Tin tức

Tham vọng của Gazprom và tương lai an ninh năng lượng châu Âu

Cập nhật lúc 03-06-2012 14:20:53 (GMT+1)
ổng thống Nga Dmitry Medvedev ký lưu niệm vào thành ống nhân Lễ Khánh thành Hệ thống đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc t

 

Việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt vượt biển Baltic thứ 2 sẽ là một chiến thắng cho Tổng thống Nga Vladimir Putin ở nhiệm kỳ thứ 3 này của ông trên con đường đưa nước Nga trở lại vị thế cường quốc năng lượng vốn có từ thời Liên Xô (cũ).


Khi Dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nabucco của Liên minh châu Âu (EU) đang đứng trước nguy cơ không thực thi được, Tập đoàn khí đốt Gazprom đã tính đến khả năng xây dựng một đường ống dẫn khí vượt biển Baltic thứ hai bên cạnh đường ống dẫn khí Nord Stream (dòng chảy phương Bắc). Tuy nhiên, với sự tràn ngập khí tự nhiên phi truyền thống của Mỹ trên thị trường, chiến lược tham vọng này của Gazprom không phải không có rủi ro.

Tham vọng nhiều – Cơ hội ít

Người châu Âu vẫn nói vui rằng, Dự án đường ống dẫn khí Nord Stream là Dự án “Putin – Schroder” bởi dự án này đã được ông Putin (khi đó là Tổng thống Nga) và ông Gehard Schroder (khi đó là Thủ tướng Đức) khai sinh. Và 6 tháng trước, công trình mang ý nghĩa năng lượng quan trọng này đã đi vào hoạt động, mang khí tự nhiên từ Siberia (Nga) chạy qua 1.200km đường ống tới TP Greifswald nước Đức.

Bên cạnh đó, Đức cũng tham gia vào một dự án năng lượng quan trọng khác là Nabucco. Đường ống Nabucco nhằm mục đích vận chuyển khí đốt từ khu vực biển Caspian dọc theo một tuyến ống phía nam châu Âu dài 3.900km có điểm kết thúc tại Áo và không đi qua Nga. Dự án “con cưng” này được kỳ vọng sẽ làm giảm sự phụ thuộc khí đốt của châu Âu vào Nga. Tuy nhiên, cho đến giờ vẫn chưa có một mét đường ống nào được lắp đặt và thậm chí, dự án này còn có nguy cơ bị “khai tử” khi còn nằm trên giấy.

Cuối tháng 4 vừa qua, Tập đoàn MOL – đại diện của Hungary tham gia vào Dự án Nabucco đã tuyên bố rút khỏi dự án do nghi ngờ về khả năng tài chính của NIC – công ty được lập ra để chuẩn bị cho dự án. Chính Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng thừa nhận dự án này đang đứng trước những khó khăn “không thể không tính đến” và tương lai không rõ ràng. Và bây giờ, một đối tác khác của dự án – RWE (Đức) cũng đã nghĩ đến việc rút lui. Quyết định cuối cùng chưa được nêu ra nhưng cơ hội để RWE tiếp tục cam kết thúc đẩy Nabucco là không có nhiều.

Có 2 lý do: một là, tổng chi phí ước tính của dự án đã lên tới hơn 15 tỉ euro (19 tỉ USD), cao gấp 2 lần so với dự toán ban đầu. Một lý do khác là Azerbaijan và Turkmenistan – những nhà cung cấp tiềm năng đã nhiều lần trì hoãn và không dứt khoát cam kết sẽ cung cấp khí đốt tự nhiên cho Nabucco.

“Cam kết đúc bằng thép”

Thật vậy, tình hình hiện tại đã không đơn giản là sự cạnh tranh giữa hai hệ thống đường ống khi Nord Stream đã hoàn thành và chứng minh tầm quan trọng chiến lược của nó. Bây giờ, chủ đầu tư và các đối tác của Dự án Nord Stream, bao gồm Gazprom, EON của Đức, Wintershall, GDF Suez của Pháp và Gasunie của Hà Lan lại đang tính đến việc đầu tư xây dựng một đường ống thứ 2 qua biển Baltic, mà khả năng sẽ nằm gần đường ống hiện tại. Kết quả cuối cùng là sẽ hình thành một đường ống dẫn kép, có thể bắt đầu vận chuyển hàng tỉ m3 khí đốt trực tiếp từ Siberia đến Nam Âu trong 7-8 năm nữa.

Kịch bản có vẻ đã hé lộ – người ta muốn mở rộng các đường cung cấp phía bắc và giảm bớt quy mô của các tuyến vận chuyển phía nam – điều sẽ gây bất ổn cho toàn bộ thị trường khí đốt châu Âu. Trong khi đó, EU muốn xây dựng Nabucco là để mở rộng nguồn cung cấp. Tuy nhiên, sự thất bại nhìn thấy được của Nabucco và sự mở rộng của tuyến đường ống dẫn khí vượt biển Baltic lại đang là mối đe dọa với châu Âu sẽ khiến EU phụ thuộc nhiều hơn bao giờ hết vào nguồn khí đốt từ Nga. Thật vậy, châu Âu đã mua khoảng 25% khí đốt tự nhiên từ Nga, trong đó, Đức – nền kinh tế lớn nhất châu lục, phụ thuộc vào quốc gia này tới 35% nhu cầu khí đốt. Đây là điểm làm nước Đức dễ bị tổn thương.

Cho đến nay, Moskva đã liên tục chứng tỏ mình là một nhà cung cấp đáng tin cậy. Gazprom nói rằng, đường ống “là một lời hứa giao hàng đúc bằng thép” và nhấn mạnh rằng, không có công ty nào đầu tư hàng tỉ đôla vào đường ống để rồi sau đó không sử dụng nó.

Nhưng người ta càng ngày càng lo ngại rằng, Nga sẽ sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có của họ như một phương tiện gây áp lực và rằng khí đốt sẽ trở thành một vũ khí chính trị. “Không có an ninh quốc gia nào mà không có an ninh năng lượng”, Ủy viên Năng lượng châu Âu và người ủng hộ Dự án Nabucco Günther Oettinger nói.

Tham vọng xây dựng đường ống dẫn khí thứ 2 xuyên biển Baltic của Gazprom không phải không có rủi ro.

Cắt ngắn Nabucco

Dự án đường ống Nabucco được khởi xướng từ đầu năm 2000, với các cổ đông từ Đức, Áo, Hungary, Romania, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ, được sự hậu thuẫn của chính phủ các quốc gia trên và EU. Nhưng cho đến giờ, Nabucco vẫn chỉ nằm trên giấy và chưa có bước tiến nào.

Bây giờ, các cổ đông Nabucco tin rằng, chỉ có phiên bản nhỏ hơn của dự án này là thực tế. “Nabucco West” (Tây Nabucco) – chính là dự án phiên bản này, sẽ chỉ dài 1.300km và kết nối từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Bulgaria tới Áo. Để đi xa hơn về phía đông, khí đốt sẽ được vận chuyển thông qua đường ống Trans-Anatolian (TANAP), một dự án do Socar dẫn đầu và cũng vẫn còn trong giai đoạn lập kế hoạch. Nhưng ngay cả khi phiên bản này được thực hiện, châu Âu vẫn chưa thực hiện được mục tiêu kiểm soát tuyến đường cung cấp riêng cho mình và của mình.

Trong khi đó, Nga đang đẩy mạnh việc mở rộng các tuyến vận chuyển khí đốt ở phía bắc. Vài tuần trước, Nga đã thông báo cho các nhà lãnh đạo tất cả quốc gia bị ảnh hưởng, bao gồm Ba Lan, Phần Lan và Đức về kế hoạch này. Hiện chưa có nước nào có phản ứng.

Chiến lược rủi ro của Gazprom

Hai tuần trước, cổ đông Nord Stream đã nhất trí về chi tiết cuối cùng của kế hoạch xây dựng một đường ống kép thứ 2 tại Frankfurt. Giám đốc điều hành của Nord Stream Matthias Warnig cho biết, họ muốn trình bày một nghiên cứu khả thi, trong đó, tất cả các vấn đề chính như môi trường, hiệu quả chi phí và lộ trình sẽ được chi tiết. Nếu không có trở ngại nào thì đầu năm 2013, đường ống thứ 2 này sẽ được xây dựng.

Cùng với các đối tác hiện có của Nord Stream, nhiều đối tác mới cũng bày tỏ sự quan tâm đến dự án mới này, bao gồm cả các nhà đầu tư tài chính cũng như các “đại gia” năng lượng như BP của Anh. Và một khi như vậy, triển vọng của Nabucco rõ ràng là rất xấu, bởi BP vốn được hy vọng là nhà cung cấp khí đốt cho đường ống này.

Việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt vượt biển Baltic thứ 2 sẽ là một chiến thắng cho Tổng thống Nga Vladimir Putin ở nhiệm kỳ thứ 3 này của ông trên con đường đưa nước Nga trở lại vị thế cường quốc năng lượng vốn có từ thời Liên Xô (cũ). Tuy nhiên, chiến lược tham vọng này không phải không có rủi ro khi Gazprom đang tìm cách mở rộng cơ sở hạ tầng kinh doanh của mình trong thời điểm thị trường khí đốt thế giới đang có những thay đổi triệt để và không còn khan hiếm với sự xuất hiện của một nhân tố mới: khí đá phiến từ Mỹ.

Cạnh tranh và cạnh tranh

Sự cạnh tranh mới này đe dọa mô hình kinh doanh truyền thống của Nga. Họ đã quen với việc duy trì cân bằng giữa giá khí đốt và giá dầu. Các hợp đồng giao hàng đôi khi kéo dài hàng thập niên và mặc dù nếu cần ít hơn, khách hàng vẫn phải trả giá theo hợp đồng đầy đủ. Nguyên tắc này gọi là “nhận trực tiếp hay trả lại”, đã đem lại rất nhiều lợi nhuận cho người Nga. Ngoài ra, bây giờ, khách hàng có thể mua khí đốt tự nhiên ở các thị trường tại chỗ như Sàn giao dịch Năng lượng châu Âu ở Leipzig, Đức. Khối lượng giao dịch tại đây đã tăng lên hơn 50% vào năm ngoái.

Trong môi trường xuất hiện nhiều yếu tố cạnh tranh mới như vậy, Giám đốc Nord Stream Warnig vẫn tin rằng, một đường ống qua biển Baltic sẽ mang lại chiến thắng cho Gazprom. Ông nói, khí đá phiến sẽ không có được tầm quan trọng ở châu Âu như ở Hoa Kỳ và trên thực tế, trong khoảng 20 năm nữa, các nhà cung cấp thậm chí còn không đáp ứng đủ nhu cầu của châu Âu. Ông cũng cho rằng, nhu cầu khí đốt tự nhiên ở Tây Bắc Âu cho đến năm 2030 sẽ duy trì khá ổn định ở mức 300 tỉ m3 khí mỗi năm. Tuy nhiên, cùng thời gian đó, các nguồn cung cấp khí đốt ở Anh và Hà Lan sẽ sụt giảm, từ 150 tỉ m3/năm xuống còn 50 tỉ m3 khí/năm vào năm 2030.

Bên cạnh đó, có một thực tế rằng, sự quyết tâm xóa bỏ năng lượng hạt nhân của Đức đã làm cho khí đốt tự nhiên trở nên quan trọng hơn nhiều. Nhà máy điện khí hiện đại rất thích hợp để bù đắp sự biến động mạnh trong lưới điện do sự tham gia của các nguồn điện từ năng lượng tái tạo. Nếu gió không thổi, mặt trời không chiếu sáng, nhà máy điện khí ngay lập tức có thể “tiếp tế” ngay cho lưới điện và do đó giữ cho lưới điện ổn định, nhanh hơn rất nhiều so với nhà máy điện than.

Tương lai khí đá phiến của Mỹ tràn ngập trên thị trường khí đốt thế giới sẽ buộc Nga phải nhượng bộ trong các hợp đồng bán khí đốt trong tương lai. Nhưng cuối cùng, an ninh năng lượng của châu Âu có nằm trong tay người châu Âu hay không, vẫn phụ thuộc vào việc quyết định xây dựng đường ống Nabucco.

Nguồn: Petrotimes

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Thảo luận

Quảng cáo