Thế giới

''Quyền lực'' của Hungary và thế khó của EU về lệnh trừng phạt mới với Nga

Cập nhật lúc 16-05-2022 13:06:07 (GMT+1)
Thủ tướng Hungary Viktor Orban (phải) gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ở Budapest ngày 09/5/2022. Ảnh: EPA/E

 

Bất chấp căng thẳng về vấn đề Nga và các tranh cãi về pháp quyền, Thủ tướng Hungary đang "nhắc nhở" EU rằng họ không thể làm được gì nhiều nếu không có nước này.


Mặc dù Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày càng bị cô lập hơn trên trường châu Âu, nhưng ông Orban vẫn có thể tận dụng các kế hoạch về lệnh cấm khai thác dầu của Nga để cho thấy Budapest vẫn là một nhân tố có ảnh hưởng trong EU.

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, ông Orban đã có quan điểm mềm mỏng hơn đối với Moskva so với các nhà lãnh đạo phương Tây khác. Mặc dù ủng hộ các biện pháp trừng phạt đối với Nga, nhưng Hungary từ chối gửi vũ khí cho Ukraine.

Lập trường đó không chỉ khiến ông Orban bị "xa lánh" bởi các nhà lãnh đạo phương Tây khác, mà còn khiến nhà lãnh đạo của Hungary mâu thuẫn với đối tác truyền thống tin cậy duy nhất của mình ở EU, Chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu của Ba Lan. 

Quan điểm trên cũng càng làm trầm trọng thêm mối quan hệ căng thẳng với các tổ chức EU, vốn từ lâu đã cáo buộc ông Orban làm xói mòn các tiêu chuẩn dân chủ của Hungary. Chỉ mới tháng trước, mối quan hệ đó đã xấu đi hơn nữa khi Brussels kích hoạt một quy trình có thể cắt giảm các khoản ngân sách quan trọng cho Budapest.

Nhưng các kế hoạch cấm khai thác dầu mỏ từ Nga đã mang lại cho ông Orban cơ hội thể hiện tầm quan trọng với châu Âu để giành được những nhượng bộ.

Trong những ngày kể từ khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đề xuất EU chấm dứt mọi hoạt động nhập khẩu dầu của Nga, ông Orban đã nổi lên như là tâm điểm chính trị, đưa ra một thỏa thuận mới nhất trong đó yêu cầu Hungary cần có thêm thời gian trước khi lệnh cấm có hiệu lực.  

Với các quy tắc của EU đòi hỏi sự đồng thuận liên quan đến các quyết định quan trọng, Thủ tướng Orban đã khiến cả EU phải chú ý đến Hungary một cách hiệu quả. Đầu tuần này, bà Leyen đã bay đến Hungary để thảo luận về lệnh cấm dầu với ông Orban. Ngày hôm sau, các quan chức EU cho biết họ đang cân nhắc một gói bồi thường tài chính cho quốc gia này.

Mặc dù Hungary không phải là quốc gia duy nhất yêu cầu thay đổi gói trừng phạt mới nhất của EU, nhưng nước này cho đến nay vẫn là quốc gia có tiếng nói cứng rắn nhất, khi ông Orban mô tả lệnh cấm dầu như một “quả bom hạt nhân” đối với nền kinh tế của Hungary.

EU đã đồng ý cho Hungary gia hạn thêm hai năm, nhưng Thủ tướng Orbn tuyên bố rằng họ cần 5 năm cùng một nguồn tài trợ đáng kể của EU để thực hiện quá trình chuyển đổi. Một cựu quan chức Hungary đã mô tả cách tiếp cận chính trị của Thủ tướng Orban: “Ông ấy là một cao thủ, giờ Hungary đang nắm trong tay một quân bài mạnh mẽ". 

Tại Brussels, ông Orban giờ đây không nhất thiết phải dựa vào sự hỗ trợ từ các đồng minh khu vực truyền thống trong Nhóm V4 (Visegrád), gồm Séc, Slovakia và Ba Lan do có quan điểm cứng rắn hơn về Nga so với Hungary. Tuy nhiên, ông Orban vẫn xác định được vấn đề để gây ảnh hưởng: Các quyết định lớn của EU.  

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Kossuth thuộc sở hữu nhà nước cuối tuần trước, ông Orban lưu ý rằng "Brussels phải lắng nghe Budapest nếu muốn thúc đẩy gói trừng phạt gây tranh cãi nhất cho đến nay". Ông Orban nói: “Trong tình huống này, quan điểm của Hungary cũng có trọng lượng ngang bằng với quan điểm của các quốc gia lớn hơn. EU cần một quyết định thống nhất".

Hungary phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ của Nga, nhưng vẫn có khả năng thỏa hiệp. Brussels đã nhất trí đề nghị gia hạn của nước này và, theo ba quan chức EU, một gói tài chính có thể được chuyển đến Budapest như một phần của chiến lược năng lượng mới của khối, dự kiến được đề ra vào tuần tới, để giúp chấm dứt sự phụ thuộc của Hungary vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga.

Thủ tướng Hungary cũng đã tận dụng thời điểm này để khiến các nhà lãnh đạo EU tương tác trực tiếp với ông, một động thái có thể góp phần tạo ảnh hưởng ở trong nước. Sau khi bà Leyen thực hiện chuyến thăm tới Budapest, ông Orban đã tiến hành cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, một trong những nhà lãnh đạo EU có nhiều ảnh hưởng nhất. 

Trong khi Thủ tướng Hungary đưa ra quan điểm cứng rắn đối với lệnh cấm dầu từ Nga, gần đây đã có một số tín hiệu cho thấy ông Orban có thể đang tìm cách phá vỡ sự bế tắc trong mối quan hệ rắc rối  với Brussels, cùng mục đích giải phóng một số quỹ mà EU đã đóng băng với Hungary. 

EU đang giữ lại 7,2 tỷ Euro trong quỹ phục hồi sau COVID của EU cho Hungary do lo ngại về pháp quyền và các nhà ngoại giao cho rằng Budapest có thể đang tìm cách liên kết các cuộc đàm phán về lệnh cấm vận dầu mỏ với việc giải ngân các khoản tiền bị phong tỏa.

Ủy ban châu Âu tuyên bố rằng những lo ngại về tham nhũng là một yếu tố chính trong quyết định khởi động quy trình có thể dẫn đến việc cắt giảm tài trợ. Péter Krekó, Giám đốc Viện Chính trị, một tổ chức tư vấn có trụ sở ở Budapest nói: Chính phủ của Thủ tướng Orbán đang “tìm kiếm lối thoát”, lưu ý rằng Hungary đang "cần tiền" sau khi cuộc bầu cử kết thúc.

Tuy nhiên, hiện không có dấu hiệu nào cho thấy ông Orbán sẽ thực hiện bất kỳ thay đổi cơ bản nào để giải quyết những lo ngại của EU về các vấn đề dân chủ và các vấn đề cốt lõi khác.

Điều đó có thể khiến Ủy ban châu Âu rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: Đẩy mạnh cắt giảm các khoản tài trợ của EU cho Hungary hoặc phải nhượng bộ để tránh bất đồng với Budapest trên các mặt trận khác, đặc biệt các vòng trừng phạt tiếp theo nhằm vào Nga.

Công Thuận
Nguồn: baotintuc.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo