Thế giới

NATO có làm 'lễ xức dầu' cho Ukraine?

Cập nhật lúc 30-12-2014 15:29:24 (GMT+1)
Ukraine đang nỗ lực thực hiện giấc mơ hội nhập Tây Âu của mình.

 

Ukraine bãi bỏ quy chế trung lập, mở đường cho việc gia nhập NATO nhưng vẫn chưa có được cái gật đầu của nhiều nước thành viên.


Ukraine chưa thể "thay áo"

Ngày 29/12, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã  ký ban hành đạo luật bãi bỏ quy chế không liên kết của nước này, nhưng tỏ ý sẽ tổ chức một cuộc trưng câu dân ý trước khi tìm kiếm quy chế thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Poroshenko khẳng định đang nỗ lực cải cách kinh tế và lực lượng vũ trang của Ukraine để đáp ứng các tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU) và NATO.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh sẽ để người dân Ukraine quyết định việc có gia nhập NATO hay không.

Tuần trước, Quốc hội Ukraine đã bãi bỏ quy chế không liên kết của nước này. 

Đây là một trong những nỗ lực mới nhất của Ukraine nhằm trở thành thành viên đầy đủ NATO. Từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở miền Đông, năm lần bảy lượt Kiev xin gia nhập tổ chức này, qua đó gia tăng sức ép lên phương Tây để Mỹ và châu Âu phải tìm cách bảo vệ Kiev.

Vào tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Ukraine, Arseniy Yatsenyuk đã trình lên quốc hội nước này một chương trình xoá bỏ tình trạng đối tác của NATO và bắt đầu chiến dịch chạy đua để ra nhập làm thành viên chính thức của khối quân sự này.

Tuy nhiên, quy định của NATO không cho phép kết nạp những nước đang có tranh chấp lãnh thổ vào làm thành viên, và Kiev lại đang từ chối chấp nhận bán đảo Crimea thuộc về chủ quyền của Nga.

Cả hai đời tổng thư ký NATO, từ ông Anders Fogh Rasmussen đến ông Jens Stoltenberg đều tuyên bố tôn trọng quyền tìm kiếm liên minh của Ukraine, rằng sẽ chấp nhận bất cứ quyết định nào của người dân Ukraine về vấn đề gia nhập NATO. Tuy nhiên, cho đến nay bên trong NATO luôn mâu  thuẫn.

Thực tế, Đức và Pháp không mặn mà với việc trao quy chế thành viên NATO cho Ukraine. Thậm chí một cựu quan chức NATO còn nói rằng Ukraine chưa từng nằm trong kế hoạch mở rộng phạm vi ảnh hưởng của NATO.

Mới đây nhất, báo Die Tageszeitung của Đức có bài viết nói rằng việc Ukraine từ chối quy chế không liên kết, theo tác giả, "chỉ càng thêm khiêu khích Nga" mà không mang lại cho Kiev bất kỳ lợi ích gì, vì theo Hiến chương NATO, một quốc gia có xung đột biên giới không thể trở thành thành viên của liên minh này. 

Tờ báo nhấn mạnh ít nhất một phần trách nhiệm làm leo thang khủng hoảng Ukraine thuộc về phương Tây. Trong cuộc xung đột này, phương Tây hầu như chỉ thể hiện sự bất lực, đồng thời thỏa thuận liên kết giữa Ukraine và EU càng làm cho tình hình thêm tồi tệ.

Trước đó, trả lời phỏng vấn tạp chí Der Spiegel, Ngoại trưởng Đức Fanhk Walter Steinmeier cũng nhận định, sẽ là không thực tế khi nghĩ Ukraine có thể gia nhập EU trong thời gian ngắn, vì sự cải thiện về tình hình kinh tế và chính trị ở nước này là việc làm kéo dài trong nhiều thế hệ tới.

“Đây chính là lí do vì sao chưa hề có cuộc thảo luận nào về việc Ukraine gia nhập EU”, ông Steinmeier nói thêm.

Trong khi đó, Moscow đã công khai nhắc nhở Kiev nên đứng ngoài mọi khối và luôn gây trở ngại. Tháng 11/2014, phát ngôn viên Phủ Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nói rằng, Nga cần bảo đảm 100% rằng không một nước nào nghĩ đến việc Ukraine gia nhập NATO.

Còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov 25/12 cho rằng, nỗ lực gia nhập NATO của Kiev gây nguy hiểm cho chính Ukraine và an ninh của châu Âu.

"Có một số nước Phương Tây muốn duy trì cuộc khủng hoảng tại Ukraine cũng như duy trì và làm gia tăng sự đối đầu giữa Ukraine và Nga, kể cả thông qua những hành động khiêu khích nhằm vào nỗ lực gia nhập liên minh Bắc Đại Tây Dương này".

Dấu hiệu hoà hoãn của Nga và phương Tây

Báo Thế giới của Đức ngày 29/12 dẫn lời Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết cuộc gặp bên giữa ông với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ diễn ra vào ngày 15/1/2015.

Theo thông báo, cuộc gặp sẽ diễn ra tại thủ đô Astana của Kazakhstan với nội dung chính là tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Kiev, Tổng thống Poroshenko nói: "Năm ngoại giao của tôi sẽ bắt đầu vào ngày 15/1 ở Astana bằng cuộc họp kiểu Normandy" - ám chỉ cuộc thảo luận nhằm giải quyết khủng hoảng giữa bốn nhà lãnh đạo trên vốn lần đầu được tổ chức hồi tháng Sáu vừa qua ở Pháp.

Trong một quyết định bất ngờ, Nga đã hứa tái cung cấp điện và than cho Ukraine mà không cần ứng  tiền trước, vói các điều kiện giá cả vô cùng ưu đãi.

Cụ thể, ngày 27/12 vừa qua, Moscow và Kiev ã ký thỏa thuận về việc cung cấp 9 tỷ kilowatt giờ điện. Trong đó, bất kể rằng các điều khoản của hợp đồng chưa được thực thi, Nga đã bắt đầu cung cấp và hy vọng nhận được khoản thanh toán trả sau.

Cùng ngày, Nga thông báo cũng sẽ cung cấp cho Ukraina 500.000 tấn than mỗi tháng và thêm 500.000 tấn nữa, nếu có ký kết thoả thuận bổ sung.

Phó Thủ tướng Nga Dmitry Kozak nói rằng Nga trước hết cung cấp cho các hãng điện lực hàng đầu ở Ukraine.

Cuộc xung đột tại miền Đông đã làm gián đoạn gần một nửa nguồn cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện ở Ukraine.

Đồng thời, việc Nga hoãn chuyển than cho Ukraine vào tháng trước đã đẩy quốc gia vốn được coi là “mỏ than của châu Âu” lâm vào tình trạng khốn khó. Quốc gia này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện nghiêm trọng trong mùa đông năm nay.

Sự thay đổi của Nga được coi là dấu hiệu mới cho thấy quan hệ giữa Nga và Ukraine có thể trở nên bớt lạnh giá, và là một bước tiến nhỏ trong việc giải quyết xung đột ở miền Đông.

Nguồn: An Nhiên/ Baodatviet

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo