Tin tức

Dự báo tương lai kinh tế Ba Lan trong nhiệm kỳ Tổng thống Andrzej Duda

Cập nhật lúc 03-06-2015 04:51:51 (GMT+1)

 

Tổng thống mới được bầu, Andrzej Duda, đang chìm đắm trong những suy nghĩ về các vấn đề xã hội nhưng vẫn rất phụ thuộc vào chương trình kinh tế coi trọng biên chế và quản lý nhà nước của đảng phái mà ông xuất thân. Điều này không báo hiệu sự tốt đẹp gì cho nền kinh tế Ba Lan – đó là nhận định của tác giả Roman Manka trong bài viết công bố gần đây.


Vị tổng thống vừa đắc cử có thể chọn một trong hai khả năng trái ngược nhau: một là hòa hợp, tức là tìm kiếm cuộc đối thoại với chính phủ hiện nay, và hai là đối đầu, tức là đóng vai người phát ngôn những lợi ích của đảng phái chính trị của chính mình.

Đáng tiếc là những tiền đề thể hiện trong chiến dịch tranh cử vừa qua đã không khiến mọi người lạc quan. Ông Andrzej Duda, với danh nghĩa là ứng cử viên của đảng PiS (Pháp luật và Công lý), đã đưa vào cuộc tranh luận công khai nhiều vấn đề kinh tế không thuộc quyền giải quyết của người đứng đầu nhà nước theo quy định của hiến pháp. Hệ thống chính trị Ba Lan, được củng cố bằng tập quán, được thiết lập theo hướng trao quyền lãnh đạo kinh tế cho chính phủ, đó là thẩm quyền mang tính then chốt của chính phủ, còn người đứng đầu nhà nước chỉ là sự bảo đảm trật tự trong việc thực thi hiến pháp và giữ vững ổn định, cũng là người chăm lo để các hoạt động mang tính sáng tạo của Hội đồng Bộ trưởng nằm trong khuôn khổ sự an toàn kinh tế.

Nhiệm vụ ưu tiên trước mắt của nhà nước Ba Lan trong những năm sắp tới đây là gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu. Tiền đề này đã được quan tâm vì nó liên quan đến sự sống còn của Ba Lan, vì nó không chỉ tạo ra những khả năng mới cho nền kinh tế Ba Lan nhằm củng cố sự tin cậy của cộng đồng quốc tế mà còn – tuy thoạt nghe thấy có vẻ ngược đời – giữ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, đồng thời tăng cường thế mạnh trong lĩnh vực an ninh từ bên ngoài. Vấn đề nằm ở chỗ là về chủ đề này ông Andrzej Duda đã đề cập đến với thái độ tiêu cực. Ông đã có tuyên bố rất khó cải chính, mặc dù nhìn từ góc độ lợi ích của nhà nước Ba Lan, điều nêu trên lẽ ra phải là chính sách ưu tiên. Trong thời điểm tùy hứng của chiến dịch tranh cử, ông đã đến Xlôvakia, cố gắng chỉ ra rằng việc đưa vào sử dụng đồng euro sẽ góp phần làm giá cả tăng và bằng cách đó ông thể hiện thái độ không thiện chí của mình với việc sử dụng đồng euro. Đây là một sai lầm rất lớn. Vì bằng cách đó tổng thống tự hạn chế không gian hoạt động của mình. Việc chính trị hóa chủ đề chấp nhận đồng tiền chung là động tác đặc biệt vô trách nhiệm. Ba Lan cần phải đưa ra quyết định về việc gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu, trên cơ sở sự thống nhất sâu rộng, bỏ qua lợi ích của các đảng phái chính trị, chậm nhất là vào năm 2018, tức là vẫn trong những năm thuộc nhiệm kỳ tổng thống của ông Andrzej Duda. Và như vậy cũng có nghĩa là trong mối quan hệ với các nước còn lại trong nhóm các nước gần gũi về mặt địa chính trị, phải làm sao để Ba Lan không bị tụt hậu.

Một yếu tố gây lo ngại nữa là lực lượng hậu thuẫn tổng thống. Trong bối cảnh này, thực tế chứa đựng dấu hiệu đáng suy nghĩ là trong giai đoạn nước rút của chiến dịch tranh cử, lực lượng ủng hộ ông Andrzej Duda là các trung tâm lớn nhất của liên hiệp công đoàn như NSZZ „Solidarność” (Liên hiệp Công đoàn „Đoàn kết” tự quản không phụ thuộc) và OPZZ (Liên hiệp Công đoàn Hiệp thương Toàn quốc), chứ không phải là các tổ chức doanh nghiệp chẳng hạn. Lực lượng này chắc chắn trong tương lai sẽ đòi hỏi được „đền ơn đáp nghĩa”. Điều này cho phép dự đoán rằng các hoạt động của tổng thống sẽ đi theo hướng quảng bá cho mô hình kinh tế mềm dẻo, chứ không phải là kinh tế sáng tạo cái mới và cho thấy kiểu tư duy kinh tế nào là gần gũi với vị nguyên thủ quốc gia vừa được bầu chọn.

Thiên về mị dân

Điều đặc biệt bất lợi cho nền kinh tế Ba Lan giai đoạn tới là lịch bầu cử. Ba Lan lần thứ hai trong lịch sử hiện đại gặp phải những điều kiện không điển hình của bối cảnh chính trị: bầu cử tổng thống có ảnh hưởng đến bầu cử quốc hội. Bối cảnh này sẽ làm bộc lộ những bất cập của một hệ thống chính trị chứa đựng những sai lầm. Điều này báo hiệu sự không tốt đẹp trong tương lai gần. Nhiệm kỳ tổng thống bắt đầu đúng vào giai đoạn vận động tranh cử của các ứng cử viên chạy đua vào nghị viện, mà sự thiên vị của chủ nhân phủ tổng thống, mặc dù nhìn từ góc độ quy định của pháp luật là phải giữ tính trung lập, nhưng trong thực tế, tính trung lập đó ra sao, ai cũng biết rõ.

Chính vì thế mà giữa chính trị và kinh tế tồn tại mối liên hệ rất rõ ràng. Nắm rõ thực tế chính trị Ba Lan, có thể nhìn thấy trước với xác suất rất lớn kịch bản bất lợi cho nền kinh tế, rằng tổng thống sẽ , rằng tổng thống sẽ cư xử với chính phủ bằng con bài „chim gõ kiến” quen thuộc, tức là phủ quyết những dự luật bất lợi và bằng cách đó đi theo hướng mị dân. Bị đặt dưới sự ức chế nặng nề trong chiêc dịch tranh cử trong cuộc bầu cử quốc hội sắp tới, mà tương lai là mất quyền lãnh đạo, đảng PO có thể đánh mất khả năng kiểm soát tình hình và chấp nhận cuộc chơi mang tính vô trách nhiệm. Đối vói kinh tế Ba Lan, đây sẽ thật sự là thời đểm bất lợi.

Các nhà bình luận dự đoán rằng một trong những sáng kiến về lập pháp mà vị tổng thống mới được bầu sẽ đưa ra thảo luận ở quốc hội (thực tế trong thời gian vừa qua ông đã tuyên bố) là đạo luật về giảm tuổi nghỉ hưu. Dùng chủ đề này vào những mục đích chính trị trước mắt cũng có nghĩa là đánh đổi lợi ích của Ba Lan, cũng là đùa với tương lai của nhiều thế hệ. Khả năng giảm ngưỡng tuổi về hưu sẽ dẫn đến hậu quả gia tăng triệt để nợ công đồng thời làm mất thăng bằng ngân sách.

Chi phí quá lớn

Để hiện thực hóa những tuyên bố của vị tổng thống mới đắc cử, trong thời gian 5 năm nhiệm kỳ của ông, theo nhiều tính toán khác nhau, Ba Lan cần từ 175 tỷ đến 300 tỷ zloty. Vậy lấy đâu ra số tiền này? Ba Lan, với khả năng tài chính thực tế như hiện nay, không thể đủ tiền để chi phí như vậy. Cho nên cần phải tìm các nguồn dự trữ và khả năng khác. Song chỉ có thể có được bằng việc chấp nhận triết lý kinh tế lựa chọn nhiều khả năng: giảm thuế, gộp cả vùng xám vào, thỏa thuận rộng rãi với các doanh nghiệp, kiên quyết hạn chế quan liêu, uyển chuyển hóa luật lao động và hạn chế tối đa giá sản xuất, hợp lý hóa chi tiêu, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu.

Vấn đề gây tranh cãi là ở chỗ tổng thống trong các địa hạt này không có các công cụ thực thi; nhiều nhất chỉ có thể gắn những vấn đề này vào các chương trình nghị sự mang tính kinh tế - chính trị, khuyến khích tích cực tranh luận công khai và cao nhất là thông qua các sáng kiến về lập pháp. Nhưng điều này có thể cho thấy tiềm năng nhỏ bé trong việc thay đổi bộ mặt nền kinh tế Ba Lan.

Tuyên bố về việc xóa bỏ cái gọi là làm chui, không có hợp đồng lao động cũng không đem lại gì mà chỉ mang tính mị dân thuần túy khi nó ngay lập tức đưa đến những hiệu quả ngược lại so với điều mong muốn: hậu quả nhãn tiền là tỷ lệ thất nghiệp tăng cao ngay lập tức. Ngược lại giữa bộ luật lao động và các hợp đồng dân sự-pháp luật là địa bàn có thể khai thác, chẳng hạn như dưới hình thức các hợp đồng có kỳ hạn.

Mùa thu này sẽ là của ai?

Tổng thống Andrzej Duda vay nợ xã hội với tỷ lệ lãi suất cao. Bây giờ trong cuộc sống của ông sẽ bắt đầu giai đoạn khó khăn do phải trả các món nợ. Mà chủ nợ thì không muốn yên lòng chờ đợi. Họ đòi hỏi những thay đổi nhanh chóng, mà nếu không đáp ứng được thì trong xã hội sẽ diễn ra quá trình người dân cảm thấy chán chường dẫn tới những xáo động chính trị tiếp theo nhau. Vậy bằng cách nào tổng thống có thể giải tỏa căng thẳng? Đây là thời kỳ bất lợi cho nền kinh tế khi trước mặt nguyên thủ quốc gia đang có những thử thách do chiến dịch bầu cử nghị viện sắp diễn ra.

Rất nhiều điều sẽ phụ thuộc vào chuyện trong cuộc bầu cử quốc hội mùa thu này đảng nào sẽ nắm chính quyền. Cả hai kịch bản đều không hứa hẹn điều gì tốt đẹp cho nền kinh tế Ba Lan: Nếu PO giành đa số phiếu trong quốc hội, Ba Lan sẽ phải hoạt động trong những điều kiện mà trước đây người ta gọi là hôn nhân lỏng lẻo giữa quốc hội và tổng thống, bị đe dọa bởi nguy cơ về việc tổng thống thường xuyên có những hành động thiếu xây dựng, hạn chế, phủ quyết; còn nếu PiS thắng cử, khi đó cơ cấu quyền lực sẽ trở nên gắn kết hơn, song cũng có điều trớ trêu là không phải các nguy cơ đương nhiên bị loại trừ.

Trong cả hai trường hợp này tổng thống phải đóng vai trò là người bảo đảm sự ổn định kinh tế và là người phản biện các hoạt động của chính phủ. Phải thực sự là người trung lập, đồng thời phải là người đòi hỏi cao, ở đây hiểu là người có đầu óc phân tích, đối với những tuyên bố hùng hồn trước đó của mình và đối với đảng phái chính trị mà mình xuất thân.

Nếu ở địa vị tổng thống Andrzej Duda, việc làm đầu tiên tôi sẽ tiến hành là thực thi những sáng kiến ít ai ngờ tới nhất: cố gắng cải thiện OFE (Quỹ hưu trí mở), bỏ KRUS (Quỹ Bảo hiểm xã hội cho nông dân), giảm thuế, xem xét lại những quy định xử phạt đối với tội phạm về thuế theo hướng giảm nhẹ nhằm thu hút vùng xám. Nhưng ông Duda sẽ không làm như vậy bởi ông đang chìm đắm trong suy nghĩ về phúc lợi xã hội đồng thời bị phụ thuộc vào chương trình kinh tế coi trọng biên chế và quản lý nhà nước của đảng mình. Mà điều này thì không báo hiệu sự tốt đẹp gì cho nền kinh tế Ba Lan.

Nguồn: Nguyễn Chí Thuật/Queviet

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo