho hay

 

Giáo sư Bùi Mẫn Hân, Đại học Claremont McKenna (Mỹ) bình luận rằng cái chết của nhà bất đồng chính kiến ​​Lưu Hiểu Ba gửi thông điệp mạnh mẽ: lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc quyết tâm bảo vệ chế độ độc tài toàn trị bằng bất kỳ giá nào.


Ông Lưu, 61 tuổi, là một nhà phê bình văn học và nhà đấu tranh nhân quyền ôn hòa, đã phải trải qua tám năm cuối đời trong trại giam vì tội "lật đổ nhà nước", Giáo sư Bùi viết trên trang Project Syndicate.

Khi ông được trao giải Nobel Hòa bình năm 2010, chính quyền Trung Quốc không chỉ cản trở gia đình ông đến Oslo nhận giải mà còn ra lệnh quản chế vợ ông.

Việc Bắc Kinh từ khước chuyện cho ông Lưu được ra nước ngoài chữa trị ung thư gan giai đoạn cuối vào tháng trước là hành vi tàn bạo vô nghĩa dẫn đến cái chết của ông chỉ một tháng sau khi được chẩn đoán.

Dường như không thể giải thích được tại sao Trung Quốc, vốn đổ nhiều tiền của trong những năm gần đây cho "quyền lực mềm", lại tự đặt mình vào tình thế này. Trong lúc đặt tham vọng nắm giữ vai trò dẫn đầu trên trường quốc tế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc lại muốn đàn áp giới bất đồng quan điểm nhiều hơn.

Và có lẽ họ mong đợi các nền dân chủ phương Tây sẽ không phản ứng gì vì đa phần các nước đó cũng đang trong tình trạng bất ổn.

Các nhà hoạt động tại Hong Kong tưởng niệm Lưu Hiểu Ba

Đến nay, tính toán đó dường như chính xác. Việc Bắc Kinh ngược đãi một người đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ chỉ gây ra một số phàn nàn ở các nước phương Tây, với Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếc nuối cái chết của một "chiến binh can đảm."

Tuy vậy, không có nhà lãnh đạo phương Tây nào công khai tố cáo hành vi của chính phủ Trung Quốc.

Hơn nữa, với việc khước từ mong muốn của ông Lưu sống những ngày cuối đời ở nước ngoài, Bắc Kinh tránh được tình huống khiến chính quyền phải ngượng ngùng: hàng vạn người ủng hộ và ngưỡng mộ sẽ dự đám tang của ông. Ngôi mộ ông Lưu sẽ trở thành tượng đài chính trị, biểu tượng vĩnh cửu chống lại chế độ độc đảng.

Các nhà kiểm duyệt Trung Quốc cố gắng hết mức để đảm bảo rằng cái chết của ông Lưu không trở thành một sự kiện.

'Chuyển đổi dân chủ'

Trớ trêu thay, hàng thập kỷ tăng trưởng kinh tế củng cố vị thế của đảng Cộng sản Trung Quốc và đem sự thịnh vượng cũng tạo ra các điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi dân chủ.

Thực tế, Trung Quốc đã đạt đến mức thu nhập bình quân đầu người mà ở đó gần như mọi chế độ chuyên quyền ở các nước phi dầu mỏ đều đánh mất quyền lực.

Khi tăng trưởng kinh tế chao đảo, đảng Cộng sản Trung Quốc có thể vận dụng cách đàn áp tàn nhẫn và chủ nghĩa dân tộc để chống lại những thách thức với sự kiểm soát quyền lực.

Nhưng hiệu quả của chiêu thức này có hạn. Cái giá kinh tế và đạo đức của việc đàn áp leo thang có thể sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn trong nước mà ngay cả nhà nước độc đảng mạnh nhất thế giới cũng không thể che giấu.

Trong bối cảnh này, có vẻ như những động thái của Bắc Kinh đối với ông Lưu là dấu hiệu cho thấy sự yếu đuối, bất an, và lo sợ của chính quyền.

Đến một lúc nào đó, có lẽ trong hai thập niên tới, sự mục ruỗng từ bên trong và áp lực từ bên ngoài của người dân đòi tự do sẽ hạ bệ chế độ độc đảng ở Trung Quốc - và hy vọng mở ra xã hội dân chủ như mục tiêu mà ông Lưu dành cả đời để tranh đấu.

Nguồn: BBC

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo