Tin tức

Ân xá thuế để dân khai ra hàng tỷ USD

Cập nhật lúc 22-02-2017 17:15:44 (GMT+1)
Cơ chế ân xá thuế của Indonesia khiến hàng tỷ USD trong dân và từ tài khoản hải ngoại quay về với ngân sách

 

Tháng 7/2016, chính phủ Indonesia ra luật ân xá thuế để người dân và doanh nghiệp chưa nộp hết hoặc trốn thuế có thể khai báo lại, đóng thuế và hợp pháp hóa các khoản tiền của mình.


Theo Reuters từ Singapore, có ít nhất 200 tỷ USD tiền từ Indonesia chưa khai thuế đang để trong các tài khoản ở Singapore.

Giới tài chính khu vực ước tính ít nhất 30 tỷ USD sẽ 'hồi hương' về lại Indonesia.

Giải pháp của Indonesia và Ấn Độ

Nhưng chính quyền của Tổng thống Joko Widodo hy vọng ít nhất 76 tỷ USD sẽ được chuyển về nước theo kế hoạch 'ân xá thuế' (tax amnesty) của họ.

Ngân hàng Trung ương Indonesia thì nêu ra con số khiêm tốn hơn, 42 tỷ USD.

Dù sao đó cũng là một khoản tiền lớn cho nền kinh tế và thu nhập đáng kể cho ngân quỹ quốc gia Indonesia từ tiền thuế.

Ngoài tiền từ hải ngoại mang về, ân xá thuế cũng áp dụng với người trong nước.

Đến cuối tháng 9/2016, Indonesia đã ghi nhận khoản rupiah tương đương 7 tỷ USD từ người dân khai thuế sau vài tháng thực hiện cơ chế ân xá.

So với đợt cũng ân xá thuế năm 2008 thu về 500 triệu USD tiền thuế thì lần vừa qua, trong năm 2016 thực sự là một thành công.

Indonesia không phải nước châu Á đầu tiên mở ra cơ chế ân xá thuế.

Cũng trong năm 2016, chỉ nhờ bốn tháng thực hiện ân xá thuế, Ấn Độ đã làm lộ ra 9,8 tỷ USD tiền cất dấu trong dân chúng, theo Financial Times hồi tháng 10 cùng năm.

Như phóng viên BBC Sanjoy Majumder viết từ Dehli, trên 64 nghìn công dân Ấn Độ đã đồng ý khai thuế cho các khoản "chưa khai" và không hề bị trừng phạt.

Khoản tiền ngân sách thu về chỉ sau bốn tháng có thể lên tới 4,5 tỷ USD.

Theo một số ước tính, đây chỉ là những khoản tiền có mặt trong nước.

Số tiền người Ấn Độ cất ở nước ngoài, trong các tài khoản Thuỵ Sỹ, các thiên đường thuế có thể lên tới 500 tỷ USD.

Đồng đô la Mỹ - hình minh họa

Đồng đô la Mỹ - hình minh họa

Chảy máu ngoại tệ

Hai quốc gia Trung Quốc và Việt Nam từ mấy năm qua đều nói nhiều đến chuyện 'chảy máu ngoại tệ'.

Nhưng cách làm vẫn nhắm vào cấm đoán thay vì khuyến khích.

Chẳng hạn hai nước này đều hạn chế khoản ngoại tệ mà công dân được mang ra nước ngoài hợp pháp.

Đồng thời, một số cơ quan chức năng đòi truy nã những nhân vật có dính líu đến làm ăn, đặc biệt là quan chức bị cho là tham nhũng, nhằm buộc họ hoặc thân nhân mang tiền về.

Các cách này không đủ ngăn nguồn ngoại tệ thất thoát.

Hồi tháng 12/2016, Bloomberg ước tính chỉ cần 1% dân số Trung Quốc (gần 1,4 tỷ người) dùng hết mức giới hạn chuyển đổi 50 nghìn USD một năm thì cũng có khoảng 700 tỷ USD rời Trung Quốc.

Còn tại Việt Nam, hồi tháng 5/2016 cũng có cuộc tranh luận về 'chảy máu ngoại tệ'.

Trang VOV trích lời ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, lại nhắc lại câu chuyện hàng tỷ USD từ Việt Nam 'chảy' ra nước ngoài ở quý 3/2015 và cho rằng đó là hệ luỵ của "bẫy thanh khoản ngoại tệ".

Tiền Ấn Độ

Ân xá thuế làm lộ ra khoản tiền tương đương hàng tỷ USD ở Ấn Độ

Còn ông Cấn Văn Lực, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV lại cho rằng đó là chuyện bình thường của người làm kinh doanh.

Theo ông, các ngân hàng Việt Nam vẫn gửi ngoại tệ ở nước ngoài để lấy lãi.

Ngoài ra, báo chí Việt Nam nêu ra "ma lực casino", hoạt động du học và một số hoạt động khác như lý do thất thoát ngoại tệ khỏi nước này.

Mặt khác, các quan chức Đảng Cộng sản ở Việt Nam vẫn nhấn mạnh đến khía cạnh đạo đức, chống tham nhũng để không cho mang tiền ra nước ngoài.

Nếu chính quyền Việt Nam muốn 'ân xá thuế' để làm lộ ra các khoản tiền cất trong dân và gọi tiền từ nước ngoài về, có lẽ họ cần học ví dụ của Ấn Độ là không đe dọa, trừng phạt.

Chính quyền có lẽ cũng cần cam kết, như chính phủ Dehli đã làm, là tuyên bố các khoản thu về từ thuế sau ân xá sẽ được chi tiêu chỉ vào mục tiêu công ích.

Nguồn: BBC

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo