Thế giới

Mỹ, Nga từng suýt chiến tranh hạt nhân vì Syria

Cập nhật lúc 20-09-2018 09:50:37 (GMT+1)
Máy bay F4 Phantom của Mỹ trên tàu sân bay.

 

Tình trạng căng thẳng ở Syria hiện nay khiến người ta nhớ lại sự kiện cách đây 45 năm, khi Mỹ và Nga suýt chiến tranh hạt nhân vì quốc gia Trung Đông này. 


Mỹ và Nga trong những ngày gần đây có nhiều lời nói, động thái căng thẳng xung quanh điểm nóng Idlib – thành trì cuối cùng của phiến quân ở Syria. Binh sĩ cũng như máy bay Mỹ và Nga hoạt động rất gần nhau để ủng hộ các phe phái đối địch trong cuộc nội chiến. Tình trạng căng thẳng khiến người ta nhớ lại sự kiện cách đây 45 năm, khi Mỹ và Nga suýt chiến tranh hạt nhân vì Syria. 

Đêm 24/10/1973, Defcon – tình trạng sẵn sàng phòng thủ - của Mỹ được nâng lên mức ba tại các căn cứ và tàu chiến khắp thế giới. Lính dù chuẩn bị được triển khai, máy bay ném bom hạt nhân B-52 trên đảo Guam quay về các căn cứ ở Mỹ để chuẩn bị xuất kích. Tình trạng Defcon 3 là để đối phó với tình hình ở Trung Đông.

Trong thực tế, điểm nóng là Syria. Một trong những khía cạnh nổi bật nhất thời Chiến tranh Lạnh lại là những gì không xảy ra: Mỹ và Liên Xô đã tìm cách tránh giao chiến trực diện với nhau mà thay vào đó chỉ phát động xung đột thông qua các bên ủy nhiệm.

Tuy nhiên, Trung Đông đã làm đảo lộn hiện trạng. Ngày 6/10/1973, ngày lễ Yom Kippur thiêng liêng của người Do Thái, Ai Cập và Syria đã tấn công bất ngờ bán đảo Sinai và cao nguyên Golan.

Binh sĩ Israel bị động trước vụ tấn công, nỗ lực bám trụ chiến đấu ngay cả khi lãnh đạo và các tướng lĩnh cấp cao sợ rằng đây có thể là cái kết cho đất nước Israel. Trong khi đó, Liên Xô, tiếp theo là Mỹ, đã không vận một lượng lớn trang thiết bị quân sự và đồ tiếp tế. 

Ngày 11/10, Israel đã chặn được cuộc tấn công của Syria. Thiết giáp và bộ binh Israel đã vào lãnh thổ Syria và thậm chí tiến vào tầm bắn pháo binh của Syria. Tại bán đảo Sinai, một lực lượng Israel do Tướng Ariel Sharon dẫn đầu đã bí mật vượt kênh đào Suez ngày 15/10 và chiếm một đầu cầu trên kênh đào bên phía Ai Cập. Lần này, người Ai Cập đã bất ngờ khi đơn vị lục quân số 3 bị mắc kẹt ở khu vực kênh đào phía Israel. Đường tiếp viện cũng bị cắt đứt.

 

Xe tải quân sự Ai Cập vượt cầu qua kênh đào Suez ngày 7/10/1973.

Khi nỗ lực thiết lập lệnh ngừng bắn thất bại, Syria và Ai Cập có nguy cơ thất bại, lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev đã gửi một thông điệp tới Nhà Trắng của Tổng thống Richard Nixon: “Tôi sẽ nói thẳng rằng nếu ông thấy không thể tham gia cùng chúng tôi trong vấn đề này, chúng ta cần cấp thiết xem xét thực hiện những biện pháp đơn phương phù hợp”. 

Một không khí khủng hoảng bao trùm Nhà Trắng khi có thông tin rằng binh sĩ đổ bộ và các sư đoàn không quân Liên Xô đã được đặt trong tình trạng báo động. Liên Xô cũng tăng gần gấp đôi hạm đội ở Địa Trung Hải lên tới hàng trăm tàu. 

Ông Victor Israelian, một quan chức Bộ Ngoại giao Liên Xô, kể lại rằng Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Andrei Grechko đã đề xuất một lệnh tuyển 50.000-70.000 nam giới ở Ukraine và vùng bắc Caucasus. Quan điểm của ông là để cứu Syria, binh sĩ Liên Xô cần chiếm đóng cao nguyên Golan.

Sau khi vừa rút chân khỏi Việt Nam, Mỹ không còn tâm trạng cho một cuộc chiến nữa. tuy nhiên, Nhà Trắng cảm thấy không thể mạo hiểm để mất uy tín và ảnh hưởng, đặc biệt là ở khu vực Trung Đông nhiều dầu mỏ. Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger viết trong hồi ký “Years of Upheaval” (tạm dịch: Những năm biến động): “Nếu cần thiết, chúng tôi quyết tâm kháng cự lực lượng Liên Xô được đưa vào Trung Đông bất chấp họ tới với lý do nào”.

Không rõ sự việc có trùng hợp hay không khi mà lệnh báo động ở Mỹ được đưa ra vào lúc nhiệm kỳ tổng thống của ông Nixon đang bắt đầu vỡ vụn do vụ bê bối Watergate. Tuy nhiên, Liên Xô dường như sẵn sàng vượt vạch đỏ mà Mỹ đặt ra.

 

Xe tăng M60 Patton của Israel bị phá hủy tại Sinai.

Trên biển Địa Trung Hải, căng thẳng hiện rõ. Ông Abraham Rabinovich, sử gia về cuộc chiến tranh tháng 10/1973 viết: Các tàu khu trục Liên Xô được tàu chiến hạng nặng trang bị tên lửa tiếp viện. Người Mỹ cũng chú ý rằng có hai đô đốc trên tàu đang theo dõi họ. Để đối phó, phía Mỹ liên tục điều máy bay lượn lờ trên hạm đội của Liên Xô. Hạm đội này sẵn sàng tấn công các bệ phóng tên lửa. Cả hai bên đều biết các tàu lớn của mình đang bị tàu ngầm đối phương theo dõi.

Các lãnh đạo Liên Xô sốc trước câu trả lời của Mỹ về đề nghị phối hợp trong vấn đề ở Syria. Theo cuốn sách The Yom Kippur War, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao Nikolai Podgorny nói: “Ai có thể hình dung rằng người Mỹ lại dễ bị sợ hãi thế?”. Còn Thủ tướng Liên Xô Alexei Kosygin nói: “Không hợp lý khi chiến tranh với Mỹ vì Ai Cập và Syria”. Giám đốc cơ quan tình báo Liên Xô KGB, ông Yuri Andropov cam kết sẽ không gây chiến tranh thế giới thứ ba.

Dù lý do là gì, người Liên Xô luôn giữ các lực lượng ở tình trạng báo động nhưng nhất trí không phái binh sĩ tới Trung Đông. Cuối tháng 10, một lệnh ngừng bắn mong manh đã chấm dứt xung đột của người Arab và Israel.

45 năm kể từ mùa thu bất ổn năm 1973, thế giới đã thay đổi. Liên Xô không còn nữa. Ai Cập trở thành đồng minh của Mỹ và Syria cũng không còn là Syria ngày xưa. Hiện nay, Nga và Mỹ lại có nguy cơ đối đầu lần nữa ở Syria. Một kịch bản có thể xảy ra: Israel có thể tấn công Syria để đẩy bật lực lượng Hezbollah và Iran đang tiến gần biên giới Syria-Israel. Nga có thể can thiệp để hỗ trợ Syria bằng cách yểm trợ trên không. Điều này có thể dẫn tới xung đột giữa lực lượng Nga và Israel.

Năm 1973, thật khó hình dung việc Mỹ sẽ để người Nga tấn công đồng minh Israel. Tạp chí National Interest bình luận: Tổng thống Nixon và nhà lãnh đạo Brezhnev không khẩu chiến bằng Twitter. Cuộc chơi ở Syria có luật và người chơi ý thức được rằng một động thái sai lầm có thể gây ra màn hủy diệt lẫn nhau. Những cái đầu lạnh đã thắng thế và cuộc khủng hoảng được giải quyết. Trong tình hình hiện nay ở Syria, khó có thể nói được điều gì khi mà Syria đã bị tấn công hai lần vì bị Mỹ cáo buộc dùng vũ khí hóa học – cáo buộc mà cả Syria và Nga bác bỏ.

Thùy Dương
Nguồn: baotintuc.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo