Thế giới

Nga, Mỹ, NATO dùng vũ khí hạt nhân đe dọa lẫn nhau

Cập nhật lúc 17-06-2015 18:06:16 (GMT+1)

 

Nga hiện đang sở hữu khoảng 7.500 đầu đạn hạt nhân, và 1.780 đầu đạn trong số này đang được lắp đặt trên các loại tên lửa hoặc được triển khai tại các căn cứ quân sự.


Lenta dẫn tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga buộc lòng phải tự vệ chính đáng trong trường hợp bị đe dọa đến nền an ninh.

"Nếu có ai đó đe dọa các vùng lãnh thổ của Nga thì chúng tôi sẽ buộc phải điều các lực lượng vũ trang và hỏa lực tấn công hiện đại tới những khu vực này. Chính NATO đang tiến gần tới khu vực biên giới của chúng tôi trong khi chúng tôi không di chuyển tới đâu", Tổng thống Putin nhấn mạnh.

Đồng thời, Tổng thống Putin khẳng định tuyên bố của phương Tây (Mỹ) về khả năng triển khai vũ khí hạng nặng tại châu Âu – là "dấu hiệu chính trị" mà không thể không có những biện pháp đáp trả.

Ngoài ra, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng Nga không đe dọa các nước châu Âu khi tuyên bố sẽ bổ sung hơn 40 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới cho kho vũ khí hạt nhân của mình - động thái mà khối quân sự Bắc Đị Tây Dương NATO gọi là đe dọa hạt nhân.

Trước đó, Mỹ tuyên bố có ý định triển khai tại các quốc gia đông Âu như Bulgaria, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Romania, Estonia và có thể cả Hungary khoảng 1.200 xe bọc thép, trong đó có 250 xe tăng và xe chiến đấu bộ binh Bradley và hệ thống pháo - vũ khí, đủ để trang bị cho một lữ đoàn khoảng từ 3-5 nghìn người.

Ngoài ra, Mỹ có thể sẽ triển khai cả máy bay chiến đấu F-22 Raptor tại châu Âu trong khuôn khổ chương trình xây dựng lực lượng trên khắp thế giới do quan hệ với Nga ngày càng xấu đi.

Phản ứng trước việc Mỹ nhăm nhe đưa siêu chiến đấu cơ thế hệ 5 F-22 đến Đông Âu, Nga đã lên tiếng cảnh báo nước này sẽ trả đũa một cách thích đáng với hành động của Mỹ.

Theo ông Vladimir Batyuk, chuyên gia Viện Nghiên cứu Mỹ và Canada thuộc Học viện Khoa học Nga, việc Mỹ có ý định triển khai máy bay chiến đấu F-22 Raptor đến châu Âu sẽ không tránh khỏi viễn cảnh kích động một cuộc đối đầu giữa Nga và NATO.

Trong bất kỳ trường hợp nào, phía Nga cũng sẽ đáp trả một cách tương đương, thích đáng đối với động thái của Washington, ông Batyuk nói với hãng tin RIA Novosti.

"Việc Mỹ triển khai loại máy bay chiến đấu F-22 đến châu Âu chắc chắn sẽ khiến Nga có thêm động lực để thúc đẩy tiến trình phát triển và đưa vào sử dụng chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 T-50 PAK FA. Phía Nga cũng có thể trả đũa những hành động tương tự của phía Mỹ và các đồng minh, ông Batyuk cảnh báo.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, Anatoly Antonov tuyên bố những hành động như vậy có nghĩa là Mỹ hoàn toàn vi phạm hiệp ước INF (Hiệp ước giải trừ tên lửa tầm trung và tầm ngắn, có tầm bắn từ 500-5000km, Nga – Mỹ ký năm 1987) và sẽ phải hứng chịu những hậu quả không lấy gì làm tốt đẹp cho những hành động này”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phản đối kế hoạch Mỹ tăng cường hiện diện trong khu vực và cho rằng hành động này có thể "hủy hoại chính nước Mỹ". Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 15/6, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh Mỹ "định lợi dụng các căng thẳng hiện nay để tăng cường hiện diện quân sự, và từ đó gia tăng ảnh hưởng của mình tại châu Âu".

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã bày tỏ quan ngại về tuyên bố của ông Putin rằng Nga đến cuối năm nay sẽ bổ sung hơn 40 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới cho kho vũ khí hạt nhân của mình.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thì cho rằng tuyên bố này của ông Putin phần nào phản ánh cách hành xử nguy hiểm của Nga. "Hành vi đe dọa của Nga là rất vô lý, có tác động tiêu cực tới tình hình chung và cực kỳ nguy hiểm", ông Jens Stoltenberg cho biết.

NATO đã có nhiều động thái nhằm trấn an các nước đồng minh đông Âu, trong đó phải kể đến cuộc tập trận do Mỹ dẫn đầu tại các nước vùng Baltic và Ba Lan hồi đầu tháng.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Nga hiện đang sở hữu khoảng 7.500 đầu đạn hạt nhân, và 1.780 đầu đạn trong số này đang được lắp đặt trên các loại tên lửa hoặc được triển khai tại các căn cứ quân sự. Trong khi đó, Mỹ hiện có 7.300 đầu đạn hạt nhân và khoảng 2.080 đầu đạn đã được triển khai.

Ba Lan cùng nhiều quốc gia Đông Âu đang rất lo ngại trước các hành động của Nga tại Ukraine, nhất là khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3/2014, trước khi phe ly khai thân Moscow bắt đầu cuộc chiến chống lại quân đội Kiev tại miền Đông Ukraine.

Ngày 14/6, Ba Lan cho biết các quan chức nước này đã tới Washington để đàm phán với Mỹ về kế hoạch triển khai vũ khí hạng nặng trên lãnh thổ Ba Lan.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin lenta, trang chuyên đưa tin về tình hình kinh tế, chính trị, quân sự và các thông tin liên quan đến tình hình các nước trong không gian hậu Xô Viế và tờ báo Độc lập Nga, một trong những tờ báo có số lượng truy cập lớn tại Nga.

Nguồn: Đức Dũng/ Infonet.vn

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo