Thế giới

Thái Lan: Người biểu tình bao vây Bộ ngoại giao

Cập nhật lúc 26-11-2013 02:20:06 (GMT+1)
Biểu tình chống chính phủ ở Bangkok ngày 25/11

 

Trong một bài phát biểu trên kênh truyền hình, bà Yingluck nói rằng sẽ dùng Luật An ninh Nội bộ tại tỉnh Samut Prakarn, nơi có phi trường chính của Bangkok. Tuy nhiên, bà không dùng vũ lực để biểu tình và kêu gọi nhân viên chính phủ tiếp tiếp tục làm. 


Chiếm tòa nhà

Người biểu tình Thái Lan chiếm trụ sở Bộ Tài chính và tiến sát Bộ Ngoại giao ở Bangkok hôm thứ Hai, trong khi phe chống đối chính phủ kêu gọi chiếm thêm các tòa nhà chính phủ khác.

Sau khi đã chiếm được Bộ Tài chính, phe chống chính phủ đổ xô vào sân của Bộ Ngoại giao.

“Những người biểu tình có mặt trong khu vực của bộ nhưng hứa không tiến vào các tòa nhà,” theo lời một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Thái Lan.

Người này nói nhiều khả năng giới ngoại giao sẽ phải làm việc ở nhà trong ngày thứ Ba.

Truyền thông Thái Lan nói có hàng trăm người ở khu vực tòa nhà Bộ Ngoại giao.

Mục đích của họ là gây sức ép lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Căng thẳng chính trị tăng cao sau khi hơn 30.000 người xuống đường tại thủ đô.

Lãnh đạo biểu tình, Suthep Thaugsuban, nói với đám đông trước Bộ Tài chính: “Tôi mời mọi người ở lại đây qua đêm.”

“Tôi kêu gọi người biểu tình cũng chiếm các tòa nhà chính phủ trên toàn quốc.”

Một phóng viên ảnh người Đức bị tấn công sau khi bị cáo buộc là ủng hộ chính phủ.

Nick Nostitz nói ông ta bị đấm nhiều lần trước khi trốn thoát sang phía cảnh sát.

Các cuộc biểu tình chống chính phủ bắt đầu từ tháng 10. Chúng bùng phát vì một dự luật ân xá mà có thể dẫn đến sự trở về của anh trai Thủ tướng, ông Thaksin Shinawatra.

Ông Thaksin bị lật đổ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2006 và bị kết án vắng mặt vì tội tham nhũng năm 2008.

Mặc dù dự luật bị bác bỏ, nhưng các cuộc biểu tình đã đẩy lên thành lời kêu gọi lật đổ chính phủ của bà Yingluck.

Hôm thứ Ba, bà Yingluck sẽ đối diện cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

“Tôi không có dự định từ chức hay giải tán quốc hội,” bà tuyên bố.

Người biểu tình chiếm trụ sở Bộ Tài chính

Đảng cầm quyền của bà, đảng Pheu Thai (Vì nước Thái), chịu sự thất vọng khi tuần rồi Tòa Hiến pháp bác đề nghị để toàn bộ các vị trí trong Thượng viện do dân bầu.

Các diễn biến tại Thái Lan kể từ khi ông Thaksin Shinawatra lên cầm quyền và sau bị lật đổ năm 2006 tiếp tục thu hút sự chú ý của các nhà quan sát trong vùng.

Nhận định Thái Lan, cựu Thủ tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu trong cuốn sách mới ‘One man’s view of the world’ (8/2013) viết rằng dù hai phe Áo Đỏ và Áo Vàng tiếp tục biểu tình, Thaksin đã làm thay đổi toàn bộ chính trị Thái Lan:

“Sẽ không có chuyện trở lại với nền chính trị cũ của Thái Lan, trở về thời kỳ trước Thaksin, khi mà tầng lớp trên nắm trọn quyền lực. Thái Lan sẽ tiếp tục đi trên con đường mà Thaksin tạo đà đẩy nước này vào,”

“Khoảng cách giàu nghèo trên cả nước sẽ giảm. Nhiều nông dân sẽ được nâng lên thành trung lưu và sẽ góp phần tăng tiêu dùng nội địa và Thái Lan sẽ tiến triển tốt.”

Nguồn: BBC

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo