Tin tức

Thương vụ “bí mật” phá hại cả sức khỏe và thiên nhiên: tiền tỷ cho thuốc bảo vệ thực vật bất hợp pháp

Cập nhật lúc 27-10-2020 10:54:23 (GMT+1)
Ảnh (blesk.cz)

 

Một hoạt động phạm pháp đang âm thầm lan tràn khắp châu Âu, hoạt động này đang là mục tiêu theo dõi lâu dài của các nhà điều tra trên toàn châu Âu. Nó là mối nguy hiểm cho sức khỏe của người dân, cho thú vật và môi trường, dẫu vậy người ta không nói nhiều đến nó. Chúng ta đang nói về thị trường chợ đen cho thuốc bảo vệ thực vật – là nơi có thể kiếm được cả các chất bị cấm vì độ độc hại của chúng. Tuy nhiên, nhiều người muốn có các chất này và họ không ngại lách luật. Đồng thời, hàng giả của các sản phẩm vẫn quen được sử dụng đang "tuôn ra" ở đây. Theo bà Miluse Kusendová-Dvoržáková từ Hiệp hội bảo vệ thực vật Séc, có tới 17,9% thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trên ruộng đồng tại Séc là bất hợp pháp hoặc là thuốc giả. Bà coi vấn đề là nghiêm trọng.


Khi nói đến đồ giả, hầu hết người ta hay nghĩ đến chiếc ví hoặc lọ nước hoa. Tuy nhiên, người ta cũng làm giả trên quy mô lớn cả trong ngành công nghiệp hóa chất, là nơi làm thuốc trừ sâu. Một thùng thuốc bảo vệ thực vật (POR) có thể tốn rất nhiều tiền, và ở đâu có tiền thì ở đó thường sẽ có chỗ cho sự gian lận. Đồng thời, danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng mỗi năm một dài. Kết quả là thị trường chợ đen là một trong những thị trường lớn nhất ở châu Âu về quy mô và sản lượng. Hàng năm có hàng tỷ euro chảy qua nó.

Vấn đề là các quy định về thuốc bảo vệ thực vật rất nghiêm ngặt. Và cần phải như vậy. Thuốc trừ sâu tiếp xúc trực tiếp với cây quả mà chúng ta ăn vào người, vì vậy phải trải qua một quá trình thử nghiệm lâu dài trước khi được đưa ra thị trường. Điều này đảm bảo để có được các loại thuốc an toàn nhất có thể và không gây nguy hiểm cho bất kỳ ai.

"Hệ thống quản lý của EU được coi là một trong những hệ thống nghiêm ngặt nhất trên thế giới; nó đảm bảo cho độ an toàn cao nhất có thể và để sử dụng trong các nước EU. Vì tính chất của loại  hàng hóa được quản lý (ví dụ như trong trường hợp thuốc), có những lý do rất hợp lý cho điều này”bà Kusendová-Dvoržáková lý giải cho Blesk Zprávy. Nếu sử dụng không đúng cách, các sản phẩm này có thể thải vào đất và nước hoặc để lại dư lượng trong thực phẩm. "Con người hoặc động vật hoang dã có thể tiếp xúc với chúng", bà chuyên gia nói.

Tuy nhiên, các sản phẩm bất hợp pháp thì không qua bất kỳ quy trình phê duyệt nào. “Với các chất này, người ta không có các phương pháp giảm thiểu rủi ro, các liều lượng tối ưu không được xác lập, không có bất cứ xác quyết nào, liệu nó có thể được đưa ra thị trường bằng cách pha chế với các chất phụ gia cụ thể hay không và liệu nó có an toàn hay không.

Bà Kusendová-Dvoržáková giải thích tại sao sự tồn tại của thuốc trừ sâu bất hợp pháp là một vấn đề:  sử dụng thuốc trừ sâu bất hợp pháp (bao gồm cả thuốc giả và thuốc không được đăng ký tại quốc gia là nơi mà nó được dành cho thị trường tại quốc gia ấy) hàm chứa nhiều nguy hiểm đối với người nông dân, đối với sức khỏe con người và môi trường, hơn là so với các sản phẩm đã được đăng ký hợp lệ

Thực tế rằng một số động vật thường xuyên bị  đầu độc bằng carbofuran cho thấy, điều gì sẽ xảy ra một khi các chất bảo vệ thực vật bị cấm rơi vào tay những người không có thẩm quyền. Ví dụ, nó chứa thuốc trừ sâu Furadan, đã bị cấm ở Cộng hòa Séc từ hơn 10 năm nay. Mặc dù lẽ ra chất này không còn có mặt trên thị trường, tháng nào cũng có một số loài chim săn thú quý hiếm chết vì chất này. Bộ Nông nghiệp và các nhà điểu học chỉ ra rằng, ngoài những kho dự trữ lớn từ ngày xưa, người ta có cách kiếm được chất này bất hợp pháp, mặc dù bà Kusendová-Dvoržáková không có thông tin cụ thể về các giao dịch này.

Hơn nữa, carbofuran không phải là duy nhất. Ví dụ, từ năm 2012 đến 2016, Viện Khí tượng Thủy văn Séc đã ghi nhận sự xuất hiện của acetochlor hoặc alachlor trong nước ngầm - hai chất này cũng đã bị cấm tại EU đã vài năm nay.

Séc là nước tệ thứ ba tại EU

Chính vì các chất bị cấm và các thuốc giả không tuân thủ quy định và không được kiểm tra bằng các thử nghiệm tốn kém, nên chúng có thể được bán với giá thấp hơn hẳn. Điều đó thu hút người mua. “Buôn bán các loại thuốc bảo vệ thực vật bất hợp pháp là một trong những hoạt động tội phạm sinh lời và hấp dẫn nhất trên toàn thế giới, hiện đang phát triển mạnh mẽ trong suốt 10 năm qua. Mặc dù hiện tượng tiêu cực này được quan tâm khá nhiều, nhưng dù ở cấp quốc gia hay quốc tế, lượng sản phẩm bất hợp pháp vẫn đang gia tăng hàng năm“, bà chuyên gia đánh giá thực tế đáng buồn.

Cộng hòa Séc cũng không tránh được tình trạng này, ngược lại, vấn đề ở đây thậm chí còn nghiêm trọng hơn nhiều nước khác. Bà Kusendová-Dvoržáková cho biết: “Dựa trên chất thải đủ tiêu chuẩn (để sử dụng lại vào việc khác), các sản phẩm bất hợp pháp chiếm tới 17,9% tổng doanh số bán các loại thuốc bảo về thực vật tại Cộng hòa Séc, đây là tình trạng tồi tệ thứ 3 ở các nước thành viên EU”. Và bà nói thêm rằng, ví dụ, ở Đông Nam Á và Châu Phi, thị phần của các sản phẩm này ước tính lên tới 25-30%. Theo bà, người Séc nên quan tâm đến thực tế này. " Thoạt nhìn, có vẻ như chúng ta không chịu ảnh hưởng của các vấn đề ở những vùng xa xôi như vậy, nhưng đây là một ấn tượng sai, bởi vì với sự phát triển toàn cầu hóa, việc nhập khẩu lương thực từ những vùng này sang các nước EU là một thực tế hàng ngày. "

Đó là lý do tại sao Văn phòng Cảnh sát Châu Âu (Europol) đã theo dõi tình hình này trong một thời gian dài. Dưới sự lãnh đạo của Văn phòng, 5 hoạt động phối hợp được gọi là Silver Axe đã diễn ra, tập trung vào việc phát hiện thuốc trừ sâu bất hợp pháp. Trong hoạt động cuối cùng vừa qua, kỷ lục 1.346 tấn hóa chất đã bị tịch thu, tương đương với 458 bể bơi đầy. Bốn vụ trước dẫn đến việc tịch thu tổng cộng 1222 tấn thuốc cấm và thuốc giả ở châu Âu, so với 550 tấn vào năm 2019 và ba người bị bắt giữ. Các hoạt động cũng đã diễn ra tại Cộng hòa Séc.

Luật pháp Châu Âu tạo điều kiện cho tình trạng này xảy ra

Và làm thế nào để các sản phẩm bảo vệ thực vật bất hợp pháp đến được tới ruộng đồng tại Séc? Theo bà Kusendová-Dvoržáková, các thể chế của EU hướng đến thương mại song song. Viện kiểm nghiệm và kiểm tra nông nghiệp trung ương (ÚKZÚZ) định nghĩa, đây là “việc chuyển giao một sản phẩm bảo vệ thực vật đã được cho phép tại Cộng hòa Séc cho một người khác, không phải là người có giấy phép gốc từ một quốc gia thành viên khác của Liên minh Châu Âu”. Các sản phẩm này có thể được giới thiệu, đưa ra thị trường và được sử dụng tại Cộng hòa Séc một khi Viện kiểm nghiệm và thanh tra nông nghiệp trung ương xác định rằng đây là sản phẩm đồng nhất với sản phẩm tham chiếu, tức là sản phẩm được phép sử dụng tại Séc.

Nói cách khác, đó là tình trạng, khi mà trong thị trường chung EU, người ta có thể nhập thuốc bảo vệ thực vật từ một quốc gia thành viên khác vào Cộng hòa Séc, nếu như nó được phép bán ở cả hai nước. Thông thường, điều này có thể giúp cho việc kinh doanh đơn giản hơn, nhưng nó cũng có nghĩa là một khi một sản phẩm bất hợp pháp vào thị trường EU thì rất khó bị phát hiện. Ở Cộng hòa Séc, điều đó còn phức tạp hơn vì đây là một quốc gia không giáp biển và chỉ có biên giới với các quốc gia thành viên khác. Có thể xảy ra trường hợp ai đó từ một quốc gia EU nhập khẩu một loại thuốc trừ sâu vào Cộng hòa Séc, và vì ở đây, nó có thể được bán dưới một cái tên khác, một chất trái phép sẽ xuất hiện trên quầy hàng.

Brussels cấm thuốc trừ sâu "độc hại": các nhà nông cảnh báo, thực phẩm sẽ đắt hơn

"Thật không may, các phương pháp mà mạng lưới tội phạm có tổ chức đang sử dụng để đưa sản phẩm vào thị trường của chúng ta luôn được cải tiến không ngừng, và các sản phẩm bất hợp pháp đang trở thành một phần của thị trường và khó phát hiện", nữ chuyên gia cho biết. Tại Cộng hòa Séc, cơ quan giám sát thuốc bảo vệ thực vật là Viện Kiểm nghiệm và Kiểm nghiệm nông sản Trung ương. Trên trang mạng của Viện có danh sách các chất bị cấm.

Giải pháp ư? Truy xuất nguồn gốc tốt hơn và mức phạt lớn hơn

Do quy mô của vấn đề, Hiệp hội bảo vệ thực vật Séc ủng hộ một số biện pháp. Theo bà Kusendová-Dvoržáková, Hiệp hội nỗ lực hướng tới các thay đổi trong luật pháp để việc buôn bán các sản phẩm bất hợp pháp này được coi là tội hình sự. Tại các nước khác, đây là việc phổ biến, ví dụ hành vi này tại Pháp có thể bị đi tù tới 7 năm và bị phạt 750 nghìn euro. Tuy nhiên, theo Hiệp hội, Cộng hòa Séc vẫn chưa có biện pháp trừng phạt hiệu quả nào.

Ngoài ra, theo đề xuất của Hiệp hội, một nhóm chuyên gia liên bộ đã được thành lập dưới sự lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp để cùng hợp tác giải quyết vấn đề này. Cảnh sát Cộng hòa Séc, cũng như cơ quan hải quan và quản lý thuế và các đại diện ngành công nghiệp cũng tham gia nhóm này. Và cuối cùng, họ ủng hộ việc truy xuất, tìm ra nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật và sử dụng mã 2D do Bộ Nông nghiệp đề xuất.

Nhờ Hiệp hội bảo vệ thực vật, có thể theo dõi toàn bộ hành trình của sản phẩm từ nhà sản xuất, qua nhà phân phối đến tận người nông dân cuối cùng. Cho đến nay, dự kiến mã 2D sẽ có hiệu lực trong năm 2022.


Tác giả: Markéta Mikešová (blesk.cz)

Người dịch: Thanh Mai- vietinfo.eu

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo