Thế giới

Mỹ ép Nga trả lại Crimea, ngăn EU dỡ lệnh cấm vận

Cập nhật lúc 03-05-2016 06:39:38 (GMT+1)
Nghị viện Pháp đã bỏ phiếu chấp thuận việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống lại Nga

 

Mỹ ra điều kiện cho Nga phải từ bỏ Crimea, đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt, đồng thời sẽ nỗ lực ngăn cản EU dỡ lệnh cấm vận Nga.


Ngày 2-5, truyền thông Mỹ cho biết, các hạ nghị sĩ Eliot Engel (đảng Dân chủ) và Adam Kiesinger (đảng Cộng hòa) đã đề nghị Hạ viện Mỹ xem xét Văn bản về ổn định và dân chủ đối với Ukraine do họ soạn thảo.

Các tác giả dự luật đề xuất ràng buộc chặt chẽ quyền hạn của Tổng thống Mỹ về dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga với qui chế của Crimea.

Theo đó, lệnh trừng phạt Moscow chỉ có thể được xóa bỏ nếu Tổng thống Mỹ trình bày trước Quốc hội xác nhận "Ukraine đã phục hồi chủ quyền trên bán đảo Crimea" hoặc có "một quyết định về qui chế bán đảo được thông qua dưới sự kiểm soát quốc tế và được công nhận bởi chính phủ Ukraine bầu một cách dân chủ".

Ngoài ra, văn bản đề xuất phủ nhận bất kỳ hình thức công nhận (theo luật định hay trong thực tế) bản thân báo đảo Crimea, vùng trời và lãnh hải của bán đảo này như là một phần thuộc lãnh thổ Liên bang Nga.

Các nhà lập pháp Mỹ cũng yêu cầu Văn phòng in ấn chính phủ Mỹ (GPO) không phát hành bản đồ hoặc bất kỳ tài liệu nào, mà trên đó Crimea được liệt kê như là một phần của Nga.

Tuy Hạ viện Mỹ chưa bỏ phiếu thông qua nhưng nhiều chuyên gia đã dự đoán rằng, với thái độ chống Moscow quyết liệt của Washington, bản dự thảo Nghị quyết này sẽ được chấp nhận một cách dễ dàng.

Phát biểu về vấn đề này, nghị sĩ Adam Kinsinger phát biểu: "Chúng ta lại một lần nữa đang chứng kiến hành vi ‘thiếu tôn trọng trật tự thế giới’ của Vladimir Putin, đặc biệt là trong trường hợp Ukraine. Đối với Hoa Kỳ, đã đến lúc chúng ta không chấp nhận sự xâm lăng của Nga".

Trong bối cảnh đó, chính quyền Đức cho rằng, Nga sẽ không bao giờ được quyay trở lại G8, định dạng này sẽ biến mất vĩnh viễn và sau này sẽ chỉ còn có G7.

Theo một nguồn tin trong cơ quan Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Angela Merkel, chính quyền Đức tin rằng, việc khôi phục cơ cấu đàm phán trong hình thức có sự tham gia của Nga là không thể, bởi Moscow sẽ không đáp ứng được những điều kiện cần thiết để trở về nhóm G8.

Spiegel dẫn nhận định của quan chức chính quyền Đức rằng, "định dạng nhóm G8 đã tử vong”. Ngoài ra, một nguồn tin từ Văn phòng nội các Đức nhận xét rằng, cả Washington cũng phản đối khả năng Nga trở lại nhóm các nước công nghiệp phát triển này.

Về vấn đề này, người đứng đầu Ủy ban Duma Nga về các vấn đề quốc tế, ông Alexei Pushkov cho rằng việc khôi phục sự tham gia của Nga vào cơ cấu G8 là cần thiết cho phương Tây chứ không phải Nga, bởi G7 đã biến thành dạng "câu lạc bộ bạn bè Hoa Kỳ" hay là “một biến tướng của NATO”.

Hôm 28-5, Quốc hội Pháp đã lần đầu tiên bỏ phiếu về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống lại Nga. Nghị quyết này được thông qua với đa số phiếu. Có 98 đại biểu Hạ nghị viện tham gia bỏ phiếu với kết quả 55 phiếu thuận, trên nguyên tắc số phiếu thuận tối thiểu phải là 50.

Nghị quyết này do phe đối lập soạn thảo nhưng việc nó được quá nửa số nghị sĩ Pháp bỏ phiếu thuận, cho thấy các đại biểu Quốc hội Pháp đồng thuận kêu gọi chính phủ lên tiếng phản đối việc mở rộng các biện pháp trừng phạt của EU đối với Liên bang Nga.

Tuy nghị quyết này chỉ mang tính khuyến nghị và không bắt buộc chính quyền Paris phải có các hành động cụ thể nhưng điều này cũng cho thấy xu hướng ủng hộ Nga đã tăng cao ở các nước châu Âu. Nó cũng cho thấy rằng, trong tương lai không xa, Paris sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Moscow.

Ngay sau đó, vào ngày 1-5, nghị sỹ Hội đồng châu Âu Rebecca Harms nói rằng, Liên minh châu Âu (EU) sẽ không áp dụng biện pháp trừng phạt mới chống Nga, vì có nhiều quốc gia phản đối.

Nhiều nước trong Liên minh châu Âu muốn trở lại quan hệ bình thường với Nga, như Pháp hay phe Xã hội-Dân chủ trong chính phủ Đức. Họ thích quan hệ bình thường với Nga, vì vậy, sẽ không thực tế nếu EU thông qua các biện pháp trừng phạt mới chống Nga.

Ngoài ra, theo nghị sỹ Harms, các nước châu Âu cũng không thông qua “danh sách Savchenko” (do Ukraine đưa ra), bởi hiện giờ mới chỉ có Litva chấp thuận. Các nước vùng Baltic có thể tham gia, nhưng các thành viên EU khác không hỗ trợ sáng kiến này.

 

Mỹ sẽ làm mọi cách để chống EU bình thường hóa quan hệ với Nga

Mặc dù xu thế ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ với Nga đang dâng cao ở các nước chủ chốt châu Âu như Pháp, Đức…, nhưng nhiều chuyên gia nhận định rằng, Mỹ sẽ tiếp tục gây áp lực lên châu Âu

Theo chuyên gia Nikolai Troshin từ Trung tâm nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu chiến lược Nga (RISI), kết quả của cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Pháp cho thấy rõ rằng, dư luận châu Âu không hài lòng với tình trạng kinh tế, mà các biện pháp trừng phạt có tác động trực tiếp.

Ông nói thêm, chắc là một số nước khác cũng sẽ thông qua nghị quyết ủng hộ việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt chống Nga. Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhận định rằng, các lệnh trừng phạt sẽ không bị dỡ bỏ trong triển vọng ngắn hạn.

Theo ông Troshin, Mỹ sẽ yêu cầu châu Âu gia hạn lệnh trừng phạt, vì điều đó đáp ứng lợi ích của Washington. Các nhà chức trách Mỹ cho rằng, trong điều kiện này, châu Âu sẽ tỏ ý sẵn sàng ký kết thỏa thuận về Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP).

Tuy nhiên, thái độ thẳng thắn của các nghị sĩ Pháp bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống Nga, sẽ có tác động lớn đến các chính phủ châu Âu.

Cuối cùng, chính quyền các nước châu Âu sẽ nhận thức được rằng, việc xây dựng một châu Âu tự do từ Lisbon đến Vladivostok là tốt hơn so với việc tiếp tục trò chơi với Hoa Kỳ liên quan đến TTIP, đang bị cư dân châu Âu phản đối - chuyên gia Nikolai Troshin cho biết.

Nhật Nam
Nguồn: baodatviet.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo