Tin tức

Người Đức thích sử dụng tiền mặt

Cập nhật lúc 03-11-2014 15:28:51 (GMT+1)
Đa số người dân Đức đi mua sắm trả bằng tiền mặt.

 

Người tiêu dùng Đức dường như hoàn toàn hài lòng với cách chi trả tiền mặt. Họ thích dùng tiền mặt hơn thẻ ngân hàng. Đức là một trong những nước có nền kinh tế phát triển mà lượng lưu thông tiền mặt rất lớn.


Theo báo cáo gần đây của Cục dự trữ liên bang, trong ví tiền của người Đức lúc nào cũng có khoảng 123USD tiền mặt, gấp đôi so với người Australia, Hoa Kỳ, Pháp và Hà Lan. Khoảng 80% các hoạt động thanh toán của người Đức là dùng tiền mặt (tại Hoa Kỳ dưới 50%).

Và tiền mặt là dạng thanh toán chủ yếu tại đây kể cả với những giao dịch lớn. Đức cũng là quốc gia có số lượng người giao dịch qua thẻ thấp nhất trong khối EU, xếp hạng 18 trong số 27 thành viên, thấp hơn cả Latvia và Slovenia và chỉ nhỉnh hơn Malta. Chỉ có 33% dân Đức mở thẻ ngân hàng nhưng họ cũng hiếm khi dùng. Thụy Điển đứng đầu danh sách với trung bình 230 số lần chi trả trong khi Đức chỉ 39 lần.

Tại Đức, nhiều nhà hàng, quán bar và cà phê chỉ nhận thanh toán bằng tiền mặt. Ngay cả khi người Đức có thể sử dụng thẻ ghi nợ, họ vẫn thích chi trả bằng tiền mặt hơn. Thậm chí, tại một quán rượu ở Aschaffenburg, miền Đông Frankfurt, phía sau quyển thực đơn ghi: “Chỉ nhận thanh toán bằng tiền mặt, không thanh toán qua thẻ”. Năm ngoái, khi khối EU cân nhắc bỏ đồng 1 và 2 cent để cắt giảm chi phí, người Đức đã phản đối vì sợ các nhà bán lẻ sẽ tăng giá sản phẩm do phải làm tròn giá bán.

Đã có một số nghiên cứu để lý giải tại sao người Đức lại thích sử dụng tiền mặt. Trước nhất, người Đức cho rằng dùng tiền mặt thuận tiện hơn trong việc giữ tiền và thực hiện chi trả, đồng thời bảo đảm sự riêng tư của chủ sở hữu. Bên cạnh đó, thái độ của người dân Đức với tiền tệ cũng bắt nguồn từ “thảm họa tiền tệ” trong lịch sử. Khởi đầu năm 1923, giá cả trong nước bị đẩy lên khoảng một ngàn tỷ lần vì người Đức phải gồng mình chi trả những bồi thường chiến tranh và sự kiện phá giá đồng mác.

Tiếp đó là sự kiện sau chiến tranh thế giới thứ hai, quân đồng minh phải khắc phục nạn siêu lạm phát gây ra bởi chế độ độc tài Hitler bằng cách kiểm soát lương, giá cả và hệ số khả năng thanh toán. Đến năm 1948 người Đức bị buộc đổi tiền: 10 đồng cũ lấy 1 đồng mới. Sự kiện này khiến tâm lý người Đức e ngại khi gửi tiền ngân hàng, vì nó đã làm “bốc hơi” hơn 90% tiền tiết kiệm người dân lúc bấy giờ. 

Nói cách khác, người Đức có xu hướng giải quyết bằng tiền mặt do những ảnh hưởng từ thế kỷ trước, người Đức đã phải vật lộn đấu tranh để đứng dậy bên bờ thậm chí là từ trong thảm họa. Và đó sẽ luôn là dấu ấn khó phai. Mặc dầu vậy cũng có những người Đức, đặc biệt là những người trẻ, thích tiện ích của việc thanh toán qua thẻ.

Ngân hàng Deutssche Bundesbank cũng cho biết người Đức đã bắt đầu mang ít tiền mặt hơn, giảm khoảng 15EUR so với năm 2011. Sự thay đổi trên bắt nguồn từ khi Lidl và Aldi - những chuỗi siêu thị lớn nhất tại Đức - chấp nhận thanh toán bằng thẻ ghi nợ. Những hãng lớn khác cũng đang nỗ lực thay đổi thói quen chi trả của người Đức. Hãng American Express phát hành thẻ ghi nợ kết hợp với xây dựng hệ thống điểm giao dịch vào cuối năm 2012 để kích cầu.

Theo nghiên cứu của Viện bán lẻ EHI, 54,4% của 390 tỷ EUR trong trong các giao dịch mua bán lẻ ở Đức vào năm 2013 là tiền mặt, giảm 1,2% so với 1 năm trước đó. Dự kiến vào năm 2018, thị phần tiền mặt sẽ xuống dưới 50%, mở đường cho thẻ ghi nợ và tín dụng.

Nguồn: Đức Giang/Sài Gòn đầu tư tài chính

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo