Khu vực Eurozone: Tồn tại hay không tồn tại? (1)
![]() |
Ảnh minh họa. (Nguồn: ndh.vn) |
Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đang gặp nhiều rắc rối. Nhiều chuyên gia đang lo ngại về nguy cơ tan rã của khối tài chính này. Liệu trong tương lai, Eurozone có còn tồn tại?
Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đang ngày càng có nhiều bất đồng. Trong thời gian khủng hoảng nợ năm 2012 khi Hy Lạp và các ngân hàng Tây Ban Nha gặp khó khăn, người dân Đức đã thắc mắc tại sao họ phải gánh chịu rủi ro của quốc gia khác. Đây là dấu hiệu cho thấy sự bất ổn nghiêm trọng đang dần lớn lên cho khu vực Eurozone. Mặc dù được gọi là khu vực đồng tiền chung, nhưng có vẻ các nước thành viên không chia sẻ nhiều điểm tương đồng, cả về mục tiêu lẫn lợi ích.
Câu hỏi vẫn được nhiều nhà đầu tư quan tâm: Liệu khu vực tài chính đầy tham vọng trên có thể tiếp tục tồn tại?
Thắt lưng buộc bụng
Cuộc bầu cử tháng 1/2015 tại Hy Lạp đã đưa Đảng Syriza lên nắm quyền với cam kết giải quyết tình trạng nợ nần của đất nước và loại bỏ chính sách “thắt lưng buộc bụng” đổi lấy viện trợ của chính phủ tiền nhiệm. Mặc dù đa số người dân nước này không muốn rời bỏ khu vực Eurozone, nhưng những tranh cãi xung quanh kế hoạch cứu trợ của liên minh Châu Âu (EU) và Đảng Syriza có thể khiến Hy Lạp phải ra đi.
Vào tháng 2/2015, Hy Lạp và EU đã thành công gia hạn các khoản cứu trợ của nước này thêm 4 tháng. Tuy nhiên, tình hình hiện vẫn không khả quan hơn khi Hy Lạp chưa thoát khỏi vòng xoáy đảo nợ khắc nghiệt. Một số quốc gia như Pháp và Italia đã kêu gọi EU nới lỏng các quy định yêu cầu thắt lưng buộc bụng đổi lấy cứu trợ dành cho Hy Lạp, hoặc ít ra cũng gia hạn thêm thời gian để nước này thúc đẩy chi tiêu nhằm kích thích nền kinh tế ảm đạm.
Khối đồng tiền chung với 19 thành viên này được dự đoán sẽ chỉ tăng trưởng 1,5% trong năm 2015, bằng 1/2 so với tốc độ của Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp tại Châu Âu đã tăng lên mức kỷ lục 12% trong 3 năm qua, trong khi chưa đến 1/4 số lao động trẻ có thể tìm được việc làm. Đây là nguyên nhân này thúc đẩy quan điểm chống EU cũng như phản đối việc thành lập các tổ chức liên minh tại Châu Âu.
ECB đã giảm lãi suất xuống dưới 0% vào tháng 6/2014 và đến tháng 1/2015 đã công bố chương trình mua lại trái phiếu nhằm hồi phục tăng trưởng kinh tế và hạn chế rủi ro giảm phát. Những dự đoán về việc thực hiện thêm các chính sách kích thích tại Eurozone đã khiến đồng Euro giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD trong hơn 1 thập kỷ qua.
Vấp ngã
EU được thành lập năm 1958 khi các nhà lãnh đạo trong khối này tuyên bố sẽ chấm dứt vĩnh viễn những cuộc xung đột quân sự giữa các nước (sau hậu quả nặng nề của 2 cuộc chiến tranh thế giới). Sau đó 41 năm, khối Euro ra đời khi 11 quốc gia từ bỏ đồng nội tệ của họ để sử dụng một đồng tiền chung mới, đồng thời cam kết thực hiện việc kiểm soát lãi suất qua một ngân hàng trung ương chung.
Việc thực hiện đồng tiền chung đã khiến khu vực này có khả năng tiếp cận tốt hơn với thị trường quốc tế cũng như ổn định tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên, Eurozone không áp dụng thống nhất nguyên tắc tài chính giữa các quốc gia, để bảo vệ tính độc lập của các nước thành viên, những nhà chính trị đã bỏ qua kế hoạch hợp nhất quy định ngành ngân hàng và dự toán chi tiêu của chính phủ.
Mặc dù vẫn có một số quy tắc cho ngành ngân hàng và chi tiêu ngân sách, nhưng các nước thành viên thường bỏ qua hoặc không nghiêm túc tuân thủ. Hậu quả là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến Eurozone “vấp ngã”, khi Hy Lạp tuyên bố thâm hụt ngân sách của nước này cao hơn gấp đôi so với dự báo trước đó. Nhà đầu tư bắt đầu bán tháo tài sản tại những quốc gia nợ nhiều nhất và chi phí vay tăng mạnh. Đặc biệt hơn, việc gia nhập đồng tiền chung khiến các quốc gia bị hạn chế khi quyết định hạ giá đồng nội tệ của riêng họ (một số nước vẫn dùng hỗn hợp đồng Euro và đồng nội tệ cũ), qua đó gây khó khăn thêm cho việc phục hồi nền kinh tế.
Những nhà hoạch định chính sách của Eurozone đã phải thông qua gói cứu trợ cho Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Đảo Síp, đồng thời giải cứu ngành ngân hàng Tây Ban Nha. Sự hoảng loạn của thị trường khi đó đã gia tăng những lo ngại về việc Eurozone đổ vỡ, khi các ngân hàng gặp khó khăn do những sai lầm của khối này.
Tình trạng khẩn cấp của Eurozone chỉ dịu đi vào tháng 7/2012, khi Chủ tịch ECB Mario Draghi cam kết sẽ làm “bất cứ điều gì” để bảo vệ đồng tiền chung.
Nghi vấn
Các nhà lãnh đạo Eurozone cho biết thời kỳ tồi tệ nhất đã qua. Họ cho biết những hệ thống kiểm soát mới đã được thành lập để tập trung giám sát ngành ngân hàng, đồng thời xây dựng “bức tường lửa” giữa những khoản nợ xấu và người dân. Tuy nhiên, những biện pháp trên là chưa đủ.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc kết hợp giữa các thành viên trong khối cần “sâu sắc” hơn, bao gồm quyền giám sát ngân sách quốc gia và việc kết hợp các khoản tín dụng của các nước. Mặc dù vậy, những đề xuất trên đã không được thực hiện và điều này có thể “gieo mầm” cho các cuộc khủng hoảng khác trong tương lai.
Sự gia tăng sự khác biệt giữa các nước thành viên đang là thách thức rất lớn đối với ECB, làm gia tăng lo lắng về việc thực hiện các chính sách kích thích thay vì thúc đẩy kinh tế lại có thể gây suy giảm chi tiêu hoặc gia tăng bong bóng tài sản.
Hiện nay, dù việc khả năng rời khỏi Eurozone của Hy Lạp không cao như năm 2009, nhưng tình hình không khả quan tại quốc gia này đang làm tăng nghi ngờ về nguy cơ từ bỏ khối đồng tiền chung của các thành viên kém phát triển hơn trong khối. Những nghi vấn về sự tồn tại của Eurozone rõ ràng vẫn còn hiện hữu trong suy nghĩ của giới đầu tư
(Còn tiếp)
Hoàng Nam - Người đồng hànhNguồn: ndh