Thế giới

Vì sao châu Âu không thể buông Hy Lạp?

Cập nhật lúc 08-07-2015 12:23:31 (GMT+1)
Hai cha con một người Hy Lạp tham gia biểu tình tại Athens hồi cuối tháng 6. (Ảnh: NYT)

 

Cuối tuần qua, hơn 60% người dân Hy Lạp nói không với việc thắt chặt chi tiêu hơn theo yêu cầu của các chủ nợ, dù Athens đang kiệt quệ và cần tiền hơn bao giờ hết.


Trong một bài xã luận, tờ New York Times cho rằng, việc Hy Lạp gánh chịu hậu quả như ngày nay cũng có trách nhiệm của các lãnh đạo tại châu Âu. Và điều duy nhất để họ cứu lấy cả khối đồng tiền chung, đó chính là phải cứu Hy Lạp.

Chiến thắng rền vang cho đợt trưng cầu dân ý nói ‘Không’ vừa qua tại Hy Lạp đã để lại cho các lãnh đạo châu Âu, bao gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel, một lựa chọn rõ ràng và khắc nghiệt.

Chỉ có họ mới có quyền quyết định xem điều gì sẽ diễn ra sau đây – liệu có nên để Hy Lạp rời khỏi Khu vực đồng tiền chung (Eurozone), hay đưa ra đường hướng nào khác cho nền kinh tế này, bắt đầu bằng việc giảm dần số nợ khổng lồ không thể nào trả nổi.

Hy Lạp đã, đang và sẽ tiếp tục trong cơn khốn khó. Tỷ lệ thất nghiệp vượt quá 25%, trong khi Tổng sản phẩm quốc nội đã giảm một phần tư kể từ năm 2008.

Những năm vừa qua đã cho thấy chính sách thắt chặt chi tiêu không giúp được gì cho Hy Lạp và các chủ nợ. Và việc phê phán lẫn trừng phạt họ hơn nữa về điểm này cũng không thay đổi được thực tế đó.

Vị lãnh đạo quyền lực nhất châu Âu là bà Merkel giờ phải quyết định xem liệu bà có chấp nhận rủi ro với sự ổn định của Liên minh châu Âu, phó thác Hy Lạp cho cơn suy thoái và đe doạ thị trường tài chính toàn cầu, hay là làm một điều phải lẽ trong thời điểm này.

Các lãnh đạo Eurozone ngày 7/7 nhóm họp để thảo luận các phương án của họ, và cân nhắc một đề xuất mới từ Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. Họ sẽ phải hành động mau chóng bởi các ngân hàng Hy Lạp đang cạn dần tiền mặt.

Từ viễn cảnh kinh tế, rõ ràng các lãnh đạo châu Âu biết rõ nên làm gì. Họ cần phải tái cơ cấu tổng số nợ 317 tỷ Euro của Hy Lạp – lớn gấp 177% GDP của nước này, và giữ chân Hy Lạp (vốn là thành viên Liên minh châu Âu và NATO) trong Eurozone.

Hy Lạp rời khối chắc chắn sẽ khiến nước này tổn thất, các ngân hàng vỡ nợ và hầu hết hoạt động kinh tế đình trệ, trong khi chính phủ phải ban hành kịch bản mới, mà hầu như có thể hiểu là sự trở lại của đồng nội tệ drachma vốn đã mất giá nghiêm trọng.

Không ai dám chắc là kịch bản đó sẽ còn tệ đến mức nào. Đó là lý do vì sao Thủ tướng Tsipras và các lãnh đạo đảng phái chính trị khác tại Hy Lạp hôm 6/7 nói rằng, họ muốn quốc gia này vẫn ở lại khối đồng tiền chung.

Hy Lạp ra đi khỏi Eurozone cũng gây nên thiệt hại không kể xiết cho uy tín của đồng Euro và châu Âu, khi nó cho thấy thực tế là bất kỳ tư cách thành viên của quốc gia nào trong khối đồng tiền chung cũng có thể bị huỷ bỏ.

Đó là nỗi lo ngại trước mắt của các quốc gia có nền kinh tế yếu kém hơn, như Italy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, vì hoa lợi từ trái phiếu chính phủ của họ chỉ tăng khiêm tốn sau đợt bỏ phiếu tại Hy Lạp.

Tuy nhiên, nỗi ám ảnh về những lần ra đi kế tiếp khỏi Eurozone chắc chắn là sẽ khiến các lãnh đạo châu Âu khó mà phản ứng được trước các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Những người phản đối việc cứu trợ cho rằng, việc cứu Hy Lạp sẽ chẳng khác nào ban phần thưởng cho một chính phủ không thể cải cách nền kinh tế. Tuy nhiên, đó có vẻ là sự cố tình hiểu sai về những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng này.

Chính các lãnh đạo châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã mắc sai lầm lớn nhất vào năm 2012, khi họ chỉ tái thiết một phần các khoản nợ của Hy Lạp (mà phần lớn trong số đó thuộc sở hữu của các ngân hàng tại Đức và phần còn lại của châu Âu).

Họ làm cho vấn đề trầm trọng hơn, khi yêu cầu quốc gia này phải cắt giảm chi tiêu và tăng thuế. Điều đó khiến nền kinh tế yếu kém kiệt quệ thêm, gia tăng tình trạng thất nghiệp. Ở đề xuất mới đây, các chủ nợ còn muốn cắt giảm sâu thêm các khoản chi tiêu vốn đã rất eo hẹp của Hy Lạp, điều có thể khiến nền kinh tế bị co kéo thêm.

Đúng là các quan chức Hy Lạp trước đây và hiện nay phải chịu trách nhiệm cho rất nhiều vấn đề của đất nước họ. Tuy nhiên, tính toán sai lầm của các lãnh đạo châu Âu đã khiến khủng hoảng tồi tệ thêm. Bây giờ, họ phải chấm dứt đe doạ bằng cách cứu lấy Athens.

Nguồn: Lê Thu/vietnamnet

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo