Tin tức

Bỏ tiền vào đâu để kiếm lời giữa mùa dịch COVID-19 ngày càng 'nóng'?

Cập nhật lúc 12-07-2021 08:28:28 (GMT+1)
Giữa mùa dịch COVID-19, nên bỏ tiền vào đâu? (Ảnh minh họa).

 

Đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành tại Việt Nam, nhiều hoạt động kinh tế bị đình trệ, câu chuyện bỏ tiền nhàn rỗi vào đâu lại được nhiều người quan tâm.


Gần 2 năm qua, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh khiến không chỉ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng mà túi tiền của nhà đầu tư cũng thất thoát nghiêm trọng. Ngay khi dịch bệnh bùng phát, nhiều người đã phải nghe ngóng, nương theo diễn biến thị trường để đầu tư sao cho hiệu quả, nhằm vừa đảm bảo tài sản không bị "bốc hơi" vừa kiếm được lời giữa mùa dịch khó khăn. Bởi vậy, việc soi sức khỏe các kênh đầu tư luôn được nhiều người nhắm đến.

Từ giữa năm 2020, các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Đây là nguyên nhân chính làm giảm sức hấp dẫn của kênh đầu tư này. Hiện lãi suất tiết kiệm cao nhất tại các ngân hàng cũng chỉ dao động trên dưới 6% cho các khoản tiền gửi nhỏ. Vì vậy, theo nhận định của nhiều chuyên gia, người gửi tiền ngân hàng hiện phần lớn là nhằm mục đích đảm bảo tài sản, bởi đây vốn là kênh có tính an toàn cao nhất. Trong khi đó, những nhà đầu tư hướng đến mục tiêu kiếm lời thường không đủ kiên nhẫn và rời khỏi kênh này.

"Tuy ngân hàng không còn sinh lời nhanh và cao đột biến như chứng khoán hay vàng, bất động sản nhưng đây vẫn là kênh đầu tư đáng tin cậy nhất và ít biến động nhất. Giữa đại dịch, nhà đầu tư cũng nên cân nhắc đến việc giữ cho tài sản được vẹn nguyên", một chuyên gia tài chính tư vấn.

Chứng khoán đang là kênh đầu tư bùng nổ nhất, liên tục tăng “nóng” trong hơn 1 năm qua, bất chấp đại dịch hoành hành.

Tháng 6 vừa qua, thị trường chứng khoán chứng kiến nhiều kỷ lục lịch sử với những phiên giao dịch đạt trên 32.000 tỷ đồng, số lượng tài khoản giao dịch mở mới bình quân trên 100.000 tài khoản/tháng, chỉ số VN-Index liên tục lập đỉnh mới. Chứng khoán Việt Nam thậm chí còn lọt TOP tăng trưởng tốt nhất khu vực và thế giới.

Dù vậy, thị trường đã có những đợt điều chỉnh mạnh vào đầu tuần tháng 7. Đỉnh điểm là khi chỉ số VN-Index giảm mạnh hơn 56 điểm xuống còn 1.354,79 điểm, nhiều mã chứng khoán đỏ sàn do lượng cổ phiếu bán ra ồ ạt khi có những thông tin bất lợi, đặc biệt là ảnh hưởng tâm lý từ COVID-19. Hiện các nhà đầu tư cũng đang trong trạng thái chờ xu hướng mới nhất của thị trường để quyết định có nên dốc tiền hay không.

Theo phân tích của chuyên gia, chứng khoán là kênh đầu tư có thể giúp người chơi kiếm lời nhanh, thậm chí siêu nhanh. Song đây cũng là kênh mạo hiểm và dành cho những người trường vốn, có kiến thức, kinh nghiệm và đôi khi phải chấp nhận "tất tay". Những nhà đầu tư F0 nếu không đáp ứng đủ các điều kiện trên thường dễ nhận thất bại.

Trong khi đó, sau một thời gian bùng nổ dữ dội rồi nhanh chóng suy giảm, các kênh đầu tư như vàng, Bitcoin…hoàn toàn không được lựa chọn trong giai đoạn này vì yếu tố rủi ro cao, thông tin thiếu minh bạch từ thị trường.

Sau hơn 1 năm ít bị tác động bởi COVID-19, thậm chí có thời điểm vẫn tăng "nóng", bất động sản hiện được nhiều chuyên gia coi là kênh hút vốn mùa dịch.

Thị trường bất động sản từ đầu năm chứng kiến cảnh giao dịch trầm lắng, nhiều công ty tạm ngừng hoạt động, các sàn giao dịch đóng cửa do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thế nhưng giới phân tích đánh giá, những tác động này là tất yếu và không đáng kể nếu so với các lĩnh vực, ngành nghề khác, do đó sức hút của bất động sản vẫn lớn.

Bằng chứng là ở nhiều địa phương vẫn xảy ra sốt đất cục bộ, nhà đầu tư kéo về không ngớt.

Trong suốt nhiều thập kỷ qua, biểu đồ giá nhà đất tại Việt Nam đi theo chiều hướng tăng dần đều, dù có gãy sóng ở một số giai đoạn nhưng thị trường nhanh chóng lấy lại phong độ và tiếp tục gia tăng mạnh mẽ.

Ông Dương Đức Hiển - Nguyên Giám đốc bộ phận kinh doanh Savills Việt Nam từng đưa ra đánh giá: "Thực tế chứng mình rằng, 40 năm qua, giá bất động sản chưa một lần giảm. Do vậy, chúng ta có thể thấy trong lúc kinh tế khó khăn thì nhiều dự án vẫn có tính thanh khoản tốt. Tôi vẫn khuyên các nhà đầu tư rằng, chỉ nên nhắm vào đầu tư trung hoặc dài hạn. Chỉ tiếc rằng, tâm lý của nhà đầu tư Việt hiện nay vẫn thích đầu tư ngắn hạn, lướt sóng mà quên mất rằng, muốn thu lợi nhuận cao từ bất động sản thì phải đầu tư dài hạn".

Cùng quan điểm với ông Hiển, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM - cũng cho biết bất động sản luôn là một kênh đầu tư tiềm năng, ngay cả trong khủng hoảng. Điều nay đã được chứng minh trong cuộc khủng hoảng nhà đất năm 2008-2011. Hiện nay, dù dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề kinh tế nhưng vẫn có làn sóng nhà đầu tư bất động sản âm thầm mua đất giữ tiền.

Còn theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam, 2021 là năm nhiều khó khăn và thử thách chung, không chỉ cho riêng Việt Nam mà còn của cả thế giới. Có thể kể ở đây các yếu tố chính là sự diễn biến phức tạp và khó lường của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, thị trường được dự đoán là sẽ không chứng kiến một sự suy sụp và giảm giá đáng kể như năm 2010 - 2011.

Các nhà đầu tư cá nhân thường sẽ có xu hướng lựa chọn vàng và bất động sản là kênh trú ẩn an toàn. Trong quá khứ, vào những thời điểm bất ổn như chiến tranh và dịch bệnh thì thường nhà đầu tư sẽ chuyển từ những khoản đầu tư mạo hiểm với khả năng thanh khoản cao sang những khoản đầu tư ít rủi ro và thanh khoản thấp hơn. Hiện nay, thay vì tích trữ vàng thì các nhà đầu tư sẽ chuyển sang bất động sản.

Với các nhà đầu tư cá nhân, đầu tư bất động sản là kênh tốt để tích lũy thay cho gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng hay tích trữ vàng. Bởi những người có năng lực tài chính dồi dào thì họ có thể đầu tư ngắn hạn hoặc cho thuê, vì đó là tài sản của họ.

Châu Anh
Nguồn: vtc.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo