Thế giới

Người Việt biểu tình tại New York

Cập nhật lúc 25-09-2010 18:35:14 (GMT+1)
Người Việt biểu tình đòi Việt Nam tôn trọng nhân quyền diễn ra tại New York

 

Khoảng 200 người Việt đã biểu tình kêu gọi Việt Nam tôn trọng tự do nhân quyền và thả tù nhân chính trị trong lúc cuộc họp giữa Mỹ và ASEAN diễn ra tại Liên Hiệp Quốc, New York, vào hôm 24 tháng 9 vừa qua.


Đây là cuộc họp thượng đỉnh có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam vì Việt Nam hiện đang nắm chức chủ tịch khối ASEAN, nhằm đúng vào thời điểm chính quyền Obama đang có chiến lược trở lại Đông Nam Á.

Với cuộc họp lần này, Việt Nam hầu như đạt được nguyện vọng quốc tế hóa Biển Đông bất chấp sự khó chịu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, hồ sơ nhân quyền của vẫn là một chướng ngại lớn cho một hình ảnh Việt Nam hợp tác và thân thiện bên trong với chính quyền Obama. Ở bên ngoài tòa nhà Liên Hiệp Quốc và trên đường phố New York, hình ảnh nhà lãnh đạo Việt Nam bị phác họa cùng các nhà nước độc tài như Sudan, Cam Bốt.

Việt Tân đòi thả người

Các hội đoàn và cộng đồng kêu gọi tự do tôn giáo, đặc biệt là chuyện công an đàn áp giáo dân ở giáo xứ Cồn Dầu.

Nhà văn Trần Quán Niệm cho biết năm nào ông cũng đi biểu tình tại Liên Hiệp Quốc.

“Việt Nam tự làm hoen ố hình ảnh bằng những vụ đàn áp giam cầm người dân thì chúng tôi sẽ tiếp tục biểu tình chống đối không những tại Liên Hiệp Quốc mà bất cứ nơi nào mà lãnh tụ cộng sản Việt Nam có mặt trên đất Hoa Kỳ,” ông Trần Quán Niệm bày tỏ thái độ.

Biểu tình đòi thả đảng viên Việt Tân
Đảng Việt Tân kêu gọi Việt Nam thả 4 đảng viên của họ hiện đang bị bắt giữ.

Nổi bật trong đoàn biểu tình năm nay là các hình ảnh biểu ngữ kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam hãy thả ngay các các đảng viên Việt Tân hiện đang bị giam giữ. Hình ảnh của 4 người vừa bị bắt gồm ông Nguyễn Thanh Tâm, ông Dương Kim Khải, bà Trần Thị Thủy, và ông Phạm Minh Hoàng được in ra và phân phát trên đường.

Một đảng viên của Việt Tân nói: “Đây là quyền tự do biểu đạt ý nguyện của con người, nhà cầm quyền Việt Nam không thể một mặt trấn áp công dân một cách tuỳ tiện, một mặt bước vào một sân chơi lớn với các nguyên thủ của các quốc tự do tại Liên Hiệp Quốc.”

Phát ngôn viên của đảng Việt Tân có mặt trong nhóm biểu tình, ông Hoàng Tứ Duy, tuyên bố sẽ đấu tranh bằng mọi phương pháp để đảng này xuất hiện công khai tại Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Nói về trường hợp đấu tranh cho những đảng viên bị bắt, “trước đó một ngày, Việt Tân đã vận động mười dân biểu Hoa Kỳ ký tên yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam hãy thả người… và làn sóng kêu gọi càng lúc càng nhân rộng,” ông Hoàng Tứ Duy cho biết.

Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc

Tuy nhiên, bên trong trụ sở Liên Hiệp Quốc, phái đoàn Việt Nam lại có màu sắc hơn những năm về trước. Hình ảnh ông Nguyễn Minh Triết đứng bên ông Obama nói lên phần nào sự nồng ấm trong sự phát triển quan hệ với Hoa Kỳ và khối ASEAN, đặc biệt vấn đề Biển Đông mà Việt Nam đang quan tâm.

Ông Hoàng Tứ Duy, từng là một bình luận gia về vấn đề Việt Nam và Châu Á của The Wall Street Journal, cho biết tình hình Việt Nam gần đây có nhiều điều thú vị. “Về mặt khách quan, Trung Quốc đã tỏ ra quá lố và có những toan tính sai lầm trong cách ứng xử với chính quyền Tổng thống Obama dẫn đến những biến động về ngoại giao.”

