Tin tức

Cung Cầu tiền mặt mất cân đối – Có phải VNĐ bị phá giá?

Cập nhật lúc 13-11-2010 23:43:57 (GMT+1)

 

Gần đây, giá cả thị trường Việt Nam tăng đến chóng mặt, các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã đưa tin, chỉ trong vòng 2 tuần, giá tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm tăng từ 15 đến 20%, giá vàng và ngoại tệ thì nhảy múa khôn lường, đời sống người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong tình thế đó, chính phủ có một số động thái nhằm kìm hãm sự tăng giá nhưng có lễ những động thái đó chưa đủ mạnh hoặc là phi kinh tế thị trường nên hiệu ứng đáp ứng của thị trường  gần như không đáng kể, có chăng động thái tung ngoại tệ ra và cho nhập khẩu vàng chỉ đáp ứng chút ít góp phấn tạm ổn định tâm lý người dân trong rất ngắn hạn để ngay sau đó thị trường lại lao vào vòng xoáy bất ổn mới.


Để hiểu thấu đáo vấn đề hiện nay, cần xem xét các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế, trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ đề cập một yếu tố  liên quan đến vấn đề cung cầu tiền mặt ở Việt Nam.

Theo qui luật, cung tiền mặt tăng hàng năm thường tương đương với mức tăng GDP cộng với một tỷ lệ vừa đủ để duy trì lạm phát có kiểm soát theo mức định sẵn và bù lấp tỷ lệ tiền cũ, hỏng không sử dụng được. Để đảm bảo cân đối nền kinh tế, chính phủ thông qua ngân hàng nhà nước sẽ điều tiết mức cung tiền, vừa để đáp ứng lượng tiền cung tương ứng mức tăng trưởng GDP vừa là công cụ chủ động điều hành mức lạm phát phù hợp để kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên trong một số năm lại đây, dường như chính phủ đang bị bất lực bởi lẽ nền kinh tế thì ì ạch, trong khi chi phí cho chi tiêu công thì không ngừng tăng, thu ngân sách không đáp ứng chi tiêu của chính phủ dẫn đến lạm phát tăng cao buộc chính phủ cho in thêm tiền để chi trả cho chi tiêu công và trả lương cho bộ phận công chức nhà nước. Như vậy lượng tiền bơm vào thị trường tăng gấp nhiều lần tỷ lệ tăng trưởng GDP dẫn đến động tiền Việt Nam bị mất giá một cách thê thảm, trong khi đời sống người lao động không những không được cải thiện mà còn ngày càng bước vào khó khăn, hệ thống phúc lợi xã hội còn kém làm tâm lý người dân luôn lo sợ.

Sở dĩ vấn đề tồi tệ như vậy một phần là do sự điều hành vĩ mô có vấn đề, đất nước chúng ta một thời gian dài sống với quả bong bóng tăng trưởng, nhìn vào bộ mặt đất nước có cảm giác là phát triển, mức tăng GDP cao nhưng thực chất vấn đề tăng trưởng của chúng ta là không bền vững mà chủ yếu là do tài nguyên quốc gia bị bán rẻ, việc khai thác than và dầu thô bán cho nước ngoài và nhập về những sản phẩm chế biến không làm nền sản xuất trong nước phát triển mà còn làm nguồn tài nguyên cạn kiệt nhanh hơn. Dự kiến ngay từ năm 2011 chúng ta đã phải nhập than và dầu thô phục vụ cho sản xuất trong nước và phục vụ các nhà máy điện, mặt khác hiện tượng tham nhũng trong xã hội trở lên phổ biến trong mọi hoạt động xã hội không có kiểm soát, nền hành chính công quá rệu rã. Với chừng đó năm đổi mới nhưng ngành công nghiệp của ta hầu như chưa sản xuất được cái gì, tỷ lệ nhập siêu cao, giá trị gia tăng trong hàng hóa sản xuất tại Việt Nam rất thấp.

Việc cải tổ bộ máy, sát nhập các bộ, ngành với mục tiêu giảm biên chế bị phá sản, số lượng công chức nhà nước hưởng lương từ ngân sách nhà nước tăng cao hơn, lực lượng cán bộ của các cơ quan Đảng, các tổ chức hội nghề nghiệp hay các tổ chức xã hội khác đều hưởng lương từ ngân sách, việc mua sắm công như xây trụ sở làm việc, mua xe ôtô cá nhân cho quan chức chính quyền ngày càng lớn, các dự án phát triển kinh tế xã hội dùng tiền ngân sách đầu tư bị rút ruột kém chất lượng hoặc kém hiệu quả kinh tế và xã hội, các tập đoàn kinh tế nhà nước làm ăn thua lỗ hoặc lời lãi rất nhỏ không có đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước. Cái bánh ngân sách trung ương vốn rất nhỏ bé do nền sản xuất yếu kém nay phải chia sẻ quá nhiều phần dẫn đến ngân sách bị thâm thủng, lạm chi ngân sách tăng cao, dự trữ quốc gia không được cải thiện làm cho nền kinh tế yếu kém lại càng yếu kém hơn.

Ai cũng biết rằng, mấy ngày qua việc tăng giá vàng, ngoại tệ và các mặt hàng thiết yếu đã không thể kiểm soát nổi đó có phải là do chính phủ đã phải phá giá đồng Việt Nam một cách không công khai? Việc phải in thêm tiền đồng để bơm cho các ngân hàng và một số doanh nghiệp nhà nước đáo nợ là không tránh khỏi. Mặt khác người dân đã mất niềm tin vào tiền đồng và thi nhau rút tiền ở ngân hàng để mua vàng và đô la khiến thị trường tiền tệ đặc biệt này không thể kiểm soát, giá cả nhảy múa đến chóng mặt, người dân ngỡ ngàng không còn biết tin vào đâu. Các ngân hàng thì thiếu tiền mặt để thanh toán các hợp đồng cho doanh nghiệp hoặc cấp vốn cam kết cho các dự án, việc huy động vốn là rất khó khăn và chắc chắn dẫn đến siết chặt cho vay để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng. Mặt khác, ngân hàng nhà nước buộc phải bơm tiền cứu cánh các ngân hàng thương mại và cung tiền lại tiếp tục tăng khiến xã hội dư thừa tiền mặt dẫn tới mất giá tiền đồng là lẽ đương nhiên và như chúng ta thấy giá cả hàng hoá tăng theo ngày trong những ngày qua là không có gì khó hiểu.

Vừa qua chính phủ tuyên bố khống chế lạm phát năm 2010 ở mức 1 con số nhưng chúng ta hoàn toàn có quyền hoài nghi về tuyên bố này bởi trước mắt là bài toán kinh tế cung-cầu tiền chính phủ còn loay hoay không giải được thì việc giải bài toán lạm phát lớn hơn nhiều và phức tạp hơn nhiều. Người dân chỉ biết rằng với đà này không biết cuộc sống của họ sẽ đi về đâu? Và không biết chính phủ giải bài toán này thế nào? Chúng ta hãy cùng chờ xem.

Đình Văn

Nguồn: danlambao

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo