Tin tức

Kinh tế Việt Nam: Đứa trẻ 'dậy thì thất bại'

Cập nhật lúc 22-10-2016 09:54:52 (GMT+1)

 

Ngày 21/10/2016 tại tòa nhà Vusta 53 Nguyễn Du đã có buổi ra mắt cuốn sách “Cú sốc thời gian và kinh tế Việt Nam” của giáo sư Trần Văn Thọ. Tham luận trong buổi hội thảo cho rằng từ “giấc mộng hóa rồng”, kinh tế Việt Nam đang phải trải qua những “cú sốc” trong suốt hơn 30 năm đổi mới.


Có thể thấy, trong  tham luận của buổi hội thảo và các ý kiến nhận định của rất nhiều chuyên gia thì kinh tế Việt Nam giống như một đứa trẻ “dậy thì thất bại”, dù nỗ lực đổi mới nhưng không những không phát triển mà còn có dấu hiệu thụt lùi.

Quyết định “chăm sóc” sai lầm?

Bản tham luận nêu rõ, hai thành tố quyết định cơ hội hóa rồng bao gồm “cửa ngõ mới” và “tinh thần mới”. Ở giai đoạn thập niên 90, Việt Nam được cả thế giới cho rằng có đầy đủ các yếu tố để “hóa rồng” bao gồm “thiên thời – địa lợi – nhân hòa” như sự ổn định chung của thế giới bắt đầu từ nhu cầu phát triển kinh tế, sự bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ và đặc biệt là sự “dấn thân” của một nước vốn “đóng cửa” với các tổ chức “mở cửa” trên thế giới. Tinh thần đồng thuận cũng được đánh giá cao bởi những tác động của thời cuộc, biểu hiện ở niềm tin vào bản thân, sự tôn trọng thế hệ lão thành, thách thức về khoảng cách xã hội chưa lớn và đặc biệt là thành công về khoán 10 đã tạo ra những dấu hiệu triển vọng về kinh tế và ý thức của quần chúng nhân dân.

Tuy nhiên, thời cơ không có nhiều mà những quyết định sai lầm trong quá trình “chăm sóc” của chúng ta đã khiến chính đứa con của mình không có được một quá trình “dậy thì” đúng nghĩa tự nhiên.

Kinh tế Việt Nam đang ở đâu?

Không giống những nhận định về công cuộc “hóa rồng” của Việt Nam vào thập niên 90, kinh tế Việt Nam đang rơi vào tình trạng trì trệ, thụt lùi và bị bỏ xa bởi các nước trong khu vực. Trong cuốn sách “Cú sốc thời gian và kinh tế Việt Nam”, Giáo sư Trần Văn Thọ cho rằng: “Từ năm 1993, Việt Nam hội đủ điều kiện quốc tế thuận lợi. Nếu quyết tâm cải cách thể chế để củng cố nguồn lực và tận dụng ngoại lực thì có thể phát triển trung bình mỗi năm 10% trong suốt 20 năm sau đó. Trong thời gian đó Trung Quốc phát triển trung bình 10% nhưng riêng vùng duyên hải thì hội tụ các điều kiện thuận lợi nên phát triển rất mạnh mẽ, trên dưới 15% 1 năm. Việt Nam có bờ biển dài, bề ngang lại hẹp nên cả nước gần giống vùng duyên hải của Trung Quốc”. Tuy nhiên kinh tế Việt Nam thậm chí còn bị bỏ xa bởi các vùng kinh tế ở Trung Quốc không có điều kiện phát triển thuận lợi. Vậy nguyên do gì khiến Việt Nam dù có điều kiện thuận lợi vẫn không thể “hóa rồng”?

Việc “không chịu phát triển” nằm ở chính ý thức và tư duy của người Việt. Chúng ta ngay từ bé đã được dạy về “Rừng vàng biển bạc” và chúng ta chỉ biết tự hào trong ảo tưởng về sự phồn vinh “sẵn có”, chúng ta ì ạch trong khi nhân loại đang nỗ lực để chạy nhanh mỗi ngày. Trong khi thế giới hô hào sống nhanh thì người Việt lại thích sống chậm, chúng ta chịu ảnh hưởng bởi tư duy làng xã trong suốt quá trình phát triển của văn hóa cộng đồng từ việc “xấu đều hơn tốt lỏi” đến sự ung dung, nhàn hạ “vui thú điền viên”. Tóm lại, rất nhiều đặc tính của người Việt đã kéo lùi kinh tế xuống những “tầm thấp mới”.

Để chốt lại vấn đề, tác giả kết luận: “Chúng ta đang ở trong một câu chuyện còn buồn hơn cả câu chuyện của người Phillipine”.

Ác mộng và hiện thực

Lập luận của nhiều người cho rằng sớm muộn gì thì nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ thành công. Họ nói rằng làm sao một đất nước với cư dân có văn hóa, giàu quặng sắt và dầu lửa, một dân tộc có ít nhất hai nghìn năm về quản lý hành chính và có địa thế thuận lợi lại có thể không thành công được? Có hai câu trả lời cho lập luận này. Câu trả lời thứ nhất là, không nên bằng lòng với sự thành công đến muộn . Nếu thành công đến muộn mười năm thì nhân dân Việt Nam sẽ phải chịu thêm một thập kỷ “suy dinh dưỡng”, một môi sinh ngày càng tồi tệ và để lỡ những cơ hội tốt nhất để phát triển. Mười năm trì trệ cũng sẽ làm chính quyền yếu đi và khó tiếp tục hứa hẹn với người dân về một tương lai tốt đẹp hơn. Mặt khác, Việt Nam sẽ tụt xa hơn so với Trung Quốc và khoảng cách này sẽ ngày càng tăng. Câu trả lời thứ hai là hiện nay, không có gì đảm bảo rằng Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng nhanh ngay cả sang thế hệ sau. Tuy có một số tài nguyên nhưng hiện nay Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Đến cuối thập niên này, mức tăng trưởng của Việt Nam có thể sẽ yếu đi và nền kinh tế Việt Nam sẽ lâm vào cảnh hỗn loạn như Phillipine.

“Cú sốc” về kinh tế đã không còn nằm ở lời cảnh báo! Đó là hiện thực mà Việt Nam đang ngày ngày phải đối mặt với một loạt rủi ro như nợ công và mức tăng trưởng thấp.

Để “đập tan” quan niệm ảo tưởng về sự phồn vinh “không sớm thì muộn” của người Việt, giáo sư Trần Văn Thọ cho rằng: Trong khi các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan có giai đoạn “dân số vàng” ở vào khoảng thời gian 1930, 1970 đến 1990, 2015 thì Việt Nam nằm ở quãng 1970 đến 2025. Vậy là chúng ta phải đối mặt với tình trạng “chưa giàu đã già” bởi khi nền kinh tế chưa kịp phát triển, dân số đã trải qua giai đoạn thịnh vượng để có thể đóng góp cho lao động.

“Cú sốc thời gian” còn thể hiện ở việc sử dụng FDI và xuất khẩu lao động. Theo đó, chúng ta có mức độ xuất khẩu lao động… tăng dần đều theo mỗi năm, vốn FDI luôn ở mức cao cùng với tình trạng xuất khẩu lao động ra nước ngoài đã khiến nền kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng thảm hại. Đó là một nền kinh tế mãi tụt hậu và bị phân hóa , trở thành những người làm thuê chuyên nghiệp ngay trên quê hương mình và trên khắp thế giới. Chúng ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình bởi sự thiếu thốn trong việc nâng cao trình độ lao động cùng với sự suy giảm tài nguyên thiên nhiên.

Thể chế khiến các quốc gia thất bại?

Giáo sư Trần Văn Thọ cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại, thịnh vượng và thất bại của các quốc gia trong lịch sử được quyết định bởi thể chế. Thể chế có thể có tính dung hợp hoặc chiếm đoạt, tùy thuộc mối tương quan giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị sẽ dẫn tới những kết quả khác nhau.

Các nước thành công và trở nên thịnh vượng có thể có những điểm xuất phát khác nhau, tuy nhiên, một sự tăng trưởng nhanh, nếu muốn được duy trì trong dài hạn để tạo nên sự thành công thịnh vượng đều phải có bước chuyển phù hợp từ thể chế chiếm đoạt sang dung hợp. Và ngược lại, một nước thịnh vượng cũng có thể đánh mất đi sự thành công đang có nếu các diễn tiến lịch sử khiến thể chế của quốc gia đó chuyển từ dung hợp sang chiếm đoạt . Các hoàn cảnh kinh tế - xã hội hiện có cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ và tạo nên các vòng xoáy đi lên hoặc đi xuống của các thể chế. Vì vậy cũng có thể nói, thành công lại tiếp nối thành công, nghèo đói lại kéo theo nghèo đói. Muốn tạo được bước đệm để phát triển và duy trì sự phát triển, các quốc gia nhất định phải phá khuôn và đảo chiều các vòng xoáy.

Tuy nhiên, diễn biến trên thực tế của 30 năm đổi mới đã cho thấy, chính vì duy trì phương pháp “dò dẫm” quá lâu, khi mà các nguy cơ bất ổn về chính trị, xã hội và quân sự có tính lịch sử đã qua đi, đã khiến cho trong quá trình đổi mới ở Việt Nam, “kiến trúc thượng tầng” – “thể chế” luôn là nhân tố “lẽo đẽo” chạy theo sau, trở thành lực cản, thậm chí tạo thành một khung quá chật hẹp kìm hãm sự phát triển. Nếu xét về khía cạnh lý luận thì đây chính là nguyên nhân khiến kinh tế Việt Nam không có sự tăng trưởng đột phá.

Tóm lại, từ tư duy của Macxit, Việt Nam đã tiến hành đổi mới kinh tế trước đổi mới về chính trị khiến cho kinh tế có được “cởi trói” vẫn không thể đi đường dài bởi sự chậm trễ của thể chế, và bởi thế đã tạo ra một nền kinh tế dù “dậy thì”  vẫn còn… “suy dinh dưỡng”.

Muốn “dậy thì thành công” phải biết “cắm sừng” đúng lúc?

Tất nhiên không phải là tư duy thực dụng của các cô gái hiện đại “tham giàu phụ khó”. Tuy nhiên, để dẫn cho việc kinh tế Việt Nam luôn luôn “khuất bóng” Trung Quốc, tác giả đã chỉ ra rằng: Trong học thuyết kinh tế - chính trị của Đặng Tiểu Bình, luôn luôn ẩn chứa đầy mưu mô và toan tính. Muốn có được những bước đi dài, phải chấp nhận vứt bỏ một số lợi ích không hề nhỏ. Sự tồn tại và phát triển được đặt lên hàng đầu, cho nên bằng mọi giá, mọi phương pháp, mọi sự “phản bội”, phải thực hiện cho được những mục tiêu ấy.

Trung Quốc đã lựa chọn phát triển và từ chối ổn định, giống như một cô gái từ bỏ sự bình yên bên chàng trai nghèo đói để đến với một gã trai giàu trong sự đố kị của những “nhà giàu” tư bản.

Việt Nam ở tình thế “cầm cục vàng đi giữa chợ”, chỉ có thể chọn phát triển và từ đó có nội lực để duy trì sự ổn định. Để nhấn mạnh điều này, tác giả cho rằng: “tố chất con người Việt Nam cũng phù hợp với sự phát triển hơn ổn định”.

Kết lại bằng giấc mơ “hóa rồng” của người Việt, tham luận của hội thảo cho rằng: “Hóa rồng, nếu muốn biến nó thành hiện thực thay vì chỉ là giấc mộng, thì trước tiên phải là khát vọng trong mỗi con người Việt”.

Nguồn: Phạm Trang/ songmoi.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Thảo luận

Quảng cáo