Nhưng cũng nhờ những biến động này mà Việt Nam được lợi bất ngờ về chủ đề Biển Đông và những thoả hiệp khác về mặt quốc phòng trong tương lai. Điều này đã khiến Trung Quốc lo lắng.

Dư luận Trung Quốc cũng đang ồn ào rằng Hoa Kỳ đang ra thủ đoạn bao vây Trung Quốc và đang giúp Việt Nam xây dựng lò phản ứng hạt nhân dẫn đến việc chế tạo vũ khí nguyên tử sau này.

Việt Nam bị chỉ trích vì không cho đại diện của FIDH dự Diễn đàn Nhân dân ASEAN

Diễn đàn Nhân dân ASEAN, quy tụ các tổ chức xã hội dân sự ở Đông Nam Á, đã khai mạc ngày hôm qua tại Hà Nội trong bối cảnh Việt Nam bị chỉ trích, vì đã không cho các đại biểu của một tổ chức nhân quyền dự diễn đàn này.

Là nước đón tiếp Diễn đàn với tư cách là chủ tịch luân phiên của ASEAN, Việt Nam, hôm thứ ba vừa qua, đã thông báo cho hai đại diện của Liên đoàn quốc tế nhân quyền (FIDH) là họ không được phép đến Hà Nội dự diễn đàn này, với lý do : Uỷ ban bảo vệ quyền làm người Vìệt Nam, một tổ chức thành viên của FIDH, “đã có những hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam, chứ không phải là một tổ chức bảo vệ nhân quyền thật sự”

Uỷ ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam đã dự định đến Bangkok ngày 13/9 để mở cuộc họp báo về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam trong thời gian nước này làm chủ tịch ASEAN. Nhưng theo yêu cầu của Hà Nội, chính phủ Thái Lan đã không cho các đại diện của Ủy ban này nhập cảnh.

Tuy nhiên theo hãng tin DPA của Đức, ông Trần Đắc Lợi, phó chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, tức là tổ chức đón tiếp Diễn đàn Nhân dân ASEAN, lại nói là sở dĩ các đại biểu FIDH bị từ chối là vì không đủ chỗ. Theo lời ông Lợi, Diễn đàn chỉ có thể đón tiếp tối đa là 500 người, trong khi có đến hơn 1.200 người đăng ký. Ông Trần Đắc Lợi còn nói thêm là những lời lên án Uỷ ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam chỉ là quan điểm riêng của các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam tham dự diễn đàn.

Nhưng trên thực tế, toàn bộ các tổ chức dân sự Việt Nam tham gia Diễn đàn đều có quan hệ với các “tổ chức quần chúng” do Đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát. Hãng tin DPA trích lời ông Debbie Stothard, đứng đầu một tổ chức hoạt động cho Miến Điện Alternative ASEAN Network on Burma, tuyên bố : “ Rõ ràng là Việt Nam đang lạm dụng quyền lực với tư cách chủ tịch ASEAN”. Cũng theo DPA, một số đại biểu cho rằng, vì sợ sẽ không được dự các diễn đàn ASEAN trong tương lai, các tổ chức xã hội dân sự sẽ không dám mạnh dạn phát biểu tại Hà Nội.

Chính quyền Việt Nam đã không quảng bá rộng rãi cho Diễn đàn Nhân dân ASEAN trên báo chí do Nhà nước kiểm soát, cho nên nhiều tổ chức xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam không hề biết có Diễn đàn này.

Hãng tin DPA cho biết là Hà Nội đã yêu cầu báo chí trong nước : khi tường thuật về Diễn đàn Nhân dân ASEAN nên tránh những chủ đề nhạy cảm. Hôm thứ năm, ban tổ chức Diễn đàn đã chỉ thị cho phóng viên trong nước, không được đề cập đến những vấn đề liên quan đến chủ quyền Biển Đông.

Diễn đàn Nhân dân ASEAN sẽ kết thúc ngày mai, sau khi thông qua các nghị quyết về những vấn đề như : môi trường, người tỵ nạn, nhân quyền và luật lao động.

 

Trần Đông Đức

Ký giả tự do từ Hoa Kỳ

Theo BBC. RFI

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo