Tin tức

Cuộc chiến chống phá giá giữa châu Âu và Trung Quốc

Cập nhật lúc 17-05-2013 23:43:59 (GMT+1)
Huawei tham gia triển lãm ở Libya cuối tháng 4-2013. Sự mở rộng thị phần của các tập đoàn Trung Quốc ra nước ngoài thường bị

 

Cuộc chiến thương mại có thể bùng phát bất kỳ lúc nào và hai bên đều có con bài riêng để bảo vệ lợi ích của mình.


Ngay sau khi Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố có thể điều tra hai tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc là Huawei (Hoa Vi) và ZTE (Trung Hưng), lập tức Bộ Thương mại Trung Quốc đã chính thức đáp trả.

Theo AFP, ngày 16-5, ông Thẩm Đan Dương, người phát ngôn của bộ này, đã khẳng định trong một cuộc họp báo thường kỳ: “Quyền lợi của Trung Quốc và EU sẽ bị ảnh hưởng nếu EU đơn phương áp đặt các biện pháp điều tra bán phá giá sản phẩm Trung Quốc trên thị trường châu Âu”. Ông Thẩm không quên nhắc nhở trong mối quan hệ hai chiều này, các công ty châu Âu đang chiếm thị phần ở Trung Quốc nhiều hơn so với phần của Trung Quốc ở châu Âu.

Châu Âu dọa?

Một ngày trước, nguồn tin từ Brussels (Bỉ) cho biết Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra “quyết định cứng rắn” liên quan đến việc điều tra bán phá giá của Huawei và ZTE trên thị trường châu Âu. Reuters mô tả đây có lẽ là lời “đe dọa” đầy quyết tâm mà Cao ủy thương mại Karel De Gucht đưa ra với mong muốn sớm tiến hành cuộc điều tra chính thức.

Từ nhiều tháng qua, Huawei và ZTE luôn nằm trong tầm ngắm của EC do việc hai tập đoàn này đã thực hiện các quy tắc thương mại quốc tế bất chính. Đây có thể là lần đầu tiên EC chủ động mở cuộc điều tra mà không hề có đơn khiếu nại chính thức từ các công ty châu Âu. Động thái này được xem là khá “nhạy cảm” về mặt chính trị dù biết rằng EC có quyền mở bất kỳ cuộc điều tra nào.

EC cho rằng hai tập đoàn viễn thông Trung Quốc đã bán các sản phẩm của họ thấp hơn giá thị trường nhờ vào khoản tiền hỗ trợ “bất hợp pháp” từ chính phủ. Nhờ đó, với chính sách trợ giá cùng lãi suất vay ưu đãi từ ngân hàng, Huawei và ZTE luôn có lợi thế trước các đối thủ như Nokia, Ericsson hoặc Acatel - Lucent.

Huawei và ZTE luôn đưa ra mức giá bán hấp dẫn nhằm thu hút người mua, thường giá bán của họ luôn thấp hơn 35% so với những sản phẩm khác có mặt trên thị trường. Theo báo Le Monde (Pháp), hiện doanh số các sản phẩm xuất khẩu của Huawei và ZTE sang châu Âu là hơn 1 tỉ euro (khoảng 1,3 tỉ USD)/năm, chiếm 1/4 thị phần của thị trường châu Âu.

Thế nhưng, một số nhà quan sát cho rằng EC chỉ “mạnh miệng” cảnh báo chứ chưa dám mạnh tay và chỉ muốn đưa ra một thời hạn để “thương lượng với Trung Quốc nhằm tìm ra một giải pháp ổn thỏa”.

“Chúng tôi đang cảnh báo Trung Quốc và muốn nói với họ rằng nếu họ không thay đổi các quy tắc thương mại thì chúng tôi buộc phải đánh thuế” - báo La Tribune (Pháp) dẫn lời một nguồn tin thân cận từ Brussels cho biết.

Như vậy, sau một thời hạn nhất định, nếu như phía Trung Quốc không thay đổi chiến lược thì Brussels đơn phương áp dụng thuế chống phá giá, buộc các nhà sản xuất phải tăng giá bán.

Đây không phải lần đầu tiên châu Âu tấn công vào thương mại gian lận của Trung Quốc. Trước đó, một nhóm công ty châu Âu đã yêu cầu điều tra các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời sau khi sản phẩm này của Trung Quốc tràn ngập thị trường châu Âu với giá cực thấp.

EC đã tiến hành thiết lập bảng thuế quan đối với các sản phẩm tấm pin năng lượng mặt trời được nhập từ Trung Quốc và sẽ áp dụng vào tháng 6-2013. Điều này đồng nghĩa với việc châu Âu có thể thu về hàng tỉ USD từ thuế.

Trung Quốc phản pháo? 

Cuộc mặc cả giữa hai bên

Theo Thời Báo Hoàn Cầu, châu Âu đã nhiều lần gây áp lực lên Huawei và ZTE. Tháng 5-2012, EU tuyên bố đã thu thập đủ chứng cứ cho thấy Huawei và ZTE có được lợi thế là nhờ vào chính sách trợ giá của Chính phủ Trung Quốc. Tiếp theo đó, ngày 31-1-2013, Cao ủy thương mại EU Karel De Gucht lại đề nghị tăng giá bán sản phẩm của Huawei và ZTE lên 29% nhằm giảm sức cạnh tranh, đồng thời đưa ra hạn ngạch thiết bị của châu Âu phải chiếm 30% trên thị trường viễn thông Trung Quốc. Đổi lại, châu Âu sẽ bãi bỏ việc điều tra đối với Huawei và ZTE.

Dường như Huawei và ZTE đã quá quen với các cáo buộc từ nước ngoài và lập tức lên tiếng đáp trả trước lời đe dọa từ châu Âu. Báo Tân Kinh dẫn lời một nhân viên cấp cao của ZTE cho biết việc điều tra có thể “ảnh hưởng đến việc tiêu thụ các thiết bị viễn thông của ZTE”, nhưng “sẽ không có nhiều khả năng EU tìm ra được gì và cuộc điều tra này sẽ chẳng thu được kết quả gì”.

Về phần mình, Huawei cho rằng sở dĩ họ thành công trên thị trường châu Âu chẳng qua là nhờ biết sử dụng hiệu quả các biện pháp giảm chi phí sản xuất. “Huawei phản đối việc châu Âu chỉ dựa trên tin đồn mà tiến hành điều tra đối với công ty” - đại diện từ Huawei nhấn mạnh.

Phản ứng ở cấp nhà nước của Trung Quốc cũng rất nhanh. Trong cuộc họp báo ngày 15-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi tuyên bố: “Hi vọng phía châu Âu đứng trên cục diện hợp tác chung giữa Trung Quốc và châu Âu mà xem xét vấn đề, tạo điều kiện tốt cho việc phát triển ổn định và vững mạnh quan hệ mậu dịch Trung Quốc - châu Âu, không nên áp dụng các biện pháp của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch”.

Người phát ngôn Thẩm Đan Dương cũng hiểu được lá bài của mình khi nêu rõ: “Nhiều quốc gia của EU cũng chống lại một cuộc điều tra như thế. Vì vậy, chúng tôi hi vọng EU sẽ ngưng các biện pháp làm ảnh hưởng đến cả hai phía”.

Thực tế là một số nước ở châu Âu, nhất là Thụy Điển, đang muốn ngăn cản mọi hành động của EC vì lo ngại cuộc điều tra sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh cũng như nhiều hợp đồng béo bở của họ tại Trung Quốc. Hà Lan và Anh cũng phản đối cuộc điều tra vì Huawei là một doanh nghiệp quan trọng ở nước họ. Theo Reuters, hiện chỉ Pháp và Ý là đồng ý có những biện pháp trừng phạt Trung Quốc.

Nguồn: Hà An-Đông Phương/ TTO

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo