Tin tức

Buồn cho ODA

Cập nhật lúc 25-08-2014 05:24:45 (GMT+1)
Cầu Cần Thơ là công trình có sử dụng vốn ODA của Nhật.

 

Vụ hối lộ liên quan đến vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật tại một dự án đường sắt ở Hà nội mới đây đã có một kết cục buồn cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Cục Đường sắt Việt Nam, khi họ phải chuyển 18 dự án trọng điểm về lại cho Bộ Giao thông Vận tải quản lý. “Tiến độ thực hiện các dự án đường sắt chậm, chất lượng không đảm bảo ở các dự án có vốn vay ODA, việc quản lý và sử dụng nguồn vốn không hiệu quả”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng giải thích vì sao đưa ra quyết định trên.


Những cáo buộc tham nhũng hay lãng phí liên quan đến vốn viện trợ không phải là điều gì đó quá mới mẻ trên thế giới. Đã có một số nghiên cứu của các nhà kinh tế chứng minh tác động tiêu cực của dòng vốn viện trợ này. Ví dụ, chuyên gia kinh tế Simeon Djankov (Bulgaria) cho rằng các dòng viện trợ này tương tự như nguồn tài nguyên trời cho và làm giảm chất lượng của thể chế nội địa thông qua việc khuyến khích hành vi trục lợi.

Thậm chí, một nhà kinh tế khác người Zambia, bà Dambisa Moyo, sau khi chứng kiến bi kịch của các quốc gia châu Phi khi nhận vốn ODA đã xuất bản một cuốn sách mang tên “Dead Aid” (tạm dịch: Sự viện trợ chết chóc). Trong đó, cho rằng viện trợ chỉ khiến các nước nghèo càng nghèo hơn và tăng trưởng chậm hơn vì nó khuyến khích hành vi tham nhũng, giảm tiết kiệm và đầu tư, gây lạm phát, giảm xuất khẩu (vì làm tăng giá trị đồng nội tệ) và thậm chí còn dẫn đến nội chiến.

Vậy tác động của vốn viện trợ là tích cực hay tiêu cực? Trên thực tế, đánh giá tác động của ODA là vấn đề vô cùng phức tạp. Thử nghĩ nếu không có vốn viện trợ, liệu Việt Nam có đủ tiền để xây cầu Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận, các dự án đường cao tốc và sắp tới đây có thể là siêu dự án sân bay Long Thành trị giá hàng tỉ USD.

Nhìn chung, các dự án hạ tầng như thế đã phần nào gây tác động lan tỏa và có thể đã mang lại những hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Nhưng để đánh giá hiệu quả đến mức nào sẽ là một câu hỏi hóc búa, không dễ trả lời.

Mới đây, tờ The Economist đã có một bài viết dẫn chứng một số kết quả đánh giá tích cực về dòng vốn viện trợ. Theo đó, nghiên cứu gần đây của hai nhóm nhà kinh tế Sebastian Galiani và Ben Zou (Đại học Maryland) và Stephen Knack và Colin Xu ( Ngân hàng thế giới) sau khi nghiên cứu dữ liệu của 35 quốc gia đã ước tính rằng cứ mỗi 1% thu nhập của một quốc gia có được từ vốn viện trợ, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm sẽ tăng thêm khoảng 1/3 điểm phần trăm trong ngắn hạn.

Trước đó, vào năm 2011, nhà kinh tế Markus Brückner thuộc Đại học Adelaide (Úc), ước tính rằng 1% mức tăng trong vốn viện trợ sẽ nâng tăng trưởng thu nhập bình quân theo đầu người cũng bằng một con số dương nhưng nhỏ hơn kết quả trên: 0,1 điểm phần trăm.

Liệu các con số này có làm những người ủng hộ chính sách viện trợ cho nước nghèo nở nụ cười thỏa mãn? Có một số nghiên cứu khác có lẽ khiến họ buồn lòng. Một phân tích của hai nhà kinh tế Chris Doucouliagos (Đại học Deakin) và Martin Paldam (Đại học Aarhus) cho thấy hiệu quả ước tính trung bình của vốn viện trợ đối với tăng trưởng là dương, nhưng quá nhỏ để có thể xem là mang lại một điều gì đó thực sự có ý nghĩa đáng kể. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, các chính sách thương mại hay cho phép nhập cư tự do hơn còn mang lại kết quả tích cực hơn nhiều so với vốn viện trợ.

Ở một khía cạnh khác, các kết quả nghiên cứu về vốn ODA cũng có khả năng thay đổi khi nguồn dữ liệu được mở rộng hơn. Chẳng hạn, vào năm 2000, một nghiên cứu có nhiều ảnh hưởng để thúc đẩy dòng vốn viện trợ này là nghiên cứu của hai nhà kinh tế Burnside và Dollar (Ngân hàng Thế giới). Nghiên cứu này đưa ra kết luận rằng viện trợ chỉ hiệu quả khi nước nhận áp dụng chính sách tốt. Chính sách tốt ở đây là chính sách về thặng dự ngân sách, tỉ lệ lạm phát và độ mở thương mại. Nếu điều kiện này được thỏa mãn, viện trợ sẽ có quan hệ tích cực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng 4 năm sau, hai nhà kinh tế là William Easterly và Ross Levine (Đại học Columbia) đã sử dụng lại mô hình trên và bổ sung thêm vào bộ dữ liệu thời gian 4 năm và 6 nước nhưng đã không lặp lại được kết quả tích cực trên!

Rõ ràng, vẫn còn nhiều tranh cãi liên quan đến tác động của dòng vốn ODA. Một nhà kinh tế khác, ông Jonathan Pincus (Mỹ) cho rằng tác động của dòng vốn viện trợ này có thể không liên quan nhiều đến quy mô viện trợ. Theo đó, đóng góp quan trọng nhất có lẽ là gây tác động học hỏi đi kèm với việc tiếp xúc với thực tiễn tốt nhất của quốc tế. Ông đưa ra ví dụ, nếu Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ xây đường cho Việt Nam, họ sẽ yêu cầu phải tổ chức đấu thầu cạnh tranh quốc tế cho các nhà thầu, đánh giá độc lập về thiết kế và kỹ thuật và một loạt những cơ chế khác để đảm bảo chất lượng và hiệu quả chi phí. Việc triển khai những quy trình này tạo cơ hội cho các quan chức và chuyên gia Việt Nam tiếp nhận những kinh nghiệm đáng giá trong triển khai dự án.

Nhưng sau đó, phạm vi những bài học này được tiếp nhận và áp dụng như thế nào cho các dự án khác phụ thuộc vào Chính phủ Việt Nam hơn là ADB, tức phụ thuộc vào mối quan tâm của Chính phủ trong việc áp dụng những thực tiễn này vào các dự án tương lai. Đây là ý tưởng tốt nhưng tiếc thay, việc đo lường những cơ hội học hỏi này là rất khó. 

Nguồn: Nguyễn Sơn/ Nhipcaudautu

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo