Tin tức

Điều gì xảy ra nếu ông Trump đòi Trung Quốc khoản nợ nghìn tỷ USD trái phiếu thời nhà Thanh?

Cập nhật lúc 02-09-2019 16:23:20 (GMT+1)
Bà Jonna Bianco (ở giữa) trong một lần gặp gỡ với Tổng thống Donald Trump tại sân golf Bedminster. (Ảnh: Bianco)

 

Nhà Trắng đang nhắm tới món nợ “thế kỷ” của Trung Quốc như là một vũ khí trong cuộc chiến thương mại với nước này.


Chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể coi số nợ trái phiếu vốn có tuổi đời cách đây hàng thế kỷ của Trung Quốc là vũ khí trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Bắc Kinh, - những người đang nắm giữ món nợ “cổ” này cho biết, đồng thời khẳng định họ đã gặp Tổng thống để thảo luận về vấn đề này.

Theo một báo cáo của Bloomberg được công bố hôm thứ Năm, những cố vấn thương mại hàng đầu của ông Trump đang nghiên cứu về khả năng đòi lại các khoản nợ “thế kỷ” của Trung Quốc. Tất nhiên, Trung Quốc chưa bao giờ thừa nhận khoản nợ đó, và nỗ lực “đòi nợ” của những người đang nắm giữ số trái phiểu cổ này (- thứ được giao bán trên eBay giữa các các nhà sưu tầm đồ cổ) trong suốt cả thập kỷ qua đều tỏ ra vô vọng. Tuy nhiên, khi mà trận chiến kinh tế toàn diện giữa Washington và Bắc Kinh đang được đẩy lên cao trào, sự vô vọng giờ đây lại có thể trở thành vũ khí “độc”.

“Nếu điều chỉnh theo lạm phát, tính cả lãi suất và các khoản chi phí khác, Trung Quốc sẽ phải thanh toán số tiền hơn 1.000 tỷ USD” - bà Jonna Bianco, người đứng đầu Quỹ Trái phiếu Mỹ (ABF) – tổ chức đại diện cho những người chủ nắm giữ trái phiếu của Trung Quốc từ thời tiền cách mạng (năm 1949), cho biết.

Trong suốt 18 năm qua, bà Bianco kiên trì nỗ lực thuyết phục chính quyền Mỹ ép Trung Quốc phải thừa nhận số nợ này. Bà thậm chí còn nhiều lần gặp gỡ với các quan chức trong chính quyền Tổng thống Donald Trump để thảo luận về việc bán số nợ này cho chính phủ Mỹ để làm công cụ thương thảo với Trung Quốc đòi tiền về cho Washington, cùng một số phương án khác.

“Chẳng lẽ có gì sai khi Trung Quốc phải trả tiền cho số trái phiếu của mình hay sao?” - bà Bianco đặt câu hỏi tu từ, đồng thời lưu ý rằng, số tiền mà bà tính toán là tương đương với lượng nắm giữ trái phiếu Mỹ của Trung Quốc.

Người đứng đầu Quỹ ABF lập luận rằng Trung Quốc ở tình trạng vỡ nợ có chọn lọc, đã trả lợi tức cho những nhà đầu tư Anh vào năm 1987 khi được trao trả Hong Kong. Nếu Trung Quốc không trả lợi tức, thì họ sẽ bị cấm không được bán trái phiếu ở những thị trường nước ngoài.

 

 Trái phiếu của công ty đường sắt Hukuang Railway/Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg)

Bà Bianco khẳng định đã gặp chính ông Trump tại sân golf Bedminster, bang New Jersey của ông vào năm ngoái, cũng như Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin mới đây, đồng thời cho biết, các thành viên trong Quỹ ABF của bà đã có buổi tiếp xúc với Bộ trưởng Thương mại Wilbur hồi tháng Tư.

Câu chuyện nghe có vẻ giả tưởng này cũng không có nhiều cơ sở pháp lý. Các quy định về thời gian hiệu lực kéo dài quá trình và nghĩa vụ pháp lý của các chính phủ sau này khi giải quyết lượng trái phiếu của chính phủ tiền nhiệm, nhất sau khi có những biến động xảy ra, là không rõ ràng.

Trường hợp nổi tiếng nhất là Liên Xô đã thoái thác những trái phiếu được bán dưới thời Sa hoàng, gây thiệt hại cho hàng ngàn nhà đầu tư. Dẫu vậy, hầu hết đều đồng ý rằng với nguyên tắc pháp lý, các chính phủ sẽ kế thừa khoản nợ của chính phủ tiền nhiệm. Hầu hết các chính phủ đều chọn việc nắm giữ trái phiếu cũ, bởi một phần họ không muốn tạo khoảng cách với các nhà đầu tư.

Vào năm 1979, cũng đã có một vụ kiện chính phủ Trung Quốc được đưa ra tòa để bảo vệ lợi ích của những người nắm giữ lượng trái phiếu của nước này. Cuối cùng, vụ kiện này cũng bị loại bỏ theo Đạo luật Miễn trừ Chủ quyền nước ngoài năm 1976. Theo đó, các tòa án Mỹ đang xét xử những vụ kiện chống lại chính phủ nước ngoài để đòi bồi thường sẽ không thể áp dụng hồi tố cho trái phiếu phát hành từ đầu thế kỷ.

Tuy nhiên, theo một phán quyết của Tòa án Tối cao năm 2004, đạo luật này vẫn có thể được áp dụng để hồi tố. Giáo sư Mitu Gulati tại Đại học Duke, một chuyên gia về tái cấu trúc nợ chính phủ, nhận định: “Tôi cho rằng tất cả những người làm việc cho ông Trump đều đánh giá thấp vấn đề này. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là những khoản nợ hợp lệ. Nhưng cần phải nhờ một luật sư thực sự thông minh để làm điều này”.

Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cũng đang nghiên cứu về khoản nợ này. Ở một khiếu nại năm 2018 chống lại Pastor Caldwell và một nhà hoạch định kế hoạch tài chính Gregory Alan Smith, SEC đã cáo buộc 2 người này huy động ít nhất 3,4 triệu USD bằng cách thuyết phục 29 nhà đầu tư mua trái phiếu được phát hành trước cách mạng. Một số bên mua, chủ yếu là những người cao tuổi đã nghỉ hưu, đã sử dụng tiền lãi hàng năm để đầu tư.

Tuy nhiên, những người ủng hộ ý tưởng Mỹ phải đòi bằng được món nợ cổ nghìn tỷ USD này cho rằng ông Trump có đủ cơ sở để sử dụng đây như một thứ "vũ khí độc" gây sức ép với Trung Quốc trong bối cảnh thương chiến leo thang.

“Trung Quốc đã thanh toán các khoản trái phiếu do các nhà đầu tư Anh nắm giữ năm 1987 như một phần của thỏa thuận bàn giao Hong Kong được đàm phán bởi cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Vậy còn những khoản nợ cổ khác? Nếu Trung Quốc không chịu trả tiền, nước này sẽ là một kẻ quỵt nợ trên thị trường quốc tế”, Bianco lập luận.

Văn Đức
Nguồn: vtc.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo