Tin tức

Khu vực Eurozone: Tồn tại hay không tồn tại? (2)

Cập nhật lúc 14-05-2015 10:09:07 (GMT+1)
Ảnh minh họa. (Nguồn: ndh.vn)

 

Hy Lạp là một trong những nước thành viên cần nguồn viện trợ của Liên minh Châu Âu (EU) để không bị vỡ nợ, nhưng có vẻ người dân nước này không hài lòng với những chính sách của chính phủ và nhiều chuyên gia đang lo ngại về khả năng rời bỏ liên minh.


> Khu vực Eurozone: Tồn tại hay không tồn tại? (1)

Chống lại “thắt lưng buộc bụng”

Hy Lạp đã phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, khiến tỷ lệ thất nghiệp gấp 3 lần và hàng nghìn người dân sống dưới mức nghèo khổ. Tuy nhiên, mọi thứ đã chấm dứt khi Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras lên nắm quyền vào tháng 1/2015 với lời hứa từ bỏ chính sách trên. Đảng cánh tả Syriza của ông Tsipras đã được nhiều cử tri Hy Lạp ủng hộ sau nhiều năm thực hiện thắt lưng buộc bụng để đổi lấy cứu trợ trước nguy cơ sụp đổ tài chính. Mặc dù vậy, những rủi ro tài chính của quốc gia này vẫn chưa kết thúc, qua đó làm giảm nỗ lực của Thủ tướng Tsipras trong việc đối phó với những chủ nợ Châu Âu.

Đối với những quốc gia phát triển trong khối như Đức, Hy lạp sẽ không cải cách hiệu quả nếu họ không có áp lực. Tuy nhiên, nhiều người dân Hy Lạp lại cho rằng chính sách thắt lưng buộc bụng đổi lấy cứu trợ đã khiến họ chịu đựng quá mức, thậm chí nhiều cử tri cho rằng kế hoạch này là “điên rồ”. Với mục đích đối phó với khủng hoảng tài chính năm 2009, Eurozone đã áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng đối với nhiều nước thành viên như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ireland và Italy.

Cuối cùng, những nhà lãnh đạo mới của Hy Lạp vẫn buộc phải quay lại với một số cam kết lớn nhất của họ, như lời hứa đàm phán xóa bỏ một phần khoản nợ 320 tỷ Euro.

Tình hình nguy cấp

Sau nhiều buổi đàm phán với các chủ nợ Châu Âu, Thủ tướng Tsipras đã thành công gia hạn khoản vay thêm 4 tháng, nhưng với điều kiện là nước này sẽ thực hiện chặt chẽ các thỏa thuận cứu trợ tài chính hiện hành. Tuy nhiên, những tranh cãi xung quanh các khoản cứu trợ vẫn tiếp diễn. Các nước Châu Âu, dẫn đầu bởi Đức, đã từ chối kế hoạch cải cách ban đầu của Syriza và không đồng ý giải ngân khoản cứu trợ mới cho đến khi Hy Lạp có một kế hoạch tái cơ cấu đầy đủ.

Ngay sau đó, yêu cầu đòi bồi thường trong cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 của Hy Lạp đối với Đức càng làm trầm trọng thêm tình hình. Ngân sách thu từ thuế của Hy Lạp suy giảm trong khi tỷ lệ rút vốn khỏi ngân hàng gia tăng (15% trong 6 tháng) càng tạo áp lực lên nước này.

Đến tháng 4/2015, thị trường cho thấy nhà đầu tư đang nghiêm túc xem xét đến khả năng vỡ nợ của Hy Lạp. ECB càng làm “tăng sức nóng” bằng quyết định hạn chế khả năng tiếp cận của Hy lạp đối với hệ thống tài chính chung trong khu vực.

Nhằm kéo dài thời gian cho Hy Lạp, Thủ tướng Tsipras đã ra lệnh cho chính quyền địa phương chuyển tiền mặt của họ đến ngân hàng trung ương để chi trả cho các khoản nợ công.

Thâm hụt ngân sách

Chiến thắng của Đảng Syriza tháng 1/2015 đã đánh dấu chấm hết cho 40 năm thay phiên cầm quyền của Đảng Dân chủ mới và Đảng Pasok, được thành lập sau khi chính quyền quân sự tại Hy Lạp chấm dứt. Trong thời gian đó, sự tranh đua giành ủng hộ từ cử tri của các đảng phái đã gia tăng chi tiêu tài chính bằng những khoản tiền vay nợ (cho các dự án nhằm thỏa mãn và thu hút các cử tri). Bên cạnh đó, tình trạng trốn thuế tăng mạnh cũng góp phần khiến ngân sách của quốc gia này tồi tệ hơn.

Năm 2009, thông tin thâm hụt ngân sách của Hy Lạp cao gấp 4 lần so với quy định của Eurozone vỡ lở và nước này có nguy cơ vỡ nợ. Hy Lạp đã phải nhờ đến khoản viện trợ 240 tỷ Euro từ EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để có thể tiếp tục vận hành. Quốc gia này cũng thuyết phục được các chủ nợ đưa 100 tỷ Euro trái phiếu tư nhân vào danh sách nợ xấu. Đổi lại, những chủ nợ Châu Âu với mục đích cắt giảm chi tiêu của Hy lạp đã yêu cầu cải cách tất cả những quy định của nước này, từ luật lao động cho đến giấy phép lái taxi.

Năm 2013, Hy Lạp có thặng dư ngân sách chưa tính lãi suất nợ phải trả. Đây là một trong những điều kiện để các chủ nợ nhượng bộ với nước này. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ tại Hy Lạp đã tăng lên 170 % GDP do đất nước tiếp tục phải vay nợ để duy trì hoạt động, còn nền kinh tế thì tiếp tục ảm đạm.

Theo dự đoán ban đầu của nhiều chuyên gia, kinh tế Hy Lạp sẽ tăng trưởng 2,9% trong năm 2015. Mặc dù vậy, những bất ổn trong cuộc đàm phán với chủ nợ Châu Âu đang khiến dự đoán này ngày càng xấu đi. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tại Hy Lạp đã suy giảm, nhưng biên độ giảm không cao, từ mức đỉnh 60% năm 2014 xuống còn 51,5%. Thậm chí sau 1 năm tăng trưởng kinh tế, tổng tỷ lệ thất nghiệp của nước này vẫn đứng ở mức 26,1%.

 

Không nhượng bộ

Theo một cuộc khảo sát mới đây, mặc dù phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng nhưng người dân Hy Lạp vẫn không muốn rời khỏi Eurozone. Tuy nhiên, chính quyền hiện nay của nước này đã và đang theo đuổi chính sách giảm nợ nhưng không thắt chặt chi tiêu quá mức, một điều khó chấp nhận đối với những chủ nợ Châu Âu. Cả 2 phía đều có lý do riêng của mình và đều không muốn nhượng bộ.

Nhiều chuyên gia kinh tế đồng ý với Thủ tướng Tsipras rằng tổng nợ của nước này là quá lớn so với khả năng chi trả. Đảng Syriza lập luận rằng các chính sách thắt lưng buộc bụng càng làm tồi tệ tình hình hơn là giúp đỡ Hy Lạp, và điều này đã thu hút được nhiều cử tri nước này. Ngoài ra, nhiều cử tri Hy Lạp cũng bị hấp dẫn bởi ông Tsipras là một gương mặt mới trên chính trường nước này.

Gần đây, động thái xem xét nâng thuế đối với tầng lớp nhà giàu Hy Lạp của Thủ tướng Tsipras theo nhiều chuyên gia là nhằm thỏa mãn cả cử tri Hy Lạp lẫn các chủ nợ Châu Âu, dẫn đầu bởi Đức.

Mặc dù vậy, những luận điểm của ông Tsipras trong các cuộc đàm phán gần đây đang bị suy yếu khi những thành quả của chính sách thắt lưng buộc bụng trước đây đã làm hệ thống ngân hàng Châu Âu vững mạnh hơn. Đồng thời, những quốc gia có tỷ lệ nợ cao như Tây Ban Nha với thành quả khả quan từ chính sách thắt chặt chi tiêu cũng cho thấy quan điểm của Syriza là không vững chắc.

Một nguyên nhân nữa khiến các chủ nợ Châu Âu chống lại việc giảm các khoản nợ là rủi ro chính trị. Nếu Đảng Syriza, vừa mới thắng cử, có thể nới lỏng chính sách thắt lưng buộc bụng thì điều này có thể tạo nên phong trào ở Châu Âu. Một loạt các cử tri có thể sẽ phản đối chính phủ của họ, vốn đang thực hiện thắt chặt chi tiêu đổi lấy viện trợ, như Tây Ban Nha hay Ireland.

(Còn tiếp)

Hoàng Nam - Người đồng hành
Nguồn: ndh.vn

 

Booking.com
Tiêu điểm

Thảo luận

Quảng cáo