Thế giới

Pháp đối đầu với mối đe dọa khủng bố « từ bên trong »

Cập nhật lúc 27-03-2018 10:23:00 (GMT+1)
Lực lượng GIGN của Pháp tới siêu thị, nơi xảy ra vụ bắt cóc con tin ở Trèbes, ngày 23/03/2018. REUTERS / Regis Duvignau

 

Vụ tấn công hôm Thứ Sáu 23/03/2018 tại Trèbes, một thị trấn êm ả với hơn 5.000 dân cư, ở miền nam nước Pháp, cho thấy nước này vẫn phải đối đầu với mối đe dọa khủng bố đến từ bên trong. Kẻ khủng bố tại Trèbes cũng là một người Pháp và tự nhận là một chiến binh của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Đó là điều khiến các chính phủ lo ngại hơn cả.


Tham gia liên quân quốc tế, can thiệp vào Syria và Irak chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo từ 2015, nước Pháp liên tục là mục tiêu tấn công của quân khủng bố, mà cho tới nay đã làm 245 người chết. Những thất bại liên tiếp của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở Trung Đông không làm thuyên giảm mối đe dọa tấn công nhắm vào Pháp nói riêng và các nước tây Âu nói chung.

Trong cuộc họp báo vài giờ sau khi xảy ra vụ bắt giữ con tin với hồi kết thảm khốc, chưởng lý Paris đặc trách về hồ sơ khủng bố, François Molins nhấn mạnh rằng "đe dọa khủng bố trên đất Pháp không hề thuyên giảm (...) mối đe dọa xuất phát ngay từ bên trong", do có những tín đồ Hồi giáo một sớm một chiều trở thành cực đoan, mà không ai biết trước được. Một chuyên gia khác của Pháp về khủng bố trong tuần đã nhận định rằng, mối đe dọa này sẽ còn kéo dài và nguy hiểm ở chỗ là rất khó phát hiện.

Những kẻ khủng bố ra tay không nhất thiết phải là những người đã từng sang Syria hay Irak chiến đấu, như trong đợt khủng bố tại Paris và Saint Denis đêm 13/11/2015 làm 130 người thiệt mạng. Trong các vụ tấn công bằng xe tải ở Nice trong đêm mừng lễ Quốc Khánh 14/07/2016 hay vụ sát hại cha xứ nhà thờ Saint Etienne-du-Rouvray 12 ngày sau đó, các thủ phạm đều chưa từng sang Syria hay Irak chiến đấu.

Theo các nhà điều tra, không có dấu hiệu nào cho thấy Radouane Lakdim, thủ phạm vụ khủng bố ở Trèbes, có ý đồ sang Syria tham gia thánh chiến. Thanh niên Pháp gốc Maroc này chưa từng bị phát hiện tìm đường sang Syria hay Thổ Nhĩ Kỳ, cổng vào để đến được các cứ địa của Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Irak và Syria. Trong buổi họp báo ngay tối Thứ Sáu 23/03/2018, chưởng lý Molins nhắc lại rằng cảnh sát đã không phát hiện dấu hiệu nào cho thấy Lakdim đang trên đà "cực đoan hóa"

Giám đốc cơ quan an ninh nội địa của Pháp DGSI, ông Laurent Nunez, tháng 10/2017, khi trả lời hãng tin AFP, đã lưu ý rằng, những kẻ khủng bố có thể ra tay mà "không có dấu hiệu báo trước". Nhìn rộng ra khỏi phạm vi nước Pháp, các nhà quan sát nhắc lại rằng, từ vụ tấn công nhắm vào Viện bảo tàng Do Thái ở Bruxelles hồi tháng 05/2014, cho tới vụ khủng bố ở Barcelona, Tây Ban Nha tháng 08/2017, và gần đây nhất là tại miền nam nước Pháp ở Trèbes, các kẻ chủ mưu thuộc một "mạng lưới nằm vùng", là những "con sói đơn lẻ".

Tháng 09/2017, khi trình bày dự luật chống khủng bố, bộ trưởng Nội Vụ Gérard Collomb đã nên lên khả năng có mối "đe dọa xuất phát từ trong nước". Theo ông, nguy cơ này bắt nguồn từ chính sách tuyên truyền của các tổ chức thánh chiến Hồi Giáo. Đầu năm 2018, ông Collomb cũng nhấn mạnh tới ưu tiên dành cho ngành tình báo. Bộ Nội Vụ đã lên kế hoạch tuyển dụng thêm 2.000 nhân viên cho cơ quan này từ nay đến cuối nhiệm kỳ của tổng thống Macron vào năm 2022.

Mối lo ngại đó đã được chứng minh qua vụ tấn công vừa qua ở Trèbes. Radouane Lakdim thuộc dạng hồ sơ "S", nghĩa là bị coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Cho đến cuối tháng 02/2018, trên toàn nước Pháp có 19.745 hồ sơ "S" ; 11.000 trong số này thuộc diện "năng động", được chú ý tới nhiều hơn, và 4.000 hồ sơ khác được theo dõi chặt chẽ hơn. Nhưng câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phát hiện kịp thời nhất cử nhất động của gần 20.000 người trong diện hồ sơ "S" đó ? Làm thế nào kiểm duyệt được mọi trao đổi trực tiếp hay qua mạng internet của những thành phần này với các đường dây tuyển mộ của Daech, với những kênh tuyên truyền của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo của những chiến binh nằm vùng phục vụ cho lý tưởng này ? Đó thực sự là thách thức về an ninh không chỉ riêng của Pháp, mà còn của toàn Châu Âu.

Giáo sư Jean-Piere Filiu, trường Khoa Học Chính Trị Paris, đưa ra một con số để so sánh. Dư luận cho tới nay thường chú ý vào hiểm họa khủng bố từ những người từng tham gia thánh chiến ở Trung Đông trở về nguyên quán. Tại Pháp, số này hiện là khoảng 200 người, theo con số được AFP trích dẫn. Nhưng trong khi đó, có tới gần 20.000 trường hợp trong danh sách "S" như đã nhắc tới ở trên.

Nguồn: RFI

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo