Tin tức

Kinh tế Mỹ: Rủi ro suy thoái treo lơ lửng trên đầu, rất có thật và sẽ xảy ra, khi nào 'hạ cánh'?

Cập nhật lúc 06-07-2022 17:36:01 (GMT+1)
Ước tính của Bloomberg về triển vọng kinh tế Mỹ năm tới phù hợp với các báo cáo kinh tế vĩ mô khác được công bố trong những t

 

Trong nhiều tháng, các chuyên gia và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cùng tham gia một trò chơi: Cố gắng đoán xem khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ bước vào một cuộc suy thoái như thế nào.


Dự báo bi quan

Nhiều dấu hiệu cho thấy suy thoái sắp xảy ra: Lạm phát dai dẳng, thị trường tiền điện tử sụp đổ và tâm lý người tiêu dùng thấp nhất kể từ khi hồ sơ bắt đầu được lưu giữ.

Nhưng dấu hiệu để nhận biết một cuộc suy thoái sẽ xảy ra, được định nghĩa là hai quý liên tiếp kinh tế tăng trưởng âm, vẫn chưa rõ ràng.

Hôm 5/7, dự trên mô hình kinh tế của hãng, Bloomberg Economics ra thông báo nhận định, nguy cơ kinh tế Mỹ xảy ra suy thoái trong vòng 12 tháng tới là 38%, tăng từ 0% vài tháng trước.

Nhà kinh tế trưởng Anna Wong của Bloomberg cho biết: “Nguy cơ suy thoái vào đầu năm 2023 đã tăng lên đáng kể”.

Mô hình của công ty nghiên cứu một số yếu tố, bao gồm giấy phép nhà ở, dữ liệu khảo sát người tiêu dùng và lợi tức kho bạc.

Chuyên gia Wong nói: “Rủi ro về một cuộc suy thoái có thể xảy ra vào đầu năm tới cao hơn trước đây. Mặc dù bảng cân đối của hộ gia đình và doanh nghiệp rất ổn định, nhưng những lo lắng về tương lai có thể tác động tới người tiêu dùng, từ đó dẫn đến việc doanh nghiệp thuê người lao động ít hơn và đầu tư ít hơn”.

Ước tính của Bloomberg về triển vọng kinh tế Mỹ năm tới phù hợp với các báo cáo kinh tế vĩ mô khác được công bố trong những tháng gần đây.

Tháng trước, ngân hàng Goldman Sachs đã nâng dự báo suy thoái kinh tế sẽ xảy ra trong năm tới từ 15% lên 30%.

Một nhóm các nhà kinh tế do Jan Hatzius dẫn đầu đã viết trong một báo cáo nghiên cứu: “Giờ đây, chúng tôi nhận thấy nguy cơ suy thoái ngày càng cao và nhiều hơn”.

Báo cáo của Goldman cũng bao gồm các dự báo suy thoái dài hạn, ước tính rằng có 25% khả năng Mỹ bước vào cuộc suy thoái trong vòng hai năm nếu đất nước tránh được một cuộc suy thoái trong năm tới.

Theo Goldman Sachs, xác suất tích lũy của một cuộc suy thoái xảy ra trong thời gian hai năm lên tới 48%.

Ngân hàng này đã nâng mức dự báo về nguy cơ xảy ra suy thoái do chính sách tiền tệ liên bang thắt chặt hơn.

Vào tháng 5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, mức cao nhất kể từ năm 1994 và là lần tăng lãi suất thứ ba trong năm nay. Dự kiến, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện 2 lần tăng lãi suất trong năm 2022 này.

Trong khi Goldman Sachs cảnh báo rằng chính sách thắt chặt tiền tệ cuối cùng có thể gây ra suy thoái, các chuyên gia khác cho rằng suy thoái kinh tế không thể ngăn cản các nhà hoạch định chính sách kiểm soát lạm phát bằng bất kỳ cách nào cần thiết.

Tuần này, ông W. Michael Blumenthal, cựu Bộ trưởng Tài chính của Tổng thống Jimmy Carter, nói với New York Times rằng, chống lạm phát nên là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Joe Biden và rằng ông Biden nên ủng hộ quyết định của Fed.

Ông Blumenthal, một trong những cố vấn của Tổng thống Carter trong thời kỳ “lạm phát đình trệ” vào cuối những năm 1970, nhận định, thời điểm lạm phát hiện nay đòi hỏi một quyết định tương tự.

Tuy nhiên, giống như các nhà kinh tế của Goldman, cựu cố vấn thừa nhận rằng trên thực tế, rất khó để biết chính xác con đường của nền kinh tế.

Ông nói: “Một khi bạn đã ở trong chu kỳ này, rất khó để biết chính xác”.

Khi nào suy thoái thực sự xảy ra?

Theo nhà kinh tế trưởng tại công ty môi giới tài chính Nomura, nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới, trong đó có Mỹ, sẽ rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới, khi các ngân hàng trung ương mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lại lạm phát gia tăng.

Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã duy trì “chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo” quá lâu với hy vọng rằng lạm phát sẽ chỉ là tạm thời. Giờ đây, các chính phủ phải bắt kịp và cố gắng giành lại quyền kiểm soát lạm phát. (Nguồn: Getty Images)

Trả lời phỏng vấn trong chương trình Street Signs Asia của CNBC, ngày 5/7, Rob Subbaraman, nhà kinh tế trưởng của Nomura, đồng thời là Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu, khu vực châu Á-Nhật Bản cho biết: “Ngay bây giờ, nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã dồn lực vào nhiệm vụ cơ bản duy nhất, đó là giảm lạm phát”.

Ông nói thêm: “Điều đó có nghĩa là lãi suất sẽ tăng. Trong vài tháng qua, chúng tôi đã chỉ ra những rủi ro của một cuộc suy thoái. Và bây giờ, nhiều nền kinh tế phát triển đang thực sự rơi vào suy thoái”.

Ngoài Mỹ, Nomura dự báo ​​suy thoái sẽ diễn ra ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Vương quốc Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Canada vào năm tới.

Chuyên gia Subbaraman cho biết, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã duy trì “chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo” quá lâu với hy vọng rằng lạm phát sẽ chỉ là tạm thời. Giờ đây, các chính phủ phải bắt kịp và cố gắng giành lại quyền kiểm soát lạm phát.

Nhà kinh tế trưởng của Nomura nhận định: “Khi có nhiều nền kinh tế suy yếu, bạn không thể dựa vào xuất khẩu để tăng trưởng. Đó là một lý do khác khiến chúng tôi nghĩ rằng nguy cơ suy thoái này là rất có thật và có thể sẽ xảy ra”.

Tại Mỹ, Nomura dự báo một cuộc suy thoái không sâu rộng nhưng kéo dài trong 5 quý, bắt đầu từ quý cuối cùng của năm 2022.

Chuyên gia Subbaraman nói: “Nước Mỹ sẽ rơi vào suy thoái - do đó, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng quý so với quý trước bắt đầu từ quý 4 năm nay sẽ giảm. Nó sẽ là một cuộc suy thoái không sâu rộng nhưng kéo dài trong 5 quý liên tiếp”.

Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nằm trong số những tổ chức tín dụng đang tìm cách giảm lạm phát kỷ lục bằng việc tăng lãi suất.

Theo đó, Fed đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lên 1,5-1,75% vào tháng 6 và Chủ tịch ngân hàng trung ương Mỹ Jerome Powell nói rằng, có thể có một đợt tăng lãi suất thêm 50 hoặc 75 điểm cơ bản nữa trong tháng 7 này.

Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu, khu vực châu Á-Nhật Bản của Nomura nhận định: “Chúng tôi dự đoán Fed sẽ tăng 75 điểm cơ bản vào tháng 7 và 50 điểm vào cuộc họp tiếp theo.

Sau đó, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng vài lần nữa, mỗi lần 25 điểm cơ bản cho đến khi mức lãi suất ở ngưỡng 3,75% vào tháng Hai năm sau”.

Chuyên gia Subbaraman cảnh báo: “Nếu các ngân hàng trung ương không thắt chặt chính sách tiền tệ để giảm lạm phát ngay bây giờ, thì nỗi đau đối với nền kinh tế khi rơi vào tình trạng lạm phát cao và mắc kẹt ở đó còn lớn hơn nhiều”.

Điều này, theo ông, sẽ dẫn đến vòng xoáy giá, tiền lương, về lâu dài sẽ “gây đau đớn hơn cho nền kinh tế và cho người dân”.

Nhà kinh tế trưởng của Nomura nhấn mạnh: “Giải quyết nỗi đau đó và giảm lạm phát sẽ tốt hơn cho nền kinh tế hơn là thực sự để lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát như đã từng xảy ra trong những năm 1970”.

Nguồn: Hải An/ baoquocte.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo